GBS bị đình chỉ thanh toán lần 3

GBS bị đình chỉ thanh toán lần 3

(ĐTCK) Sau hai lần bị đình chỉ tạm thời hoạt động thanh toán, bù trừ do thiếu hụt tiền và chứng khoán, ngày 17/10, CTCP Chứng khoán Golden Bridge Việt Nam (GBS) bị Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) kéo dài thời gian đình chỉ tạm thời hoạt động thanh toán, bù trừ giao dịch chứng khoán từ ngày 18/10/2012 đến ngày 31/10/2012.

Nguyên nhân

Theo VSD, trong thời gian bị đình chỉ tạm thời hoạt động thanh toán, bù trừ giao dịch chứng khoán, GBS tiếp tục mất khả năng thanh toán chứng khoán, dẫn đến phải thực hiện hủy thanh toán giao dịch, gây tổn thất cho khách hàng và ảnh hưởng đến hệ thống thanh toán chứng khoán của VSD, nên bị kéo dài thời gian đình chỉ thêm 10 ngày. VSD yêu cầu GBS có trách nhiệm phải khắc phục ngay tình trạng mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán và bồi thường thiệt hại phát sinh (nếu có) cho khách hàng, đồng thời tạo điều kiện cho khách hàng tất toán và chuyển khoản chứng khoán sang thành viên khác, nếu khách hàng có yêu cầu.

Lần đầu tiên bị đình chỉ (từ 7/9 đến 30/9) là do GBS vi phạm Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, không tuân thủ nghĩa vụ thanh toán giao dịch chứng khoán; lần thứ hai là do thiếu hụt chứng khoán nên bị đình chỉ thêm 2 tuần (từ 4/10 đến 17/10); do Công ty tiếp tục bị mất khả năng thanh toán cho khách hàng, nên bị kéo dài thời gian đình chỉ đến 31/10/2012.

 

Mất khả năng thanh toán

Phản ánh với ĐTCK, một số NĐT mở tài khoản tại GBS cho biết, ngày 10/9/2012, biết tin GBS bị đình chỉ hoạt động lưu ký tạm thời nên đã đến văn phòng GBS yêu cầu rút toàn bộ số dư tiền mặt, nhưng Công ty không trả được. Một nhà đầu tư cho biết, trong số 2,8 tỷ đồng họ bị mất trong tài khoản tại GBS, đến ngày 27/9, GBS mới chuyển khoản trả tổng cộng 1,1 tỷ đồng. Phần còn lại đến nay Công ty vẫn không thanh toán. Lần hứa cuối cùng của GBS là sẽ trả số tiền còn lại cho NĐT vào ngày 22/10. Theo NĐT, nếu Công ty không thực hiện thanh toán như đã cam kết, thì sẽ nhờ đến cơ quan có thẩm quyền vào cuộc.

Nguồn ngân sách mà GBS đang trông chờ “rót” về hiện tại là từ Tập đoàn Golden Bridge (Hàn Quốc), bởi trước đó, tập đoàn này cam kết sẽ cùng với GBS khắc phục các yếu kém và tồn tại của GBS để duy trì hoạt động và hướng tới sự phát triển của Công ty.

 

Ai bảo vệ NĐT?

Như ĐTCK đã phản ánh, việc xâm phạm tài khoản của NĐT không chỉ tại một CTCK, mà diễn ra khá phổ biến, nhất là đối với những CTCK hoạt động yếu kém. Khi sự việc bị phát hiện, NĐT nộp đơn “cầu cứu” cơ quan quản lý, cụ thể là Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK). Tuy nhiên, trong thẩm quyền của mình, các biện pháp mà UBCK có thể làm là xử phạt hành chính, tạm ngừng hoạt động và nặng hơn là thu hồi một phần giấy phép hoạt động của CTCK (điển hình như TAS vừa bị thu hồi giấy phép hoạt động lưu ký). Còn việc phân xử vấn đề lợi ích và cưỡng chế các bên thực hiện vấn đề lợi ích không thuộc thẩm quyền của UBCK.

Trở lại vấn đề mất thanh khoản tại GBS, NĐT cho hay, đã có đơn “tố” Công ty tự ý sử dụng tiền trên tài khoản của mình, nhưng trước mắt, NĐT phải tự làm việc với CTCK để đòi quyền lợi chính đáng. NĐT chia sẻ, khi gửi đơn lên UBCK, NĐT cũng chỉ mong cơ quan quản lý tạo sức ép buộc CTCK phải giải quyết thanh toán tiền cho NĐT.

Trường hợp NĐT bị xâm phạm tài khoản tại GBS chỉ là một trong nhiều trường hợp đang diễn ra trên TTCK. Thực tế cho thấy, khi tài sản của NĐT bị xâm phạm, việc NĐT thoả thuận với CTCK để đòi quyền lợi là không hiệu quả. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, NĐT nên kiện CTCK ra toà.