Gắn sự phát triển bền vững của nền kinh tế với doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF 2020) với chủ đề “Phát triển bền vững trong thập niên mới: Biến thách thức thành cơ hội” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) tổ chức đã diễn ra sáng 10/12 tại Hà Nội.

Gắn sự phát triển bền vững của nền kinh tế với doanh nghiệp

Phát biểu tại Diễn đàn Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhấn mạnh rằng nếu nhìn từng năm sẽ không nhận thấy nhiều sự thay đổi về phát triển bền vững. Nhưng nếu nhìn lại 10 năm, nhất là 5 năm gần đây, thì thấy rõ sự tiến bộ của Việt Nam về sự phát triển bền vững.

Từ vị trí xếp hạng thứ 88 năm 2016, Việt Nam đã cam kết tham gia chương trình nghị sự của Liên hiệp quốc về phát triển bền vững và Chính phủ đã có những chỉ đạo, hành động cụ thể. Chỉ một năm sau đó Việt Nam tăng hẳn 22 bậc lên thứ hạng 68.

“Từ thứ hạng thấp, với những nỗ lực và quyết tâm, chúng ta đã có được sự thay đổi mạnh mẽ, nhưng những bước tiếp theo bao giờ cũng khó khăn hơn. Thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng SDGs thế giới tăng được 11 bậc lên thứ 57 và năm 2019 tăng 3 bậc lên thứ 54”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ với các đại biểu tham dự Diễn đàn
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ với các đại biểu tham dự Diễn đàn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đặc biệt lưu ý Việt Nam đạt được những tiến bộ đáng kể về phát triển bền vững, nhưng sẽ không có nền kinh tế bền vững, xã hội bền vững nếu không gắn với sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp.

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã có chiến lược phát triển bền vững và đã có nhiều chỉ đạo đi kèm với chủ trương, chính sách, cộng đồng doanh nghiệp cũng đã có nhiều hoạt động thúc đẩy vì sự phát triển bền vững.

“Diễn đàn thường niên này là một sự kiện trong chuỗi những hoạt động thúc đẩy phát triển bền vững trong những năm qua. Hội đồng Vì sự phát triển bền vững cũng đã được thành lập. Nhưng cho đến nay, trong 700.000 doanh nghiệp trong cả nước thì mới có 100.000 doanh nghiệp (15%) nắm được thông tin, hiểu rõ được về phát triển bền vững và mới có 2.000 doanh nghiệp tham gia chương trình vì sự phát triển bền vững. Do đó tinh thần này cần được lan tỏa mạnh mẽ và quyết tâm hơn nữa”, Phó Thủ tướng nhắc nhở.

TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD nhận định trong giai đoạn 10 năm tới, Việt Nam sẽ tập trung vào 3 đột phá chiến lược: tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại.

Theo đó, đại diện VCCI, VBCSD đưa ra các kiến nghị trên cơ sở thảo luận tại 3 hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ VCSF 2020 đã diễn ra vào tháng 9 vừa qua, nhằm thực hiện thành công các định hướng nêu trên.

Các kiến nghị bao gồm Chính phủ tiếp tục cải cách thể chế tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; Chính phủ ưu tiên tập trung vào các biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp; Chính phủ xây dựng và triển khai Đề án Nâng cao Năng lực quản trị doanh nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, tiệm cận với các tiêu chuẩn quản trị quốc tế để thúc đẩy quản trị doanh nghiệp bền vững; Xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ cho áp dụng Kinh tế tuần hoàn; Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho PPP phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhận định: “Chúng ta không thể đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững nếu thiếu doanh nghiệp, và sẽ không có doanh nghiệp nếu không đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Việc hoàn thành các SDGs có thể mở ra cơ hội thị trường trên toàn cầu trị giá ít nhất 12 nghìn tỷ USD vào năm 2030.”

Bà Caitlin Wiesen cũng nhấn mạnh thêm rằng, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các thách thức từ biến đổi khí hậu và xóa đói giảm nghèo. Trong bối cảnh Covid-19, UNDP đang tích cực phối hợp với các đối tác, bao gồm các cơ quan của Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và cả doanh nghiệp, để giúp các doanh nghiệp hoạt động ‘xanh hơn, sạch hơn, phục hồi và ứng phó tốt hơn’ nhằm đạt được các SDGs trong thập kỷ hành động đến năm 2030.

Ông Peter Bakker, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững toàn cầu (WBCSD) cho rằng, Việt Nam đã khống chế những thiệt hại kinh tế do COVID gây ra một cách thành công. Đây chính là gương thành công và là mô hình cho các quốc gia khác học hỏi.

“Đây là lúc Việt Nam, mà cụ thể là các doanh nghiệp Việt Nam, phải xây dựng các mục tiêu để phát triển bền vững trong tương lai”, ông Peter khuyến nghị.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Binu Jacob - Tổng giám đốc của Nestlé Việt Nam, đồng Chủ tịch VBCSD nhấn mạnh năm 2020 là năm nhiều thách thức và biến động.

“Đại dịch COVID-19 và tác động của biến đổi khí hậu nhắc nhở chúng ta rằng thế giới chúng ta đang sống dễ bị tổn thương và có tính liên kết chặt chẽ với nhau như thế nào. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cần hợp tác vì sự phát triển bền vững nhằm đem đến sự thịnh vượng lâu dài và ổn định cho toàn xã hội.

Chúng tôi muốn truyền cảm hứng, giúp cộng đồng doanh nghiệp nhận thức và thực thi vai trò của mình. Ngoài các cam kết và sáng kiến phát triển bền vững đang triển khai, Nestlé vừa công bố lộ trình cụ thể để giảm một nửa lượng phát thải carbon năm 2030 tiến tới loại bỏ hoàn toàn phát thải năm 2050. Chúng tôi sẽ nỗ lực cùng các đối tác đạt được mục tiêu này”.

Cũng tại Diễn đàn, Heineken Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn RESOLVE (viết tắt của: REgenerate - Tái tạo; Share - Chia sẻ; Optimize - Tối ưu hóa; Loop - Tái sử dụng/ Tái chế; Virtualize - Số hóa và Exchange - Chuyển đổi). Đây là phương pháp tiếp cận toàn diện nhằm tạo ra giá trị bền vững cho môi trường, bao gồm giảm lượng khí thải carbon, bảo vệ tài nguyên nước và tối ưu hóa tài nguyên.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VBCSD nhận định: “Kinh tế tuần hoàn là chìa khóa cho sự thành công và phát triển bền vững cho các doanh nghiệp Việt Nam dù ở bất kỳ quy mô doanh nghiệp hay mô hình kinh doanh nào.

Chúng tôi đánh giá cao vai trò tiên phong và những nỗ lực của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Heineken Việt Nam trong việc lan tỏa mô hình kinh tế tuần hoàn, cũng như truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp về giá trị và ý nghĩa của phát triển bền vững, tiếp tục thúc đẩy tư duy đổi mới sáng tạo trong kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”.

VCSF 2020 diễn ra vào thời điểm năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020, tạo đà cho việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030.

VCSF 2020 tập trung thảo luận các nội dung trọng điểm về quản trị doanh nghiệp bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường mô hình hợp tác công - tư. Đây không chỉ là những bài học đúc rút từ đại dịch Covid-19 mà hơn hết chính là những vấn đề then chốt cần được giải quyết nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội bao trùm và bền vững trong thập niên 2021 - 2030.

Diễn đàn có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời thu hút sự tham dự trực tiếp của hơn 300 đại biểu và theo dõi trực tuyến của gần 500 đại biểu trong nước, quốc tế.

Tin bài liên quan