Từ doanh nghiệp lớn
Tại các doanh nghiệp cao su niêm yết, hầu hết báo cáo đều cho thấy, giá bán bình quân thực tế cao hơn giá thành và giá dự báo kế hoạch của các công ty. Cụ thể, tại Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR), sản lượng tiêu thụ trong 9 tháng đạt hơn 11 nghìn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng doanh thu tăng hơn 50%, đạt 612 tỷ đồng.
Điều này được lý giải bởi giá bán cao su bình quân 9 tháng tại DPR là 41,5 triệu đồng/tấn, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng cao hơn so với giá bán dự đoán cả năm là 36 triệu đồng/tấn. Trong đó, giá xuất khẩu đạt 44 triệu đồng/tấn, tăng gần 40% và giá bán trong nước trung bình 40,3 triệu đồng/tấn.
Nhờ vậy, giá trị xuất khẩu của DPR tăng hơn 31% dù sản lượng xuất khẩu giảm nhẹ. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ trong nước tăng gần 32%, đạt hơn 7.695 tấn. Kết quả, Công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế 221 tỷ đồng, tăng 130% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt kế hoạch cả năm 16%.
Ghi nhận mức tăng giá mạnh hơn 114% trong 1 năm qua, cổ phiếu PHR của Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa tiếp tục được nhà đầu tư quan tâm nhờ kết quả kinh doanh khả quan và kỳ vọng vào các khoản thu nhập bất thường.
Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, giá bán cao su bình quân tại PHR đạt 41,44 triệu đồng/tấn, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng tiêu thụ đạt 20.627 tấn đã mang về doanh thu gần 858 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hơn 284 tỷ đồng, vượt kế hoạch 5% và tăng 110% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong quý IV, PHR phấn đấu khai thác vượt mức sản lượng 7.786 tấn mủ quy khô (tương đương 35% kế hoạch năm), riêng tháng 10 là 1.680 tấn. Mủ thu mua dự kiến đạt 4.000 tấn để tăng nguồn nguyên liệu chế biến.
Bên cạnh đó, Công ty sẽ thực hiện đấu giá thanh lý 600 ha cao su để trồng tái canh đầu năm 2018. Đáng lưu ý, PHR còn khoảng hơn 4.000 ha vườn cây cao su đến độ tuổi thanh lý, dự kiến sẽ duy trì thu nhập đều đặn từ hoạt động thanh lý cho Công ty trong vài năm tới.
PHR còn được kỳ vọng sẽ ghi nhận những khoản thu nhập bất thường từ tiền đền bù đất vườn cao su chuyển đổi thành Khu công nghiệp VSIP 3 và thoái vốn khỏi công ty con NTC.
Tại Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (TRC), giá thành bình quân trong 9 tháng là 35,3 triệu đồng/tấn, trong khi giá bán bình quân đạt 42,7 triệu đồng/tấn. Trong quý III, sản lượng thu hoạch của Công ty đạt 3.212,4 tấn, vượt kế hoạch 9,7%, lũy kế 9 tháng đạt 6.432 tấn, vượt kế hoạch 7,7%.
Sản lượng tiêu thụ lũy kế 9 tháng là 9.353,4 tấn. Kết quả, Công ty ghi nhận hơn 101 tỷ đồng lợi nhuận, chủ yếu đóng góp từ lợi nhuận cao su khai thác (40,6 tỷ đồng) và hoạt động khác (59,5 tỷ đồng). TRC đặt kế hoạch trong quý IV, sản lượng thu hoạch đạt 3.193 tấn, riêng tháng 10 là 976 tấn, sản lượng chế biến 1.840 tấn và sản lượng tiêu thụ 1.517 tấn.
... Tới triển vọng tân binh trên sàn
Chào sàn UPCoM tháng 5/2017, Công ty cổ phần Đầu tư cao su Đắk Lắk (DRI) gây chú ý với nhà đầu tư bởi được đánh giá là doanh nghiệp có giá thành sản xuất mủ cao su thấp nhất ngành, ở mức 17 - 20 triệu đồng/tấn do hưởng lợi từ chi phí nhân công giá rẻ tại Lào.
Ngoài ra, DRI được hưởng mức thuế ưu đãi nhất trong các doanh nghiệp cùng ngành do thỏa thuận với Chính phủ Lào từ năm 2004. Cụ thể, dự án của DRI sẽ được hưởng chính sách thuế ưu đãi trong vòng 50 năm với 1,6% trên doanh số bán mủ cao su, bắt đầu tính sau 2 năm khai thác.
Năm 2016, DRI lãi sau thuế hơn 21 tỷ đồng, trong khi năm 2015 báo lỗ. Kết quả này giúp Công ty giảm lỗ lũy kế chưa phân phối đến cuối năm xuống còn xấp xỉ 27 tỷ đồng.
Hiện tại, DRI có cổ đông lớn là Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk (Dakruco, sở hữu 66,6% vốn). Quý III/2017, Dakruco khai thác được 3.230 tấn mủ cao su quy khô, vượt 31% so với kế hoạch, doanh thu 103,2 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, sản lượng cao su khai thác được 7.075 tấn quy khô, đạt 85,8% kế hoạch năm; doanh thu từ cao su đạt 291,4 tỷ đồng, tương đương 85,7% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu 5,88 triệu USD. Công ty đã hoàn thành công tác trồng mới tái canh cao su năm 2017 với tổng diện tích 849,4 héc ta.