Ảnh Internet

Ảnh Internet

Giá dầu hồi phục không tạo cơ hội đồng đều

(ĐTCK) Kết thúc quý I/2020, nhiều công ty trong nhóm dầu khí ôm lỗ lớn do phải trích lập giảm giá tồn kho vì giá dầu giảm mạnh. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 đến nay, thị trường lại chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ của giá dầu khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi: Liệu các doanh nghiệp đã trích lập dự phòng có được hoàn nhập hay không?

Điểm chung của nhóm doanh nghiệp có trữ lượng tồn kho dầu lớn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX), CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (OIL) là hoạt động kinh doanh có trữ lượng tồn kho dầu lớn, nên đã phải thực hiện đánh giá giảm giá hàng tồn kho khi giá dầu giảm.

Cụ thể, quý I/2020, giá dầu Brent giảm mạnh từ vùng 66 USD/thùng về mức 24,4 USD/thùng, ghi nhận mức giảm hơn 63%. Do luôn phải duy trì lượng hàng tồn kho nhất định, PLX, OIL, BSR đã phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc ghi nhận giảm giá hàng tồn kho này.

Giá dầu hồi phục không tạo cơ hội đồng đều ảnh 1

Tại PLX, đầu kỳ doanh nghiệp có tồn kho 11.772,7 tỷ đồng, cuối kỳ tồn kho còn 6.759,5 tỷ đồng, trong đó trích lập dự phòng giảm giá tồn kho lên tới 1.658,9 tỷ đồng. Tính tới 31/3/2020, tồn kho vẫn chiếm tới 12,3% tổng tài sản của doanh nghiệp.

Tại OIL, tồn kho đầu kỳ là 2.447,6 tỷ đồng, giảm tới cuối kỳ là 1.111,6 tỷ đồng, trong đó phải trích lập 433,8 tỷ đồng giảm giá tồn kho. Tính tới 31/3/2020, tồn kho chiếm 5,2% tổng tài sản của doanh nghiệp.

Tại BSR, tồn kho đầu kỳ là 8.515,2 tỷ đồng tăng lên 9.127 tỷ đồng, trong kỳ phải trích lập tới 585,8 tỷ đồng giảm giá tồn kho. Tính tới 31/3/2020, tồn kho chiếm 19,2% tổng tài sản của doanh nghiệp.

Việc nắm giữ nhiều hàng tồn kho là dầu nên khi giá dầu bất ngờ giảm sâu đã làm cho nhóm doanh nghiệp này phải ghi nhận lỗ. Lợi nhuận sau thuế quý I/2020 lần lượt của PLX, BSR và OIL là -1.813,2 tỷ đồng, -2.347,5 tỷ đồng và -537,7 tỷ đồng.

Gặp bất lợi về giá dầu trong quý I, nhưng ảnh hưởng đến doanh nghiệp có thể chia làm 2 mảng khác nhau. Với mảng kinh doanh thương mại như OIL và PLX, hoạt động chủ yếu là nhập dầu về và bán lại cho người tiêu dùng, khi gặp cú sốc giá dầu trong ngắn hạn sẽ phải trích lập giảm giá tồn kho. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, doanh nghiệp có cơ hội chuyển giao biến động giá cho người tiêu dùng và nhận mức lợi nhuận biên tối thiểu của ngành.

Đối với BSR, do là doanh nghiệp lọc dầu, chi phí đầu tư lớn và chưa qua điểm hoà vốn, nên việc tiếp tục vận hành với vùng giá dầu thấp sẽ là bất lợi lớn. Năm 2019, giá dầu dao động quanh vùng trên 50 USD/thùng, BSR chỉ ghi nhận mức lợi nhuận 2.873 tỷ đồng, trong khi các phí tài chính, vận hành nhà máy và khấu hao vẫn còn lớn. Điều này sẽ thách thức về dài hạn nếu giá dầu tiếp tục giao dịch vùng giá thấp.

Giá dầu Brent đã hồi phục từ vùng đáy 20 USD/thùng lên mức gần 31 USD/thùng kể từ đầu tháng 4 tới nay, tức tăng 55%. Điều này đặt ra cho nhà đầu tư những kỳ vọng nhất định đối với doanh nghiệp kinh doanh dầu khí.

Với PLX, OIL, theo quy định hiện hành, chu kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu là dao động 15 ngày. Nếu như trước đây lượng tồn kho là điểm tiêu cực, thì nay lại trở thành điểm sáng giúp doanh nghiệp hưởng lợi khi xu hướng giá dầu tăng. Đến cuối quý II/2020, nếu giá dầu vẫn tăng thì đây là cơ sở để PLX, OIL được hoàn nhập khoản dự phòng giảm giá tồn kho đã trích lập.

Đối với BSR, mặc dù giá dầu tăng so với đáy, nhưng vẫn giao dịch dưới vùng giá trung bình năm ngoái là 50 USD/thùng. Chính vì vậy, lợi ích giá dầu tăng như hiện nay vẫn chưa rõ ràng đối với BSR.

Đại dịch Covid-19 hoàn toàn khác với những cuộc khủng hoảng tài chính trước đó vì nó ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất, cũng như sức khoẻ tài chính của mọi người và buộc mọi người, dù ở mức độ ảnh hưởng ít hay nhiều, đều phải áp dụng cách sống và làm việc mới.

Mặc dù OPEC+ đã cắt giảm thêm 9,7 triệu thùng/ngày, nhưng có lẽ vẫn không khớp được nhu cầu tiêu thụ thấp.

“Ngành công nghiệp dầu trên toàn thế giới đang chuẩn bị cho việc đóng cửa các mỏ dầu do hoạt động kinh doanh thua lỗ và không có nơi nào để cất giữ dầu”, chuyên gia kinh tế Bloomberg dự báo.

Sau sự cố sụt giảm giá dầu vào giữa những năm 1980, ngành công nghiệp này phải mất 2 thập kỷ để giá có thể quay lại mức cũ và sẽ lâu hơn nếu tính tới tác động của lạm phát. Khủng hoảng giá dầu lần này được chuyên gia kinh tế Bloomberg dự báo có thể cần 10 năm để phục hồi.

Tin bài liên quan