Gánh nặng chi phí đè lợi nhuận quý I nhiều doanh nghiệp

Gánh nặng chi phí đè lợi nhuận quý I nhiều doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã thấm dần vào nhiều doanh nghiệp, dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận vẫn sụt giảm do gánh nặng chi phí đầu vào.

Giá vốn đồng loạt tăng

Nhìn vào báo cáo tài chính quý I/2021 của các doanh nghiệp niêm yết, có thể thấy, giá vốn tăng cao đang là vấn đề lớn của nhiều doanh nghiệp.

Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (mã BMP), doanh thu quý I ghi nhận 1.153 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 84 tỷ đồng, tăng 13,1% về doanh thu nhưng giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ, lợi nhuận gộp của Công ty giảm 16%, còn 206 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng 22,8%, lên 31,8 tỷ đồng.

BMP cho biết, giá vốn tăng 22% là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Công ty sụt giảm. Giá bột nhựa – nguyên liệu đầu vào của BMP tăng cao kỷ lục là nguyên nhân chính khiến giá vốn của Công ty tăng cao.

Theo dự báo của giới chuyên gia phân tích, trong bối cảnh giá dầu tăng mạnh và sự đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu, giá bột nhựa sẽ tiếp tục neo ở mức cao trong năm 2021.

Chuyện giá vốn tăng cao gây áp lực lên lợi nhuận cũng diễn ra ở khối doanh nghiệp ngành cao su. Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (mã PHR) cho biết, quý I/2021, Công ty ghi nhận doanh thu 280 tỷ đồng, tăng hơn 60 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng 34,5% so với cùng kỳ năm ngoái (do giá thu mua mủ cao su tăng cao) và chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng đều tăng, lợi nhuận sau thuế của PHR ghi nhận 88,4 tỷ đồng, giảm 58,1% so với mức 211 tỷ đồng Công ty ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái.

Tại Công ty cổ phần Khu công nghiệp Cao su Bình Long (MH3), doanh thu quý I/2021 đạt 16,8 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lãi gộp thu về chỉ đạt 5,5 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Giá vốn dịch vụ cung cấp nước sạch tăng 231% lên 7,5 tỷ đồng đã làm kéo lùi lợi nhuận gộp của Công ty. Kết thúc quý đầu năm, lợi nhuận sau thuế của MH3 đạt 5,8 tỷ đồng, giảm 58,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khối nhà thầu cũng chịu ảnh hưởng của chi phí vật liệu tăng. Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã CTD) cho biết, kết thúc quý I/2021, doanh thu đạt 2.563 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận ròng giảm 55,6%, chỉ còn 54,5 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2020 lãi hơn 123 tỷ đồng). Đây cũng là quý ghi nhận lãi thấp nhất từ trước đến nay của CTD.

Tại Đại hội cổ đông vừa qua, lãnh đạo Coteccons cho biết, trong 6 tháng qua, giá vật liệu xây dựng trên thị trường tăng mạnh, đặc biệt là giá thép đã ảnh hưởng tới giá vốn của Công ty.

Doanh nghiệp xuất khẩu ngấm đòn cước vận chuyển

Công ty cổ phần Sản xuất và công nghệ nhựa Pha Lê (mã PLP) cho biết, dịch bệnh Covid-19 kéo dài và giá cước vận tải biển tăng mạnh trong quý I/2021 đã khiến lợi nhuận của Công ty sụt giảm mạnh.

Doanh thu quý I/2021 của PLP đạt 471 tỷ đồng, giảm 2% và lợi nhuận sau thuế đạt 12,66 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cước vận tải cũng là nguyên nhân chính kéo lùi lợi nhuận quý I/2021 của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC).

Trong kỳ, doanh thu thuần của Công ty đạt 1.788 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn tăng nhẹ và doanh thu tài chính giảm 17,4 tỷ đồng (tương ứng giảm 46,2%), đặc biệt chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng cao so với quý I/2020.

Chi phí bán hàng đã tăng vọt từ 38,83 tỷ đồng trong quý I/2020 lên mức 89,5 tỷ đồng trong quý này, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên 9 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận sau thuế quý I của VHC còn 131 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lãnh đạo VHC cho biết, nguyên nhân lãi giảm trong quý I là chủ yếu là chi phí cước tàu vận chuyển hàng hóa tăng.

Quý I/2021, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) ghi nhận doanh thu thuần tăng 36%, đạt gần 969 tỷ đồng. Nguyên liệu đầu vào và các chi phí đồng loạt tăng trong khi giá tiêu thụ không tăng là nguyên nhân chính khiến doanh thu của Công ty tăng nhưng lợi nhuận sụt giảm mạnh.

Cụ thể, chi phí bán hàng tăng 50%, ghi nhận gần 29 tỷ đồng do chi phí vận chuyển tăng mạnh. Kết thúc quý đầu năm, lãi ròng của FMC giảm 26% so với cùng kỳ, xuống còn 30 tỷ đồng.

Trong năm 2021, FMC dự kiến đem về 250 tỷ đồng lãi trước thuế và 4.650 tỷ đồng tổng doanh thu, đồng loạt tăng 5% so với thực hiện năm 2020. Như vậy, trong quý I, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu tôm này mới thực hiện được 13% chỉ tiêu lãi trước thuế cả năm.

Tin bài liên quan