Dồn dập các kế hoạch phát hành
Năm nay, ABBank dự kiến phát hành thêm gần 370 triệu cổ phiếu, chia làm 2 đợt, qua đó tăng vốn điều lệ từ 5.713 tỷ đồng lên hơn 9.409 tỷ đồng, tương đương tăng gần 65%. Trong đó, đợt 1, Ngân hàng sẽ tăng vốn thêm gần 1.257 tỷ đồng, thông qua việc chào bán hơn 114 triệu cổ phiếu (20%) cho cổ đông hiện hữu và hơn 11,4 triệu cổ phiếu (2%) cho cán bộ, nhân viên với giá 11.500 đồng/cổ phiếu. Đợt 2, Ngân hàng sẽ phát hành gần 244 triệu cổ phiếu thưởng, tương đương với số vốn tăng thêm gần 2.440 tỷ đồng (tăng 35% so với mức vốn điều lệ sau khi tăng vốn đợt 1).
Tương tự, MB dự kiến tăng vốn điều lệ từ 27.987 tỷ đồng lên 38.676 tỷ đồng thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 35%, chào bán riêng lẻ khoảng 70 triệu cổ phiếu và phát hành 19,24 triệu cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
OCB sẽ tăng vốn điều lệ từ 10.959 tỷ đồng lên 14.449 tỷ đồng, tương đương tăng 32% bằng cách chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 25%; phát hành khoảng 5 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu; chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu. Năm ngoái, ngân hàng này đã tăng vốn thêm hơn 3.000 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ cho đối tác ngoại là Aozora Bank và phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 25%. Hiện Aozora Bank đang là cổ đông chiến lược, nắm 15% vốn chủ sở hữu của OCB.
SeABank sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 9,12% và phát hành cổ phiếu riêng lẻ, phát hành ESOP để tăng vốn điều lệ thêm hơn 3.000 tỷ đồng, lên trên 15.200 tỷ đồng.
VIB sẽ phát hành cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 40%, nâng vốn điều lệ lên 15.531 tỷ đồng, sau đó chào bán riêng lẻ, tỷ lệ tối đa là 3%.
BIDV sẽ tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng (20,6%), lên 48.524 tỷ đồng, thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm.
SCB dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 15.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020 - 2030, trong đó, năm 2020 - 2021 tăng thêm 5.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Nam A Bank dự kiến tăng vốn điều lệ từ 4.564 tỷ đồng lên trên 8.500 tỷ đồng thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu, chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chào bán riêng lẻ.
Một số ngân hàng khác chỉ lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Chẳng hạn, HDBank dự kiến phát hành hơn 400 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 25%, tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.000 tỷ đồng, lên 20.110 tỷ đồng.
ACB sẽ trả cổ tức năm 2020 ở mức 25% bằng cổ phiếu để tăng vốn lên 27.019 tỷ đồng. Dragon Financial Holdings Limited hiện là cổ đông lớn duy nhất của ACB, với tỷ lệ sở hữu 6,92%, nhưng tỷ lệ sở hữu tối đa (room) của nhà đầu tư nước ngoài tại Ngân hàng đã được lấp đầy (30%).
MSB sẽ chia cổ tức năm 2020 tỷ lệ 30% bằng cổ phiếu để tăng vốn lên 15.221 tỷ đồng.
BacA Bank sẽ phát hành hơn 44,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, tương đương tỷ lệ 6,3%, qua dó nâng vốn điều lệ từ 7.085 tỷ đồng lên hơn 7,531 tỷ đồng.
Với VietinBank, từ năm ngoái, ngân hàng này đã thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 28,8%, tương đương hơn 1 tỷ đơn vị.
Hiện các ngân hàng trên 3 sàn chứng khoán (HOSE, HNX, UPCoM) có tổng khối lượng gần 40 tỷ cổ phiếu. Thống kê sơ bộ các kế hoạch phát hành, thị trường sẽ có thêm ít nhất 7,3 tỷ cổ phiếu “vua” trong năm 2021, vì một số ngân hàng hiện chưa công bố kế hoạch tăng vốn.
Nhiều mục đích tăng vốn
Mục đích tăng vốn điều lệ của ACB là nhằm củng cố các tỷ lệ an toàn đối với Ngân hàng, tăng nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ, có thêm nguồn vốn để cải tạo, đầu tư các dự án chiến lược giai đoạn 2019 - 2024.
Thị trường sẽ có thêm ít nhất 7,3 tỷ cổ phiếu “vua” trong năm 2021, vì một số ngân hàng hiện chưa công bố kế hoạch tăng vốn.
Đại diện MSB cho biết, Ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II, hướng tới Basel III.
MB cho hay, số vốn điều lệ tăng thêm (dự kiến 10.688 tỷ đồng) sẽ được sử dụng để bổ sung vốn đầu tư tăng năng lực (4.783 tỷ đồng), bổ sung vốn đầu tư kinh doanh khác (5.905 tỷ đồng).
SeABank lý giải, việc tiếp tục bổ sung vốn điều lệ là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của Ngân hàng.
Theo ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB, tăng vốn nhằm đảm bảo tối ưu khả năng tăng trưởng về tổng tài sản trong năm 2021 và đáp ứng các tỷ lệ an toàn trong kinh doanh của Ngân hàng.
Với BacA Bank, tăng vốn sẽ giúp Ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn, phát triển mạng lưới và bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.
HDBank chia sẻ, Ngân hàng sẽ dùng số vốn điều lệ tăng thêm trong năm nay để cho vay trung, dài hạn và bổ sung nguồn vốn lưu động.
Còn SCB sẽ ưu tiên bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh, tập trung đầu tư tài sản cố định, hiện đại hóa công nghệ thông tin và đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở các chi nhánh.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đánh giá, tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay đối với các ngân hàng là rất phù hợp. Bên cạnh việc cắt giảm chi phí, tăng vốn thông qua hình thức này có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II. Ngân hàng Nhà nước có lộ trình kiểm soát tăng trưởng tín dụng bằng hệ số CAR, thay vì giao chỉ tiêu, hạn mức như nhiều năm trước, giúp các ngân hàng linh hoạt hơn trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, áp lực tăng vốn ở nhóm ngân hàng có vốn nhà nước vẫn còn lớn khi CAR cao hơn mức quy định (8%) nhưng vẫn ở ngưỡng thấp so với toàn ngành.
Được biết, tại BIDV, CAR thời điểm 30/6/2020 là 8,97%. Sau khi đẩy mạnh tín dụng và chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 8%, CAR giảm còn hơn 8%.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, CAR ở mức thấp so với trung bình ngành sẽ ảnh hưởng đến hạn mức tăng trưởng tín dụng của BIDV trong năm 2021, do đó gây áp lực lên quá trình tăng vốn. Với kế hoạch nâng vốn điều lệ được Đại hội đồng cổ đông 2021 thông qua, BIDV vẫn sẽ phụ thuộc một phần vào vốn cấp 2 - trái phiếu dài hạn.
Với trường hợp VietinBank, ngân hàng này áp dụng CAR theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN kể từ ngày 1/1/2021 nên chưa công bố tỷ lệ CAR cụ thể. Tuy nhiên, theo tính toán của Công ty Chứng khoán Vietcombank, CAR của VietinBank theo Thông tư 41 mới chỉ đạt trên mức yêu cầu tối thiểu 8%.
Chứng khoán Rồng Việt cho biết, phần lớn thị phần tín dụng gia tăng những năm qua thuộc về các ngân hàng thương mại tư nhân, trong khi thị phần tín dụng của các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối bị thu hẹp. Cụ thể, trong 5 năm trở lại đây, các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối đã mất 1,42 điểm phần trăm thị phần tín dụng, riêng Vietcombank (CAR cuối năm 2020 đạt 10%) là một ngoại lệ, tăng 0,64 điểm phần trăm. Các ngân hàng tư nhân duy trì “bộ đệm vốn” ở mức khá chắc chắn, song tiếp tục củng cố nguồn vốn nhằm mở rộng hoạt động, phục vụ những mục tiêu kinh doanh.