Các nhóm ngành được nhà đầu tư kỳ vọng là ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, xây dựng, thép, dầu khí, chứng khoán… Ảnh: Dũng Minh.

Các nhóm ngành được nhà đầu tư kỳ vọng là ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, xây dựng, thép, dầu khí, chứng khoán… Ảnh: Dũng Minh.

Giá cổ phiếu chạy trước lợi nhuận 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không ít cổ phiếu thiết lập đỉnh giá lịch sử, trong khi kết quả kinh doanh năm 2020 nhìn chung suy giảm. Mặt bằng giá hiện tại được nhìn nhận phản ánh tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm 2021.

Mua cổ phiếu, mua kỳ vọng

Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới lập kỷ lục trong tháng 12/2020, giá trị khớp lệnh cũng liên tục phá kỷ lục cũ khiến hệ thống giao dịch nhiều lúc bị “đơ” là minh chứng rõ nét cho việc dòng tiền vẫn có xu hướng chảy vào thị trường chứng khoán, thúc đẩy VN-Index tiến lên gần ngưỡng 1.200 điểm.

Có thâm niên đầu tư chứng khoán hơn một thập kỷ, anh Hoàng Linh chia sẻ, trong quá khứ đã không ít lần chỉ số VN-Index bước vào đợt cao trào tăng mạnh.

Để thị trường tạo được xu hướng đi lên bền vững thì chỉ số cần những nhịp điều chỉnh mang tính kỹ thuật. Tin rằng xu hướng tăng trong thời gian tới vẫn là chủ đạo, nhưng theo anh Linh, thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh hơn, cũng như nhiều phiên tăng giảm đan xen hơn.

Nhà đầu tư trên nhìn nhận, khi thị trường vào “guồng” thì nhiều người có xu hướng chọn mua cổ phiếu của ngành đang tạo sóng, bởi nếu nhìn vào biến động giá cổ phiếu sẽ có tâm lý e ngại do giá cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian ngắn, trong khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không thể vụt tăng tương ứng.

Chưa kể, các nhà đầu tư luôn khuyên nhau “bán là mất, mua là được” và thực tế diễn biến thị trường trong vài tháng qua cho thấy, giá chỉ điều chỉnh một vài phiên rồi tiếp tục tăng, càng làm cho nhà đầu tư bị cổ phiếu thu hút, bất chấp doanh nghiệp kinh doanh có tăng trưởng hay không.

Chỉ số chứng khoán gần như tăng theo đường thẳng kể từ tháng 8/2020 đến nay, với mức tăng 50%, sắp chạm đến mốc cao lịch sử.

Nếu chỉ nhìn kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thì rõ ràng năm 2020 kém hơn nhiều so với các năm trước, nhưng không phải quá xấu và vẫn có không ít doanh nghiệp đạt lợi nhuận khả quan như nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản…

P/E trung bình thị trường hiện nay đang xoay quanh 20 lần, thấp hơn mức đỉnh năm 2018, nhưng có thể được xem là cao và hầu như phản ánh kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2021. Các nhóm ngành được kỳ vọng là ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, xây dựng, thép…

Giá cổ phiếu về cơ bản thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào tương lai của doanh nghiệp, do đó, việc giá không ít cổ phiếu vượt đỉnh cũ thường rơi vào nhóm doanh nghiệp giữ được đà tăng trưởng tốt ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như ngân hàng, chứng khoán, thép...

“Mặt bằng giá hiện tại, theo quan điểm của tôi, đã phản ánh tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Điều đó không có nghĩa thị trường sẽ chấm dứt đà tăng. Nhưng có một số cổ phiếu tăng nóng, không đi kèm với tiềm năng doanh nghiệp, thường là các cổ phiếu mang tính đầu cơ cao. Đây chính là nhóm tiềm ẩn rủi ro, nhà đầu tư nên cẩn trọng”, anh Linh nói.

Trong góc nhìn của ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Viecombank, năm 2020, nhiều cổ phiếu tăng giá không đi cùng với sự cải thiện kết quả kinh doanh của doanh nghiệp là hiện tượng bình thường và từng diễn ra ở những năm trước.

Các cổ phiếu này có đặc điểm là thu hút được sự chú ý của dòng tiền đầu cơ với nhiều phiên ghi nhận mức tăng đột biến, nhưng xu hướng đi lên khó có thể duy trì trong trung và dài hạn. Về dài hạn, mức định giá tương đối của các cổ phiếu sẽ vận động trên cơ sở yếu tố cơ bản của hoạt động kinh doanh.

Sau chuỗi ngày tăng nóng, thị trường xuất hiện một số dấu hiệu điều chỉnh, nhưng nhiều nhà đầu tư cho rằng, sức nóng này khó có thể bị “làm nguội” trong quý I/2021, xu hướng tăng sẽ tiếp diễn.

Năm 2021, GDP được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 6,5 - 7,0%, nền tảng vĩ mô tiếp tục tạo động lực và cơ hội để nhà đầu tư tìm kiếm cổ phiếu mang lại lợi nhuận trên thị trường chứng khoán.

Về mặt bằng P/E bình quân của VN-Index đang ở mức hơn 20 lần, so với mức bình quân 14 lần trước đây, trong bối cảnh kinh tế mới bắt đầu hồi phục, khó có thể lý giải một cách thuyết phục cho mức thay đổi định giá của thị trường.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS) nhận xét, thời gian qua, hàng loạt tổ chức quốc tế như HSBC, Fitch Solutions đưa ra các dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2021, điều này góp phần giúp chỉ số tăng mạnh, giá cổ phiếu “chạy” trước cả kỳ vọng tăng trưởng của doanh nghiệp năm nay.

Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ khả quan trong năm 2021 khi dự báo kinh tế hồi phục theo mô hình chữ V và được sự hỗ trợ từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết trong năm qua. Tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của các doanh nghiệp niêm yết có thể đạt hơn 23%.

Chính vì vậy, thị trường đang phản ứng trước các kỳ vọng của nhà đầu tư về một năm hồi phục sau giai đoạn khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19.

Cơ hội theo nhóm ngành

Sức mạnh của dòng tiền, dòng vốn giá rẻ đã đẩy thị trường chứng khoán đi từ cao trào này đến cao trào khác. So với đầu năm 2020, VN-Index hiện có mức tăng khoảng 23%, còn so với đáy tháng 3/2020, mức tăng khoảng 80%.

Trong bối cảnh bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19, thị trường có sự bứt phá như vậy được đánh giá là nhờ Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và nền tảng vĩ mô vững vàng. Bên cạnh đó, thị trường tăng đồng nhịp với chứng khoán thế giới, vì chứng khoán được nhìn nhận là kênh có thể mang lại lợi nhuận tốt nhất so với hầu hết kênh đầu tư khác.

“Khi tiến về gần đỉnh lịch sử thì thị trường sẽ có giai đoạn chùng xuống, nhưng với xu hướng lạc quan hiện tại, khả năng VN-Index tiếp tục tăng, vượt qua đỉnh cũ và hướng tới mốc xa hơn là 1.300 điểm. Giai đoạn đầu xuân mới, thị trường chứng khoán thường mang tâm lý lạc quan và kỳ vọng nhiều hơn”, ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế nói.

Đà tăng của thị trường đã lan tỏa đều đến nhiều nhóm cổ phiếu, kể cả cơ bản lẫn đầu cơ. Tuy nhiên, khi thị trường vừa trải qua một chuỗi dài tăng điểm, việc chọn và nắm giữ nhóm cổ phiếu nào sẽ phù hợp với tình hình thực tại là trăn trở lớn của các nhà đầu tư.

Thị trường được dẫn dắt bởi dòng tiền nên những nhóm cổ phiếu được dòng tiền lựa chọn có khả năng tăng mạnh, giai đoạn hiện nay là nhóm tài chính, bất động sản khu công nghiệp.

Theo CTS, với một số nhóm cổ phiếu, năm 2021 chỉ là giai đoạn mở đầu trong một chu kỳ tăng trưởng mới, phù hợp cho chiến lược mua và nắm giữ, chẳng hạn cổ phiếu dầu khí.

Trong năm 2021, dự án Sao Vàng - Đại Nguyệt sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho các công ty thực hiện dịch vụ xây lắp và vận chuyển dầu khí như PVS, PVT. Ngoài ra, giá dầu thế giới có dấu hiệu phục hồi trong dài hạn sẽ hỗ trợ hoạt động cho thuê giàn khoan dầu của PVD.

Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng, hàng loạt luật mới có hiệu lực thi hành từ năm 2021 góp phần cởi bỏ khung pháp lý cho các dự án bất động sản, kết hợp với mặt bằng lãi suất thấp, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi kể từ quý III/2020. Các cổ phiếu đáng chú ý trong nhóm này bao gồm KDH, TDC, HDC, HDG, CTD, HTN, HBC…

Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp đáng quan tâm là KBC, LHG, SZC, BCM… Xu hướng dòng vốn ngoại tràn sang Việt Nam đang ngày càng mạnh mẽ, trong khi nguồn cung khu công nghiệp vẫn còn hạn chế khiến giá thuê đất được dự báo có xu hướng tăng dài hạn.

Tin bài liên quan