Trước đó, vào ngày 11/09, giá chào mua công khai cổ phiếu VGC được điều chỉnh tăng từ 17.700 đồng/cổ phiếu lên 21.500 đồng/cổ phiếu.
Theo khoản 2, Điều 48, Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, việc tăng giá được thực hiện với điều kiện bên chào mua phải công bố việc tăng giá ít nhất 7 ngày trước khi kết thúc đợt chào mua.
Mặt khác, theo Bản công bố thông tin về việc chào mua công khai được Ủy ban Chứng khoán chấp thuận, thời gian nhà đầu tư đăng ký bán cổ phiếu VGC là từ 26/8/2020 đến ngày 25/09/2020. Như vậy, việc điều chỉnh giá chào mua ngày 18/9/2020 là lần điều chỉnh tăng giá chào mua cuối cùng của GELEX trong đợt chào mua cổ phiếu VGC lần này.
Giá chào mua mới 23.500 đồng/cổ phiếu này được áp dụng đối với tất cả các nhà đầu tư đăng ký bán cổ phiếu VGC, kể cả các nhà đầu tư đã đăng ký bán trước đó.
Việc chào mua công khai cổ phiếu VGC của GELEX nằm trong kế hoạch mua và sở hữu chi phối Viglacera đã được Đại hội đồng cổ đông của GELEX thông qua trong phiên họp thường niên ngày 18/6/2020. Tại lần chào mua này, tổng khối lượng cổ phần VGC mà GELEX đăng ký chào mua là 95 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 21,19% vốn điều lệ của VGC. Sau khi hoàn tất đợt chào mua, dự kiến tỷ lệ sở hữu của GELEX sẽ tăng lên ở mức 46,15% vốn điều lệ của VGC.
Kể từ thời điểm GELEX công bố kế hoạch mua chi phối Viglacera, theo thống kê trên thị trường, tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu VGC theo phương thức khớp lệnh đến ngày 17/09/2020 đạt 44.034.590 cổ phiếu, theo phương thức thỏa thuận đạt 89.477.050 cổ phiếu. Tổng khối lượng theo cả hai phương thức là 133.511.640 cổ phiếu, tương đương với 29,8% vốn điều lệ của Viglacera, và vượt con số 95 triệu cổ phiếu mà GELEX chào mua.
Tại một thống kê khác, trong 6 tháng gần đây (tính đến ngày 17/09/2020), tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu VGC theo phương thức thỏa thuận đạt 114.608.050 cổ phiếu, chiếm 26% vốn điều lệ của Viglacera.
Hiện tại, cơ cấu cổ đông của VGC, bên cạnh Bộ Xây dựng sở hữu 38,58%, nhóm cổ đông GELEX sở hữu 24,96%. Nếu GELEX hoàn tất việc sở hữu chi phối Viglacera (51%) thì chỉ tính riêng hai cổ đông lớn nhất là Bộ Xây dựng và GELEX đã sở hữu 89,58% cổ phiếu lưu hành của VGC, lượng cổ phiếu của các cổ đông còn lại là 10,42%.
Như vậy, nếu trong vòng 1 năm, Viglacera không đáp ứng được điều kiện tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 300 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ, cổ phiếu VGC có thể sẽ đối mặt với nguy cơ bị hủy bỏ niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh theo quy định tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/07/2012 của Chính phủ.
Việc điều chỉnh giá chào mua không quá cao hơn so với vùng giá giao dịch hiện tại, cũng như khối lượng giao dịch như thống kê ở trên, có thể đánh giá được phần nào khả năng thành công của đợt chào mua lần này của GELEX.
Với việc hoàn tất chào mua tăng tỷ lệ sở hữu lên 46,15%, thì để thực hiện mục tiêu sở hữu VGC lên mức chi phối (51%), có khả năng lớn GELEX sẽ đi theo hướng mua thêm dưới 5% cổ phần VGC mà không phải tiếp tục thực hiện chào mua công khai theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật chứng khoán hiện hành.
Theo kế hoạch kinh doanh 2020 được Đại hội đồng cổ đông của GELEX thông qua, nếu sở hữu chi phối Viglacera, doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020 của GELEX kỳ vọng đạt lần lượt 19.600 tỷ đồng và 975 tỷ đồng.