Quy định về thành viên độc lập hội đồng quản trị
Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 71, hội đồng quản trị công ty đại chúng có từ 3 đến 11 người, phải đảm bảo tính cân đối giữa các thành viên có kiến thức và kinh nghiệm về pháp luật, tài chính, lĩnh vực hoạt động, kinh doanh của công ty và có xét đến yếu tố về giới.
Ngoài những quy định mang tính định tính này, Nghị định 71 có yêu cầu, hội đồng quản trị phải có tối thiểu 1/3 tổng số thành viên hội đồng quản trị là thành viên không điều hành - tức không phải là giám đốc/tổng giám đốc, phó giám đốc (phó tổng giám đốc), kế toán trưởng và những người điều hành khác theo quy định tại điều lệ công ty. Với quy định này, Nghị định 71 cũng khuyến khích doanh nghiệp hạn chế tối đa việc thành viên hội đồng quản trị kiêm nhiệm chức danh điều hành của công ty.
Tuy nhiên, quy định về thành viên hội đồng quản trị lại có điểm khác biệt. Khoản 5 điều này quy định, công ty niêm yết phải đảm bảo ít nhất 1/3 số thành viên hội đồng quản trị là thành viên độc lập. Bản thân quy định này không mới, nhưng so với quy định cũ, lại khiến doanh nghiệp trở nên lúng túng, vì chưa biết xác định như thế nào.
Cụ thể, trong Quy chế quản trị áp dụng cho công ty đại chúng (Thông tư 121/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính), số thành viên hội đồng quản trị là 1/3, nhưng xác định theo nguyên tắc làm tròn xuống. Như vậy, với doanh nghiệp có 5 thành viên hội đồng quản trị, sẽ chỉ cần có 1 thành viên độc lập. Nhưng quy định mới không nhắc đến vấn đề này, khiến doanh nghiệp đặt câu hỏi: họ có được phép làm tròn xuống như cũ? Những doanh nghiệp hiện đang có 5 thành viên hội đồng quản trị, liệu có phải bầu bổ sung hoặc thay thế thêm 1 thành viên hội đồng quản trị độc lập?
Giới thiệu thành viên hội đồng quản trị tạm thời
Tương tự như Điều 13 Nghị định 71, Điều 12 Thông tư 121 cũng quy định về thành phần hội đồng quản trị. Ngoài các nội dung khác biệt đã nói ở trên, Khoản 3 Điều 12 quy định, trong trường hợp một thành viên bị mất tư cách thành viên theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty, bị cách chức, miễn nhiệm hoặc vì một lý do nào đó không thể tiếp tục làm thành viên hội đồng quản trị, hội đồng quản trị có thể bổ nhiệm người khác tạm thời làm thành viên hội đồng quản trị theo quy định tại điều lệ công ty. Việc bầu mới thành viên hội đồng quản trị thay thế phải được thực hiện tại đại hội đồng cổ đông gần nhất.
Với quy định cũ này, hội đồng quản trị có quyền tạm giới thiệu thành viên hội đồng quản trị mới để bổ sung, thay thế thành viên hội đồng quản trị cũ khi có biến động nhân sự. Tuy nhiên, quy định mới không nhắc đến điều này, nên được hiểu là hội đồng quản trị sẽ không được quyền giới thiệu thành viên hội đồng quản trị tạm thời trong quá trình chờ họp đại hội đồng cổ đông.
Như vậy, quy định mới này sẽ dẫn đến việc phát sinh nhiều trường hợp doanh nghiệp phải tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường như: thành viên hội đồng quản trị xin từ nhiệm, thành viên hội đồng quản trị độc lập không còn độc lập nữa (do phát sinh yếu tố sở hữu, bổ nhiệm…). Đặc biệt, với các trường hợp thâu tóm doanh nghiệp, việc bổ nhiệm thành viên hội đồng quản trị mới sẽ diễn ra chậm hơn, do hội đồng quản trị không còn được quyền giới thiệu thành viên bổ sung.
Thành viên hội đồng quản trị không được kiêm nhiệm quá 5 công ty khác
3 năm nữa, 1/8/2020, quy định chủ tịch hội đồng quản trị không được kiêm nhiệm tổng giám đốc của công ty đại chúng sẽ có hiệu lực. Và cũng thời điểm này, quy định về việc thành viên hội đồng quản trị không được kiêm nhiệm thành viên hội đồng quản trị quá 5 công ty khác cũng có hiệu lực.
Nhìn một cách tích cực, quy định này sẽ giúp cho các thành viên hội đồng quản trị dành thời gian và có trách nhiệm hơn với những vị trí thành viên hội đồng quản trị mà mình đang nắm giữ, nhưng quy định này, lại có nhiều điểm chưa thực sự phù hợp.
Trước hết, vì sao lại là có sự phân biệt giữa vai trò thành viên hội đồng quản trị với vai trò thành viên hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn?
Một ví dụ đơn giản như sau: 2 doanh nghiệp hoạt động giống hệt nhau, cùng có 10 thành viên tham gia góp vốn, nhưng 1 doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn, 1 doanh nghiệp là công ty cổ phần.
Sự khác biệt về hình thức hoạt động của doanh nghiệp đó sẽ dẫn đến hệ lụy, một cá nhân A, đang là thành viên hội đồng quản trị của một công ty đại chúng, có thể được phép ngồi vào thành viên hội đồng thành viên của doanh nghiệp này, mà không thể tham gia vào hội đồng quản trị của doanh nghiệp kia, dù họ có đầu tư lớn vào doanh nghiệp, chỉ vì, ngoài công ty đại chúng kia, cá nhân A đang là thành viên hội đồng quản trị của 5 công ty cổ phần khác!
Thứ hai, đây sẽ là quy định có thể gây khó cho các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tập đoàn, với nhiều thành viên hoặc các công ty quản lý quỹ.
Báo cáo quản trị năm 2016 của Masan cho thấy, ông Nguyễn Thiều Nam, thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Masan, ngoài vị trí thành viên Hội đồng quản trị của Masan, còn giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bất động sản Masan, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Baltic Titan, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tài nguyên Masan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nước Quảng Ninh.
Như vậy, cá nhân ông Nam tham gia Hội đồng quản trị 5 công ty, và đồng thời tham gia Hội đồng thành viên của 8 công ty trách nhiệm hữu hạn khác. Chỉ cần 2 trong số các công ty trách nhiệm hữu hạn nói trên chuyển đổi mô hình hoạt động, ông Nam sẽ bị buộc phải rút lui một vài vị trí!
Tương tự, tại Công ty quản lý quỹ Sài Gòn (SSIAM), bà Lê Thị Lệ Hằng, Tổng giám đốc Công ty, hiện đang là thành viên Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử Viễn thông, Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương, Công ty cổ phần Xuyên Thái Bình, Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An, Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (5 công ty đại chúng).
Với quy định mới, sau 2020, bà Hằng nếu không rút khỏi Hội đồng quản trị các công ty này, thì chỉ có thể tham gia Hội đồng quản trị tối đa 1 công ty nữa.
Đây sẽ là thế khó của bà Hằng, nếu SSIAM tham gia đầu tư sâu vào ngày một nhiều doanh nghiệp, và cá nhân bà muốn tham gia quản trị doanh nghiệp mà SSIAM đầu tư.
Không chỉ các công ty hoạt động theo mô hình tập đoàn, công ty đầu tư, ngay cả những doanh nghiệp đại chúng thông thường, khi quy định này đi vào hoạt động, những ông chủ thực sự của doanh nghiệp cũng đang bị ràng buộc khó công khai tham gia quản trị, dù là cổ đông lớn.