Lợi nhuận khởi sắc cùng giá dầu
Tính đến hết quý I/2021, giá dầu thô đã tăng 36,98% so với đầu năm và tăng 65,1% so với mức trung bình trong năm 2020 (43,1 USD/thùng). Đây là đợt tăng giá thứ hai kể từ vùng đáy tháng 4/2020, qua đó, giúp giá dầu chinh phục những ngưỡng đỉnh ngắn hạn mới trong hơn 1 năm qua.
Giá dầu được hỗ trợ từ cả bên cung lẫn phía cầu. Ở phía cung, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tiếp tục gia hạn chính sách cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày. Bên cạnh đó, nguồn cung tại Mỹ sụt giảm ước tính khoảng 4 triệu thùng/ngày do ảnh hưởng thời tiết lạnh bất thường.
Giá dầu biến động tích cực đã tác động lớn đến kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dầu khí ngay trong quý I/2021. Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn đã công bố ước doanh thu của Công ty trong quý I gần 21.000 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 1.803 tỷ đồng vượt mục tiêu lợi nhuận năm đề ra.
Ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc BSR chia sẻ, giá dầu thế giới cũng như giá xăng dầu trong nước hồi phục mạnh là yếu tố chính hỗ trợ cho BSR ghi nhận mức lợi nhuận cao trong quý vừa qua cũng như giúp doanh nghiệp có thể tăng trưởng mạnh trong năm 2021.
Chưa công bố con số cụ thể, nhưng những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan đến biến động giá dầu như Tổng công ty Khí Việt Nam (mã GAS), Tổng công ty Dầu Việt Nam (mã OIL) cũng cho biết, kết quả kinh doanh sẽ tích cực ngay trong quý I khi giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp được tính neo theo giá dầu.
Cụ thể, với GAS, chính sách giá mua và bán khí đã được xác định thường ở mức 46% giá dầu FO.
Khi giá dầu tăng, GAS sẽ trực tiếp hưởng lợi từ giá bán khí bình quân (ASP) cao hơn (ngoại trừ đối với phần sản lượng bao tiêu, lợi nhuận sẽ được chuyển giao về cho ngân sách nhà nước) và giá bán LPG cao hơn.
GAS hiện cũng đang nắm giữ lợi thế với 100% thị phần khí thiên nhiên và số 1 về thị phần bán buôn LPG. Mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt First gas đi vào khai thác từ cuối năm 2020 sẽ giúp bổ sung thêm nguồn khí. Triển vọng trung và dài hạn cũng tích cực nhờ xu hướng nhu cầu tiêu thụ khí thiên nhiên ngày càng gia tăng.
Hiện tại, kho LNG Thị Vải giai đoạn 1 với công suất 1 triệu tấn/năm đang được hoàn thiện và dự kiến sẽ vận hành trong năm 2022 sẽ đáp ứng nhu cầu khí cho khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.
Trong khi đó, với OIL, giá dầu tăng có thể giúp doanh nghiệp hoàn nhập nốt phần dự phòng giảm giá hàng tồn kho trong quý I/2021, ngoài ra còn có thể cải thiện sản lượng kinh doanh nhiên liệu nội địa, đặc biệt là nhiên liệu bay khi các đường bay quốc tế được nối lại.
Nhóm các doanh nghiệp dầu khí cung cấp dịch vụ, sản phẩm như Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã PVS), Tổng công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan Dầu khí (mã PVD), Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PVT), Tổng công ty Hóa chất và dịch vụ Dầu khí (mã PVC) cũng có nhiều điểm sáng nhờ vận hành ổn định, phát triển thêm các dự án mới.
Cổ phiếu dòng “P” còn dư địa tăng
Việc giá dầu diễn biến thuận lợi cũng như kỳ vọng về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí cải thiện trở lại trong năm 2021 đã tạo động lực tăng giá mạnh với các cổ phiếu ngành này. Sắc xanh liên tục bao phủ các cổ phiếu dầu khí trên thị trường chứng khoán trong quý đầu năm như PVD tăng 35,5%, PVT tăng 22,1%, PVS tăng 26,4%, OIL tăng 15%, BSR tăng 67,7%…
Các cổ phiếu dầu khí nhìn chung vẫn đang còn khá hấp dẫn khi bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí dần khả quan trở lại nhờ thị trường dầu thô hồi phục cũng như các dự án khai thác dầu khí mới như Sư Tử Trắng – giai đoạn 2, LNG Thị Vải, Lô B Ô Môn, Cá Voi Xanh… sớm được thúc đẩy triển khai nhằm đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cũng như bổ sung nguồn năng lượng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Mỗi doanh nghiệp niêm yết ngành dầu khí đều đang có một câu chuyện riêng, nhiều tiềm năng cho năm 2021.
Chẳng hạn, thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh phân bón như Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM), CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) thuận lợi hơn khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ leo thang.
Ngoài ra, cơ chế giá khí sau khi cơ chế bảo hộ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) của DCM kết thúc vào năm 2019 đã đàm phán xong có thể giúp nhà đầu tư tham gia mua cổ phần khi PVN thực hiện thoái vốn giảm tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này.
Một xu hướng thực tế là giá của nhiều loại hàng hóa trên thế giới đã tăng cao trong giai đoạn vừa qua và diễn biến này sẽ chưa sớm chấm dứt. Các bất ổn trên diện rộng trong nguồn cung của nhiều loại hàng hóa, trong khi đó, sự phục hồi của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ.
Thế nên, những doanh nghiệp có thể hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng tăng của giá hàng hóa hoặc thông qua khả năng điều chỉnh giá bán tương ứng hoặc hơn mức tăng của giá nguyên vật liệu đầu vào như dầu khí là điều dễ lý giải.
Nhà đầu tư nên lưu tâm đến những yếu tố rủi ro hiện tại như tình hình triển khai vắc - xin Covid tại châu Âu chậm trễ ảnh hưởng tới sự phục hồi của nhu cầu dầu, chính sách sản lượng của OPEC+ hàng tháng
Nhận xét dầu khí là trong những nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền và sự quan tâm của nhà đầu tư, song ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) khuyến nghị nhà đầu tư nên lưu tâm đến những yếu tố rủi ro hiện tại như tình hình triển khai vắc - xin Covid-19 tại châu Âu chậm trễ ảnh hưởng tới sự phục hồi của nhu cầu dầu, chính sách sản lượng của OPEC+ hàng tháng cũng như các yếu tố địa chính trị tại khu vực Trung Đông…
Thực tế, không phải doanh nghiệp nào trong ngành cũng hưởng lợi ngay từ đà tăng của giá dầu. Tại PVS, theo ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc Công ty, xu hướng chuyển dịch năng lượng nhanh, sự cạnh tranh trong trong nước và quốc tế ngày càng khốc liệt cũng như sự biến động khó lường của giá nguyên liệu, trong đó chủ đạo là giá dầu sẽ là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như PVS.
Kế hoạch kinh doanh năm 2021 của PVS cũng được đặt ra dựa trên sự thận trọng với doanh thu công ty mẹ là 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 700 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với mức thực hiện trong năm 2021.
Quý I/2021, doanh nghiệp chưa ký thêm hơn đồng mới, hợp đồng cung cấp kho nổi FPSO Sao Vàng Đại Nguyệt mà Công ty đang thực hiện là ký từ trước đó.
Đến nay, PVS chưa có con số lợi nhuận quý I/2021. Ông Cường cho biết, ước tính, hai tháng đầu năm, Công ty đạt hơn 100 tỷ đồng lợi nhuận.
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo lợi nhuận cốt lõi năm 2021 của PVS có thể giảm 27,1%, đến từ việc lợi nhuận M&C giảm do lượng việc làm thấp hơn, dù có đóng góp từ kho nổi FSO mới trong dự án Sao Vàng - Đại Nguyệt. Lợi nhuận PVS dự kiến phục hồi từ năm 2022 trở đi với dự phóng năm 2022 tăng trưởng 21,1%.
Trong khi đó, ở góc nhìn của nhà đầu tư lâu năm, anh Nguyễn Văn Tuấn (Hà Nội) cho biết, anh đang quan tâm nhiều hơn đến cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, phân phối xăng, dầu như BSR, OIL.
Các doanh nghiệp này đều có dư địa hồi phục mạnh nhờ vắc-xin dần được phổ biến, giúp gia tăng nhu cầu đi lại không chỉ trong nước mà cả quốc tế.