Giá dầu giảm, doanh nghiệp họ dầu khí báo lãi sớm

Giá dầu giảm, doanh nghiệp họ dầu khí báo lãi sớm

(ĐTCK) 2018 là một năm đáng nhớ với các doanh nghiệp họ dầu khí, khi giá dầu thay đổi chóng mặt, từ mức đỉnh 80 USD/thùng rơi xuống còn quanh mức 45 USD/thùng. Diễn biến này đã tác động lớn tới kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng đáng mừng là theo chiều hướng tích cực.

Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2018, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2019 của Tổng CTCP Vận tải dầu khí (PVT) mới đây, lãnh đạo Công ty cho biết, năm 2018, PVT ước dạt doanh thu hợp nhất 7.750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 910 tỷ đồng. Kết quả này giúp Công ty duy trì đà tăng trưởng trong 6 năm liên tiếp với tốc độ trung bình 17%/năm.

Sự tăng trưởng tích cực của PVT không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, bởi đây là doanh nghiệp vận tải, hoạt động kinh doanh không chịu tác động trực tiếp bởi giá dầu mà phụ thuộc vào khối lượng công việc có được, nói cách khác là phụ thuộc vào độ sôi động của thị trường dầu khí. Do đó, trước diễn biến giảm của giá dầu trong thời gian qua, PVT dường như “miễn nhiễm”.

Tuy nhiên, PVT đánh giá, 2019 sẽ là năm khó khăn của ngành dầu khí trong nước, nên đã tập trung thực hiện một số mục tiêu chính bao gồm vận chuyển an toàn, kịp thời toàn bộ nguyên liệu dầu thô đầu vào và sản phẩm dầu đầu ra của Nhà máy lọc dầu Dung Quất do các đơn vị trong ngành phân phối.

Đồng thời, tận dụng tối đa sự ủng hộ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên để giành quyền tham gia vận chuyển 25% sản lượng dầu thô đầu vào, 40% sản lượng dầu sản phẩm cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục tham gia vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu trên thị trường trong và ngoài nước, cũng như cho thuê tàu trên thị trường quốc tế để khai thác tối đa năng lực đội tàu hiện có, tăng nguồn thu ngoại tệ.

Đồng thời, PVT tiếp tục vận hành, đảm bảo khai thác an toàn, hiệu quả FSO PVN Đại Hùng Queen tại mỏ Đại Hùng, FPSO Lewek Emas tại mỏ Chim Sáo, FPSO Song Doc Pride MV 19 tại mỏ Song Doc; chủ động huy động đầu tư phương tiện vận tải phù hợp đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng, đảm bảo hiệu quả đầu tư...

Một đơn vị khác cũng thuộc họ dầu khí có kết quả kinh doanh năm 2018 khá ấn tượng là CTCP PVI (PVI), bởi không chịu ảnh hưởng trực tiếp của giá dầu. Theo ông Tôn Thiện Việt, Phó Chủ tịch HĐQT PVI, ước tính cả năm 2018, Công ty đạt doanh thu hơn 11.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử 20 năm hoạt động, dự kiến đạt 122% kế hoạch năm, lợi nhuận đạt ít nhất 136% chỉ tiêu được giao. Với tình hình kinh doanh này, PVI đang dự kiến kế hoạch tăng cổ tức năm 2018 cho cổ đông từ mức 12% theo kế hoạch lên 15%.

Theo ông Việt, tỷ trọng các hoạt động liên quan tới dầu khí trong cơ cấu doanh thu của Công ty hiện nay chiếm khoảng 40 - 45%, còn lại là từ các hoạt động ngoài ngành. Trong thời gian tới, PVI định hướng giảm dần tỷ trọng các hoạt động trong lĩnh vực dầu khí và tăng tỷ trọng của các hoạt động ngoài ngành tiệm cận mức 60% trong cơ cấu doanh thu.

Trong khi đó, cặp đôi doanh nghiệp phân bón có gốc dầu khí là Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất dầu khí (DPM) và CTCP Phân Bón Dầu khí Cà Mau (DCM) được dự báo có kết quả kinh doanh năm 2018 khả quan. Tại 2 doanh nghiệp này, diễn biến giảm của giá dầu đồng nghĩa với việc giá nguyên liệu đầu vào sản xuất sẽ đi xuống.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh tích cực, một trong những yếu tố quan trọng củng cố cho triển vọng của cặp đôi cổ phiếu này là kế hoạch thoái vốn của PVN.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó chủ tịch HĐQT DPM, kế hoạch thoái vốn của PVN tại DPM theo dự kiến ban đầu từ 60% xuống mức năm 51%, nhưng không loại trừ khả năng Tập đoàn sẽ thoái xuống còn 36%. DPM đang tích cực phối hợp để thoái vốn theo đúng lộ trình và hiện đang trong giai đoạn chọn tư vấn để đánh giá phương án thoái vốn vừa có lợi nhất cho Công ty, vừa hấp dẫn nhà đầu tư.

Tại Hành trình năng lượng năm 2018 diễn ra cách đây 1 tháng, ông Hoàng Nghĩa Dũng, Trưởng ban Kinh tế đầu tư PVN cho biết, hoạt động tại 2 công ty đạm đang rất tốt, không chỉ hoàn thành nhiệm vụ với Tập đoàn, mà còn cung ứng sản phẩm mới, ổn định, lâu dài đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trước đây, PVN trình Chính phủ phương án thoái vốn xuống dưới 50%, thậm chí thấp hơn, nhưng xét thấy phương án sáp nhập mang lại nhiều lợi ích hơn hơn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí, qua đó đảm bảo hiệu quả thoái vốn nên đề án này đã được trình Chính phủ và chờ xem xét.

“Tập đoàn sẽ thông tin đến nhà đầu tư ngay khi có kết luận chính thức”, ông Dũng nói.  

Tin bài liên quan