Ghi-nét chứng khoán Năm Rồng

Ghi-nét chứng khoán Năm Rồng

(ĐTCK) Xin tiếp tục loạt bình chọn vui vui, những mong góp cho sớ tấu 2012 của Táo chứng khoán thêm phần vui tươi, dày dặn.

Cũng sắp đến ngày Táo chứng khoán chầu giời báo cáo tình hình hạ giới. Biết là năm Rồng vẫn xấu dần đều như năm Mão, nhưng sớ tấu thiên đình chẳng thể lơ mơ, đổi mỗi ngày tháng năm như các thể loại diễn văn, báo cáo dưới hạ giới. Thấy một ông, hai bà Táo cấp tập lo con số, lo dữ liệu, Văn hóa Chứng khoán cũng chả cầm lòng, đành phải bình chọn nốt vài cái kỷ lục vui vui của thị trường. Ngõ hầu giúp sớ tấu của Táo chứng khoán thêm phần vui tươi, dày dặn… 

Ghi-nét chứng khoán Năm Rồng  ảnh 1

7. Đại từ nhân xưng bị kiêng nhất

Tiếng Việt quả là phong phú, đa dạng, riêng đại từ nhân xưng đã tha hồ: ông, anh, tao, mày, bác, cháu… vân vân và vân vân… Riêng cái danh xưng “bầu” có thể được xếp vào một loại đại từ mới. Mà thời thượng thì chỉ có người thượng lưu mới đủ sức “chơi”. Dăm năm trước, ai có cái danh này thì tự hào lắm. Doanh nhân nọ, doanh nhân kia thì dễ, làm bầu mới khó. Nhưng chả hiểu có phải tại bầu Kiên không mà từ cuối năm rồi, mấy anh, mấy chị PR cứ thẽ thọt: có viết bài về sếp em thì anh nhớ bỏ từ “bầu” ra nhé. Húy lắm… Hay là sợ làm “bầu” thì dễ “bí”, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn nhỉ! 

 

8. Con sóng lạ nhất

Một trong những truyền thống “đáng tự hào”, ngày càng phổ quát trong mọi tầng lớp nhà đầu tư chứng khoán Việt là… truyền thống đón sóng. Sóng Tết tây, Tết ta, sóng đón năm mới đến, tiễn năm cũ đi, sóng đại hội, sóng kết quả kinh doanh, sóng bầu bán, sóng nhân sự… vân vân và vân vân… Nhưng năm qua, lần đầu tiên trên chứng trường nước Việt xuất hiện… “sóng hôi của”. Thú thật là người viết cũng “đánh hôi” được vài con sóng dạng này. Năm qua, cứ DN hô giải tán, chia tài sản là dân đầu tư mua vào ầm ầm như chuẩn bị phá kho thóc đến nơi; rồi cứ phong thanh ông này bị mua, ông kia bị thâu tóm là khối bác nhăm nhăm đi kiếm lộc rơi, lộc vãi. Kệ các đại gia đi thâu tóm, các trung gia chống thâu tóm, dân nhỏ lẻ đứng giữa nhặt nhạnh tí chút mà cũng khối anh, khối chị năm qua nên người. 

 

9. Mát mặt và… rát mặt nhất

Ngày 30/3/2012, tại đại hội cổ đông của CTCP Everpia Việt Nam, tất cả các cổ đông nhỏ, sở hữu từ 500 đến 20.000 cổ phiếu đều được nhận quà là phiếu mua hàng, có giá trị từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng. Lãnh đạo EVE bảo, quyết định tặng quà để tri ân người cũ, đón chào người mới. Nhiều người tiếc hùi hụi vì thời buổi người khôn, của khó thế này tự dưng mất không một cơ hội kiếm tiền dễ dãi. Nhưng có ăn nhạt thì mới biết thương đến mèo. Cổ đông EVE mát mặt bao nhiêu thì cổ đông CTCP Nước và Môi trường Việt Nam (Viwase)… rát mặt bấy nhiêu. Lời qua tiếng lại tại ĐHCĐ là chuyện thường ngày ở huyện, nhưng “nóng” như lãnh đạo Viwase khi bảo rằng, “cổ đông không nên ăn hết phần của cán bộ công nhân viên” thì người ta đồ rằng, công ty này có ngành nghề kinh doanh... nước sôi!

 

10. Cuộc ra đi đình đám nhất

Giải này khiến Ban tổ chức băn khoăn nhất bởi năm qua quá nhiều người ra đi, đầu vẫn ngoảnh lại (vì nuối tiếc). Lại toàn những cuộc lên đường long trời lở đất, thị trường bốc hơi vài tỷ đô như thường. Nhưng chốt lại, chuyến đi chữa bệnh trời Tây của ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc FPT được chọn. Nguyên cớ rất đơn giản. Đây là một nhân vật mà ngay từ khi nhậm chức đã có câu nói như vận vào người, “Chủ trương của tôi là phải lái cỗ xe FPT chạy thật nhanh. Con ốc nào bung ra thì phải chịu”. Cuối cùng, bung ra lại chính là bác tài. Hóa ra tảng đá 10 cân mà người cũ tặng ông Anh “nặng” thật.

 

11. Lời than “khệnh” nhất

Làm sao “tiêu hết” 100 triệu USD ở TTCK Việt Nam ? Đó là lời than của một trưởng đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam . “Một quỹ nước ngoài dù khiêm tốn, cũng có quy mô vốn đầu tư ban đầu từ 50 triệu USD trở lên. Ở Việt Nam , nếu đầu tư trên TTCK, thì giải ngân đến bao giờ mới hết số tiền này?”, vị này nhận xét. Giữa lúc bà con thở hắt ra vì cháy tài khoản, bác nói câu ấy thì khác gì xát muối vào lòng người ta. Còn nếu không biết tiêu thì cử thử đưa cho mấy ông chúa chổm bất động sản đang… bất động mà xem. Nếu có tỷ đô thì hẵng lo không biết tiêu chỗ nào!

 

12. Nghề tệ nhất

Bình chọn này không phải của bản báo mà của Careercast.com do tờ báo chứng khoán hàng đầu Wall Street Journal công bố. Nghề tồi tệ nhất năm 2012 là phóng viên và... chăn bò. Bảng xếp hạng nghề nghiệp năm 2012 cho thấy, nghề phóng viên bất ngờ “vươn lên” đứng vị trí thứ nhất trong 5 nghề tồi tệ nhất thế giới, cùng với các nghề thợ xẻ gỗ, nông dân, nuôi bò, quân nhân. Làm trong nghề “tồi tệ” thế nên nhà cháu có giận đời, giận mình mà bình chọn cay nghiệt tí thì cũng xin người trong cuộc, ngoài cuộc thể tình mà buông một câu “không chấp” cho nhẹ lòng. Phỏng ạ!

>> Ghi net chứng khoán năm Rồng (Kỳ I)