Giá dầu giảm sốc, lạm phát sẽ được ghìm cương?

Giá dầu thô trên thị trường thế giới đã giảm xuống dưới 30 USD/thùng, giá xăng dầu trong nước cũng đã giảm. Động thái này có thể sẽ tác động tích cực tới mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam trong năm nay.
Giá dầu giảm sốc, lạm phát sẽ được ghìm cương?

Giá dầu giảm sốc, lạm phát sẽ được ghìm cương?

Chốt phiên giao dịch ngày 16/3, giá dầu thô Brent đã giảm tới 3,8 USD, tương đương giảm 11,2% xuống chỉ cón 30,05 USD/thùng. Thậm chí, trong phiên, giá dầu Brent có lúc đã chạm 29,52 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 1/2016. Trong khi đó, giá dầu thô Tây Texas WTI giảm xuống còn 28,7 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 2/2016. 

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá dầu đã giảm khoảng 50%. Và nhờ thế, giá xăng dầu trong nước cũng giảm. Theo lẽ thường, giá dầu thô, giá xăng dầu giảm sẽ tác động tích cực tới việc kiểm soát giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát của Việt Nam.

Thậm chí, theo dự báo của cả Goldman Sachs và Công ty Rystad Energy, thì giá dầu thô có thể sẽ về mức 20 USD/thùng và đứng ở mức thấp “không biết đến khi nào”. Dịch bệnh COVID-19 khiến kinh tế thế giới đình trệ, thậm chí nhiều nước buộc phải ban bố lệnh “bế quan tỏa cảng” là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu giảm sốc như vậy.

Giá dầu giảm khiến giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào giảm, và qua đó, sẽ giúp nhiều lĩnh vực như sản xuất, vận tải, logistics… được hưởng lợi. Giá dầu giảm cũng sẽ tác động tích cực đến lạm phát. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã nhận định như vậy và cho rằng, việc giá dầu lao dốc cũng sẽ giúp cán cân thương mại tăng trên 1,5 tỷ USD, bởi Việt Nam đang phải nhập khẩu một số lượng lớn dầu thô. Năm ngoái, Việt Nam đã chi tới 1,8 tỷ USD cho mặt hàng này.

Không chỉ là giá dầu, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa quyết định giảm lãi suất xuống gần bằng 0%; tiếp theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã quyết định hạ một loạt lãi suất điều hành… cũng được cho sẽ có tác động cộng hưởng tới việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam.

Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, tác động của việc giá dầu giảm hay FED giảm lãi suất tới lạm phát của Việt Nam không lớn, do hiện nay, áp lực lạm phát của Việt Nam đang quá lớn.

Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính cũng có nhận định tương tự. Điều này cũng xuất phát từ việc áp lực lạm phát hiện tương đối lớn. Thêm vào đó, dù Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6% xuống 5%; lãi suất OMO giảm từ 4% xuống 3,5%; trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5% xuống 4,75%; lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên từ 6% xuống 5,5%; lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là 1%... - PV), nhưng thực tế, lãi suất huy động và cho vay trung - dài hạn vẫn được neo ở mức cao, nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát trong thời gian tới.

“Giá xăng dầu giảm, về lý thuyết, là có lợi, khiến giá cả dễ chịu hơn. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh này, ví dụ giá dịch vụ giao thông giảm, nhưng người ta cũng không đi lại nhiều. Lãi suất giảm, nhưng thực tế do phía cầu đình trệ, nên phía cung cũng như vậy. Do đó, lần giá dầu hạ, hay giảm lãi suất lần này tuy có tác động tích cực tới lạm phát nhưng không nhiều như trước đây”, ông Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế, cũng đã nói như vậy với phóng viên Báo Đầu tư.

“Ánh sáng” cuối đường hầm

Thực tế là lạm phát đang là một áp lực khá lớn tới kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vốn đã khiến nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2020 đã tăng 5,91% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; còn CPI tháng 2/2020 tăng 1,06% so với tháng 12/2019 và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm nay cũng đã tăng 3,1% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái.

Và theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tùy thuộc thời điểm dịch COVID-19 kết thúc, lạm phát năm nay sẽ tăng 3,96% hoặc 4,86% so với năm 2019. Tuy nhiên, đây chỉ là kịch bản được đưa ra vào thời điểm dịch mới chỉ bùng phát ở Trung Quốc, còn bây giờ, đã lan ra toàn cầu, nhiều nước đóng cửa biên giới, ngừng các hoạt động xuất nhập cảnh.

“Cuộc khủng hoảng kinh tế lần này lại xuất phát từ yếu tố phi kinh tế, nhưng lại làm sói mòn kinh tế toàn cầu. Vấn đề không nằm ở tiền, mà là có tiền cũng không nhập khẩu hàng hóa được, và có muốn cũng không đẩy sản xuất lên được”, nhận định như vậy nên ông Lê Đình Ân cho rằng, không dễ để “hạ nhiệt” căng thẳng lạm phát, càng khó để “thúc” nền kinh tế đi lên.

Ngay cả động thái của FED, giảm mạnh lãi suất, nhưng thực tế, theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất giảm nhưng chứng khoán vẫn giảm mạnh, rất khác với thông thường. “Tác động của con virus này tới sản xuất lớn quá, nên giảm lãi suất cũng không đủ trị bệnh do virus gây ra”, ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng đã nói như vậy.

Ngay cả với sản xuất tác động không lớn, thì đúng là rất khó để tác động mạnh tới lạm phát. Do vậy, điều ông Lê Đình Ân lo lắng, là những tác động giá cả thị trường trong nước tới lạm phát của Việt Nam.

“Giá cả hàng hóa vẫn đang tăng, và một phần do yếu tố tâm lý”, ông Ân nói.

Mặc dù vậy, vị chuyên gia này cũng cho biết, đã nhìn thấy những “ánh sáng cuối đường hầm”, khi biết Chính phủ đang nỗ lực giảm giá thịt lợn, tăng cường nhập khẩu từ các thị trường nước ngoài để bình ổn giá; Chính phủ cũng thận trọng trong điều hành giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng do Nhà nước quản lý.

“Thị trường Trung Quốc đã bắt đầu ổn định trở lại. Phụ kiện sản xuất đã bắt đầu về Việt Nam. Thêm vào đó, việc Việt Nam rất nhanh nhạy trong phát triển các dịch vụ 4.0 để phục vụ tiêu dùng. Chính phủ cũng có nhiều chính sách để hỗ trợ nền kinh tế… Những điều này hy vọng có thể chặn được đà giảm tốc của nền kinh tế trong quý II”, ông Ân nhận định. 

Khi nền kinh tế bắt đầu có lối ra, thì áp lực lạm phát dù vẫn ở mức cao chăng nữa, vẫn là những điều rất đáng mừng!

Tin bài liên quan