Việc thực hiện Nghị quyết 78/2014 của Quốc hội với quy định: từ năm 2015 không phát hành các loại TPCP có kỳ hạn dưới 5 năm, đã không chỉ khiến cung - cầu trên thị trường gặp vấn đề, mà hoạt động huy động vốn của Chính phủ cũng khó khăn. Tám tháng đầu năm nay, lượng vốn TPCP huy động được mới đạt hơn 45% kế hoạch.
Việc điều chỉnh chính sách không chỉ khiến bên bán trái phiếu khó khăn, mà bên mua cũng trong tình cảnh tương tự. NĐT chủ lực trên thị trường TPCP là các ngân hàng thương mại đang gặp khó trong thu xếp vốn để đầu tư trái phiếu. Điều này thể hiện trên hai khía cạnh.
Đầu tiên, nhà phát hành chỉ bán ra loại trái phiếu dài hạn từ 5 năm trở lên, trong khi nguồn vốn các ngân hàng huy động được phần nhiều là vốn ngắn hạn, nên hạn chế khả năng hấp thụ thêm trái phiếu kỳ hạn dài.
Thứ nữa, việc Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước đưa ra các quy định hạn chế các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đầu tư vào TPCP, dẫn đến không chỉ gần như ngừng hẳn việc mua vào TPCP Việt Nam, đối tượng NĐT này còn phải bán ra để về mức trần mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra, trong khi họ vẫn có nhu cầu mua thêm. Điều này cộng với những biến động về tỷ giá, đã tác động không tích cực đến sức cầu trên thị trường.
Bất cập trên làm lộ diện rõ nét hơn một điểm yếu của thị trường trái phiếu là việc quá phụ thuộc vào ngân hàng thương mại. Theo cập nhật của Bộ Tài chính, cho đến hết tháng 8/2015, ngân hàng thương mại vẫn nắm giữ tới 80% tổng khối lượng trái phiếu phát hành. Khi NĐT chủ lực này gặp những khó khăn như trên đã làm suy yếu sức cầu trên thị trường, nên khiến cho hoạt động huy động vốn TPCP gặp khó.
Các thành viên thị trường cho rằng, Nghị quyết 78/2014 đưa ra các quy định nhằm giảm áp lực trả nợ cho ngân sách trong ngắn hạn là cần thiết. Tuy nhiên, cần thực hiện có lộ trình, chứ không nên áp dụng đột ngột như hiện tại. Bởi vậy, nhiều ý kiến đề xuất cần sửa Nghị quyết 78/2014 để khắc phục bất ổn cho bên bán, đồng thời chỉnh sửa Thông tư 36/2014 để gỡ khó cho bên mua… Qua đó, hỗ trợ cung - cầu gặp nhau tốt hơn.
Thị trường trái phiếu không chỉ là nơi để Chính phủ huy động vốn, mà bản thân nó có những quy luật vận hành khách quan. Bởi vậy, việc ban hành các chính sách có tác động đến hoạt động bình thường của thị trường cần được cân nhắc để đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu đảm bảo an toàn nợ công, đáp ứng nhu cầu về vốn chi cho đầu tư phát triển, tránh gây nghẽn cung - cầu, hỗ trợ thanh khoản cho thị trường…