Gelex Electric được phép sở hữu 100% HEM mà không phải chào mua công khai
Năm 2021, theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (sẽ họp ngày 22/4/2021), Hội đồng quản trị HEM tiếp tục có tờ trình về việc Công ty cổ phần Thiết bị điện Gelex (Glex Electric) được nâng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 100% theo hình thức mua khớp lệnh hoặc mua thỏa thuận mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.
Trước đó, năm 2019 và 2020, Hội đồng quản trị HEM đều trình đại hội nội dung trên và được thông qua. Tuy nhiên, đến nay, Gelex Electric vẫn chưa có động thái nâng tỷ lệ sở hữu lên 100%, dù có định hướng HEM là công ty chủ lực trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh động cơ điện và dịch vụ sửa chữa động cơ điện.
HEM hiện có vốn điều lệ hơn 387 tỷ đồng, tương ứng với trên 38,7 triệu cổ phiếu, lần lượt tăng hơn 19 tỷ đồng và hơn 1,9 triệu cổ phiếu so với năm 2018. Bởi lẽ, trong năm 2019, Công ty đã phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi cổ phiếu Công ty cổ phần Chế tạo máy điện Việt Nam - Hungari (Vihem), thực hiện sáp nhập doanh nghiệp này.
Theo nguồn tin từ công ty mẹ sở hữu 100% Gelex Electric là Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex), hiện tại, Tổng công ty chưa có dự định mới liên quan đến việc Gelex Electric sẽ mua cổ phần HEM trong năm nay.
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư đồn đoán, Gelex Electric sớm hay muộn cũng sẽ sở hữu hoàn toàn HEM, nhất là khi HEM đang quản lý và sử dụng một số lô đất lớn tại Hà Nội như lô đất mặt đường Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm, khu đất ở huyện Đông Anh vốn thuộc Vihem. Hiện nay, Glex Electric đang sở hữu 77,01% cổ phần HEM.
Năm 2020, HEM đạt doanh thu 452 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 54,3 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 24,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 20,4 tỷ đồng.
Theo HEM, lãi ròng trong năm 2020 chỉ hoàn thành 54% kế hoạch và giảm mạnh so với năm 2019 chủ yếu do sự suy giảm lợi nhuận của công ty mẹ bởi sản phẩm bị cạnh tranh gay gắt trên thị trường, Công ty đã trích lập dự phòng nhiều khoản mục nên lợi nhuận bị bào mòn.
Dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ khách sạn và văn phòng cho thuê của liên doanh Công ty TNHH SAS - CTAMAD.
HEM đang quản lý và sử dụng một số lô đất lớn tại Hà Nội.
Được biết, HEM sở hữu 35% phần vốn góp trong Liên doanh SAS-CTAMAD, chủ đầu tư Khu tòa nhà văn phòng và khách sạn 5 sao Melia tại 44 Lý Thường Kiệt, Hà Nội (đối tác còn lại trong liên doanh là công ty của tỷ phú Thái Lan Charoen - người đã chi gần 5 tỷ USD để mua 53,59% cổ phần Sabeco cuối năm 2017).
Liên doanh hoạt động khá hiệu quả, hàng năm chia lợi tức cao cho HEM. Năm ngoái, tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến SAS-CTAMAD gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn có lãi và chia cho HEM 16,1 tỷ đồng (giảm 75% so với năm 2019).
Trong năm 2020, HEM đã mua toàn bộ cổ phần của các cổ đông nhỏ lẻ tại Công ty cổ phần Điện cơ Hà Nội - HECO để sở hữu 100% vốn điều lệ, với mục tiêu phát triển thị trường miền Nam.
Năm 2021, HEM đặt mục tiêu đạt doanh thu 470 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 39 tỷ đồng, chia cổ tức 10% bằng tiền. Công ty sẽ tập trung tổ chức lại ngành hàng sản xuất động cơ điện và xây dựng chính sách phát triển ngành này; tiếp tục khai thác thị trường dịch vụ sửa chữa động cơ điện trên cả nước.