Gánh nặng trích lập dự phòng… sẽ nhẹ dần

Gánh nặng trích lập dự phòng… sẽ nhẹ dần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chi phí dự phòng tiếp tục là nhân tố chi phối lợi nhuận của các ngân hàng…

Tại ĐHCĐ thường niên 2021 của BIDV vừa qua, cổ đông đã chất vấn ban lãnh đạo ngân hàng về tình trạng chi phí dự phòng luôn tăng theo các năm và ngốn hết lợi nhuận.

Theo đó, một cổ đông của BIDV chất vấn, BIDV có tổng tài sản lớn nhất hệ thống, lợi nhuận kinh doanh thuần trước trích lập dự phòng rủi ro không thua kém Vietcombank. Tuy nhiên, sau khi trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận của BIDV chỉ gần bằng quỹ trích lập dự phòng rủi ro của Vietcombank. Trong khi đó, quỹ trích lập dự phòng của BIDV lại lên tới hơn 23.000 tỷ đồng, tương đương với lợi nhuận của Vietcombank.

Thực tế, những năm gần đây, BIDV liên tục bị các đối thủ trong nhóm Big 4 vượt qua về khả năng sinh lời. Thậm chí, trong năm 2020, lợi nhuận của Ngân hàng đã giảm xuống còn hơn 9.000 tỷ đồng, chưa bằng một nửa Vietcombank và kém cả 4 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân là ACB, MB, VPBank và Techcombank.

Báo cáo tài chính của BIDV cho biết, tính đến cuối năm 2020, Ngân hàng tiếp tục đứng đầu ngành về quy mô nợ xấu với 21.342 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm trước và bỏ xa hai ông lớn cùng nhóm quốc doanh khác là VietinBank (12.148 tỷ đồng), Vietcombank (9.917 tỷ đồng).

Trả lời cổ đông về lý do khiến BIDV mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro thời gian qua, Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú cho biết, Ngân hàng rất muốn giảm dự phòng, cải thiện lợi nhuận qua đó tác động tích cực đến giá cổ phiếu. Tuy nhiên, việc dự phòng tăng mạnh trong nhiều năm qua là kết quả của quá trình phát triển mạnh về quy mô để lại những khiếm khuyết.

“Trong suốt 4 năm qua, BIDV đặt mục tiêu làm sạch bảng cân đối tài sản, quan điểm đạt hiệu quả trong dài hạn nên trích lập khá nhiều dự phòng khiến lợi nhuận khiêm tốn so với tổng tài sản”, ông Tú cho biết.

Câu chuyện của BIDV cũng khá tương tự đối với nhiều ngân hàng. Ví dụ như, Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 của SCB vừa công bố cho biết, trong quá trình kiểm toán, Ngân hàng đã thực hiện rà soát và đánh giá lại toàn bộ các khoản nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhằm đảm bảo tính phù hợp, thận trọng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Kết quả sau rà soát, tỷ lệ nợ xấu của SCB là 2,34% - vẫn nằm trong giới hạn của Ngân hàng Nhà nước là 3%.

Việc phân loại lại nợ đã làm thu nhập lãi thuần của Ngân hàng giảm tương ứng 962 tỷ đồng, đạt 3.411 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 624 tỷ đồng, đạt 34 tỷ đồng. Việc áp dụng nguyên tắc thận trọng trong đánh giá lại chất lượng tín dụng cũng đảm bảo tính chặt chẽ, tăng tính an toàn cho Ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp SCB cho biết, trong những giải pháp hỗ trợ được Ngân hàng Nhà nước cho phép SCB trong thời gian tái cơ cấu là được phép trích lập dự phòng rủi ro theo năng lực tài chính. Do đó, trong quá trình kiểm toán, SCB đã phối hợp với Công ty Kiểm toán độc lập xem xét và điều chỉnh chi phí trích lập dự phòng rủi ro phù hợp với phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước và năng lực tài chính của SCB.

“Tính chung cả năm 2020, tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của SCB là 1.338 tỷ đồng, số dư quỹ dự phòng đạt hơn 12.878 tỷ đồng, đây là nguồn tài chính tích lũy, sau khi hoàn tất xử lý nợ xấu, SCB sẽ được hoàn nhập các chi phí đã trích, giúp cải thiện thu nhập và lợi nhuận của Ngân hàng”, lãnh đạo SCB cho biết.

Trong một diễn biến có liên quan, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2021 sửa đổi Thông tư 01 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Dù Thông tư 03 cho phép các ngân hàng kéo dài thời gian tái cơ cấu, giãn nợ đến hết năm nay nhưng các ngân hàng vẫn nên tự chuẩn bị dự phòng để đảm bảo an toàn trong hoạt động”.

Được biết, SCB đã có những bước biến chuyển mạnh mẽ trong hoạt động dịch vụ, đóng góp lớn trong tổng thu nhập hoạt động của SCB. Tổng thu nhập hoạt động sau kiểm toán của SCB đạt 5.686 tỷ đồng, với đóng góp chính từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh trái phiếu Chính phủ và kinh doanh ngoại hối.

Thu nhập thuần từ dịch vụ của SCB đạt 1.775 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng mỗi năm trên 40%, luôn nằm trong nhóm đầu của hệ thống ngân hàng thương mại. Trong năm 2020, SCB tiếp tục giữ vững vị trí trong nhóm dẫn đầu thị trường Bancassurance với doanh số lên đến gần 1.200 tỷ đồng và giữ vị trí trong Top 5 nhà tạo lập thị trường kinh doanh trái phiếu Chính phủ.

Bước sang năm 2021, tận dụng đà phát triển và các thế mạnh sẵn có, cùng với sự tư vấn chiến lược từ đối tác uy tín quốc tế McKinsey, SCB tiếp tục tăng cường hoạt động Bancassurance, chú trọng chuyển đổi số, tạo cú hích phát triển về công nghệ theo xu thế của thị trường. Quý I/2021, thu phí dịch vụ của SCB đạt hơn 419 tỷ đồng, tăng 156% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động kinh doanh ngoại hối, kinh doanh trái phiếu Chính phủ đạt 419 tỷ đồng, tăng 158% so với cùng kỳ năm trước.

Vừa qua, trên cơ sở chấp thuận của NHNN và Ủy Ban Chứng Khoán Nhà nước, SCB đã chính thức công bố phát hành thêm 500 triệu cổ phần để thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 06/2021. Việc tăng vốn sẽ giúp SCB củng cố năng lực tài chính và nâng cao an toàn hoạt động cho Ngân hàng.

Tin bài liên quan