Nhiều kế hoạch của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng như các đơn vị thành viên phải xem xét lại
Ông Từ Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty liên doanh Vietsovpetro (VPS) cho hay, năm 2015, Công ty sẽ phải đối mặt với khó khăn khi giá dầu thô giảm mạnh.
Mặc dù kế hoạch khai thác được Hội đồng liên doanh phê duyệt là 5,1 triệu tấn trong năm 2015, nhưng trước đó, VPS chỉ đề xuất phương án 4,9 triệu tấn.
“Mỏ Bạch Hổ và Rồng đã khai thác tới giai đoạn cuối. VPS đang tính để trình PVN cho giãn tiến độ các dự án khai thác có trữ lượng nhỏ, tạm dừng các biện pháp kỹ thuật gia tăng sản lượng khi giá bán không đủ bù đắp chi phí bỏ ra. Trong số hơn 40 công trình trên biển, có 3-4 công trình có biến phí cao hơn nhiều so với giá bán”, ông Nghĩa nói.
VPS cũng đang đánh tiếng với các đơn vị cung cấp dịch vụ dầu khí trong ngành về việc sẽ tiến hành đàm phán lại chi phí thuê dịch vụ khi doanh thu giảm mạnh.
“Khi họp Hội đồng liên doanh vào giữa tháng 12/2014, giá dầu ở mức 68 USD/thùng, nhưng nay đã xuống dưới 50 USD/thùng. Nếu giá dầu bình quân ở mức 50 USD/thùng, doanh thu năm 2015 của VPS sẽ xuống dưới 2 tỷ USD, trong khi năm 2014 đạt 4,3 tỷ USD. Như vậy, chúng tôi phải giảm mạnh nhiều dịch vụ đang thuê ngoài. Các đơn vị làm dịch vụ trong PVN cũng phải chủ động tìm kiếm các đơn hàng khác”, ông Nghĩa thẳng thắn nói.
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2015 của PVN diễn ra cuối tuần trước, ông Nghĩa đã đề nghị PVN và Chính phủ cho phép VPS được sử dụng quỹ dự phòng tăng giá dầu thu trong năm 2014 là 90 triệu USD để bù đắp ngân sách hoạt động của năm 2015 trong điều kiện VPS sẽ tiết giảm các chi phí khoan, thuê tàu và nhiên liệu liên quan.
Cũng trong tâm trạng phân vân việc đầu tư cho năm 2015 và giai đoạn tiếp trong điều kiện giá dầu giảm mạnh ngoài dự đoán, ông Hoàng Ngọc Đang, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) cho hay, giá dầu giảm xuống dưới 60 USD/thùng khiến PVEP gần như mất cân đối tài chính.
PVEP có kế hoạch phải đầu tư gần 1,6 tỷ USD trong năm 2015. Ở kịch bản giá dầu là 100 USD/thùng, PVEP sẽ tự đảm bảo được khoảng 800 triệu USD, vay 700 triệu USD. Nhưng khi giá dầu xuống 50 USD/thùng, PEVP chỉ tự lo được 200 triệu USD. Nếu giữ kế hoạch đầu tư như cũ, PVEP phải đi vay, nhưng giá dầu thấp thì vay rất khó. Đó là chưa kể, PVEP đang vay khá nhiều và room cho PVEP vay tại không ít ngân hàng đã vượt, không dễ vay thêm.
“Chúng tôi dự tính cắt khoảng 500 triệu USD. Các công trình tìm kiếm, thăm dò cũng sẽ bị ảnh hưởng và chậm lại”, ông Đang nói.
Giống như VPS, PVEP sẽ cắt, giảm, giãn, hoãn và đàm phán lại các dịch vụ phục vụ cho hoạt động khai thác dầu thô. Hiện 100% dịch vụ của PVEP đang do doanh nghiệp ngoài PVEP, nhưng là thành viên của PVN, thực hiện.
VPS và PVEP là 2 đơn vị chủ lực khai thác dầu của PVN. Trong tổng số 17,39 triệu tấn dầu thô khai thác được năm 2014 của PVN, VPS góp 5,36 triệu tấn, PVEP góp 3,87 triệu tấn.
Cũng chịu ảnh hưởng còn có Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Tổng kết quý III/2014, PVN cho rằng, BSR sẽ đạt lợi nhuận khoảng 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc năm, BSR chỉ đạt lợi nhuận sau thuế 1.800 tỷ đồng, bỏ xa con số được nhẩm tính.