Giới phân tích cho rằng, sự hồi sinh thực sự của thị trường dầu mỏ sẽ phụ thuộc vào việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể thực thi triệt để thỏa thuận cắt giảm hay ít nhất “đóng băng” sản lượng hay không. Tuy nhiên, một số nhân tố khác có thể kéo hoặc đẩy giá dầu lên hoặc xuống.
Triển vọng thị trường năm 2017
Nhiều nhà đầu tư từng cho rằng, sẽ mất nhiều năm để giá “vàng đen” có thể trở lại ngưỡng 90 - 100 USD/thùng. Song sau khi giá dầu bắt đầu phục hồi từ mức dưới 30 USD/thùng hồi đầu năm 2016 lên trên 50 USD/thùng vào cuối năm, niềm tin đã bắt đầu trở lại. Họ hy vọng, giá dầu thô sẽ tăng lên 60 USD/thùng hoặc cao hơn vào cuối năm 2017.
Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn thận trọng trước khả năng đảo chiều của giá dầu và chỉ dự đoán mức giá biến thiên từ 40 - 70 USD/thùng thời điểm cuối năm 2017, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn chính trị và kinh tế có nguy cơ xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có các quốc gia sản xuất dầu mỏ chủ chốt như Venezuela.
Ai hưởng lợi khi giá dầu tăng?
Các công ty dầu khí, nhân viên trong ngành và các cổ đông là những người chiến thắng khi giá dầu mỏ và khí đốt tăng. Mức giá cao hơn sẽ tạo đà cho hoạt động khai thác và giúp các công ty dịch vụ hậu cần dầu mỏ hưởng lợi theo.
Tất nhiên, tình hình tài chính của các nhà sản xuất hàng đầu như Ảrập Xê út, Nga, Venezuela và Nigeria sẽ được cải thiện đáng kể sau giai đoạn căng thẳng vì giá “vàng đen” quá thấp. Riêng đối với Ảrập Xê út, một tin vui khác là giá trị cổ phiếu của Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco khi bán chào bán ra công chúng sẽ cao hơn khi giá dầu tăng.
Giá dầu mỏ cao hơn cũng sẽ khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các loại phương tiện cỡ nhỏ hay hạn chế xe cá nhân, qua đó đem lại lợi ích tiềm năng cho môi trường toàn cầu.
Ai thiệt hại nhất khi giá dầu tăng?
Người tiêu dùng sẽ là đối tượng chịu thiệt hại nhất, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, các dịch vụ nhà hàng, khách sạn và bán lẻ cũng chịu tác động khi khách hàng sẽ phải cân nhắc các khoản chi khác để bù đắp cho chi phí năng lượng gia tăng.
Ở thời điểm hiện tại, mức giá dầu quanh ngưỡng 50 USD/thùng là cân bằng cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng. Nó đủ cao để giúp các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu “vàng đen” vượt qua khó khăn tài chính, song cũng không quá cao để tạo ra các xáo trộn với người tiêu dùng.
OPEC sẽ định hướng giá dầu thế nào?
Các thành viên OPEC chiếm gần 40% tổng nguồn cung dầu mỏ toàn cầu, vì thế tổ chức này sẽ là thế lực lớn khi đoàn kết và thống nhất được quan điểm.
Sau quyết tâm theo đuổi chính sách không cắt giảm nguồn cung để chiếm lĩnh thị phần và đặc biệt để đánh bại các đối thủ sản xuất dầu đá phiến, Ảrập Xê út cuối cùng đã nhượng bộ trước sức ép giá dầu quá thấp.
Tháng 11/2016, OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng trong vòng 6 tháng, bắt đầu từ năm 2017, trong đó riêng Ảrập Xê út cắt giảm khoảng 486.000 thùng/ngày, tức 5% sản lượng nước này. Như vậy, OPEC có thể cắt giảm tổng cộng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh sự đồng thuận cắt giảm từ Nga và một số nhà sản xuất dầu mỏ khác, Ảrập Xê út đã cho thấy sự sẵn sàng thực hiện các cam kết. Dù mức cắt giảm tương đối nhỏ so với tổng thị trường 96 triệu thùng/ngày, nhưng hầu hết các nhà phân tích năng lượng cho rằng, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay sẽ tăng, giúp giảm tình trạng dư thừa trong các kho dự trữ.
“Nhân tố” Donald Trump đối với thị trường dầu mỏ
Ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ được hưởng lợi khá nhiều khi ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống. Ông Trump từng ủng hộ việc xây dựng thêm các đường ống dẫn dầu, bao gồm Keystone XL, cung cấp dầu nặng từ Canada tới các nhà máy lọc dầu ở Vịnh Mexico.
Ông Trump cũng từng nói sẽ giảm bớt các quy định quản lý trong ngành dầu khí và không ủng hộ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, vốn tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch.
Điều này cho thấy, Mỹ có khả năng sẽ tăng nguồn cung dầu mỏ và khí đốt cho thị trường nội địa và quốc tế.