Dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu khiến nhu cầu vận chuyển giảm, kéo theo nhu cầu xăng dầu của ngành vận tải giảm.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng, nhu cầu sử dụng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất là xăng dầu ít đi.
Ðặc biệt, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn trên giới đang bước vào cuộc chiến hạ giá. Các yếu tố này khiến giá dầu hiện giảm 50,7% so với đầu năm.
Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa ngày một rộng trong khu vực và thế giới, nhất là sau khi ký kết một loạt hiệp định thương mại đa phương và song phương trong thời gian qua như CPTPP, EVTFA…, mở ra cơ hội giao thương lớn. Giá dầu giảm giúp giảm chi phí vận chuyển, tăng tính cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam.
Xét các nhóm doanh nghiệp, nhóm vận tải được hưởng lợi lớn từ giá dầu giảm, vì xăng dầu chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, xăng dầu chiếm khoảng 35% cơ cấu chi phí vận tải.
Nguyên tắc tính cước vận tải là nếu giá dầu tăng/giảm 10% thì cước vận tải sẽ tăng/giảm 3 - 4%. Như vậy, với việc giá dầu giảm một nửa từ đầu năm tới nay, nhóm vận tải được hưởng lợi lớn khi chi phí giảm mạnh.
Khi chi phí vận tải giảm, các doanh nghiệp thuê vận chuyển được hưởng lợi. Khi đó, cách tính giá bán sản phẩm cuối cùng ra thị trường trong nước và quốc tế sẽ được điều chỉnh giảm và người tiêu dùng cuối cùng được lợi.
Mặt khác, hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng thường có sự thay đổi theo diễn biến giá. Nếu giá bán sản phẩm giảm, xu hướng tiêu dùng sẽ gia tăng, từ đó sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp tăng lên.
Nhìn chung, giá dầu giảm sẽ có lợi cho các doanh nghiệp vận tải, còn doanh nghiệp sản xuất có thể hạ giá thành sản phẩm, kích thích người tiêu dùng tăng mua.
Trong bối cảnh thu nhập người dân toàn cầu được dự báo giảm do ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, thì giá dầu giảm có thể xem như là biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp vận tải sớm khôi phục thị trường tiêu thụ.
Ðứng trên tư cách người tiêu dùng cuối cùng, hiện nay, đa phần người dân Việt Nam sử dụng phương tiện đi lại cá nhân là ô tô, xe máy. Mặc cho biến động giá xăng dầu, hoạt động đi lại vẫn diễn ra bình thường, nên giá dầu giảm sẽ giúp cơ cấu chi phí giao thông trong tổng chi phí hàng tháng.
Nếu điều này được duy trì, người dân sẽ tích luỹ được một lượng tiền nhất định phục vụ hoạt động khác như mua sắm, tiết kiệm, tái đầu tư…
Chuỗi giá trị của ngành dầu khí Việt Nam.
Giá dầu giảm không thể không nhắc đến nhóm doanh nghiệp dầu khí. Trong chuỗi giá trị ngành này, giá dầu mạnh sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp thăm dò và khai thác dầu khí.
Trong khi đó, các doanh nghiệp thương mại ít bị ảnh hưởng hơn, vì sản phẩm thuộc loại hàng thiết yếu
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) là doanh nghiệp thương mại xăng dầu, luôn có một biên lợi nhuận tối thiểu ổn định trên lít xăng tiêu thụ. Việc giá xăng dầu giảm sẽ không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của doanh nghiệp.
Thực tế những năm trước, giá dầu rớt mạnh từ 110 USD/thùng giữa năm 2014 về đáy cuối năm 2015 là 29 USD/thùng, sau đó hồi phục lên đỉnh tháng 10/2018 là 84 USD/thùng, nhưng biên lợi nhuận gộp giai đoạn 2014 - 2016 của PLX không giảm, mà tăng từ 3,46% lên 11,54%.
Những năm sau đó, giá dầu vẫn biến động mạnh, nhưng biên lợi nhuận gộp của PLX ổn định trong khoảng 7,24 - 8%.
Biên lợi nhuận gộp của PLX và GAS.
Có thể thấy, biên lợi nhuận của PLX không bị tác động nhiều bởi sự biến động của giá dầu trong lịch sử và kỳ vọng giai đoạn sắp tới cũng vậy.
Ðối với Tổng công ty khí Việt Nam - CTCP (GAS), doanh nghiệp này chiếm 100% thị phần khí khô và 50 - 60% thị phần LDG toàn quốc, nắm vai trò chủ đạo trong hoạt động thu gom khí, tham gia hoạt động thượng nguồn trong và ngoài nước để chủ động nguồn khí cung cấp.
Theo đó, GAS là người chơi lớn trong ngành, có thể quyết định được giá bán và biên lợi nhuận so với các doanh nghiệp khác.
Biên lợi nhuận gộp của GAS bị tác động tiêu cực trong năm 2014 khi giá dầu rớt mạnh, nhưng sau đó nhanh chóng hồi phục và 3 năm gần đây duy trì trong khoảng 22,55 - 23,5%.
Có thể thấy, biến động giá dầu có tác động nhẹ tới biên lợi nhuận gộp và doanh nghiệp có sự bật lại rất nhanh khi giá dầu hồi phục.
Chính vì vậy, theo chuỗi cung ứng của ngành dầu khí thì GAS và PLX bị ảnh hưởng không nhiều bởi biến động giá dầu, vì đó là các doanh nghiệp ở giai đoạn cuối của chuỗi giá trị ngành dầu khí.
Tác động tiêu cực và trực tiếp bởi giá dầu là các doanh nghiệp đầu nguồn khai thác, bảo dưỡng, cho thuê giàn khoan.
Ở khía cạnh điều hành kinh tế vĩ mô, trong bối cảnh giá thịt lợn tăng, giá điện tăng đã và đang gây áp lực lên lạm phát, thì giá hàng hoá thiết yếu là xăng dầu giảm sẽ làm giảm áp lực này, góp phần giúp Chính phủ ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố niềm tin của các nhà đầu trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, giá dầu giảm sẽ khiến nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô của Việt Nam giảm. Ngoài ra, giá xăng dầu nhập khẩu giảm dẫn tới giảm số tiền thuế thu được từ mặt hàng này.
Bởi lẽ, giá xăng dầu rẻ hơn, nhưng xu hướng tiêu dùng mặt hàng này không vì thế mà tăng lên. Ðược biết, mỗi lít xăng đang chịu thuế nhập khẩu 20%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế môi trường 4.000 đồng/lít.
Lượng xăng dầu Việt Nam nhập khẩu năm 2019 ước đạt 9,76 triệu tấn, trị giá ước đạt 5,93 tỷ USD.