Gần 860.000 người chết vì nCoV toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Toàn cầu ghi nhận hơn 25,8 triệu người nhiễm, gần 860.000 người chết do nCoV, ca nhiễm đang tăng ở nhiều nước sau thời gian ngắn dịch bệnh ổn định.
Y tá làm xét nghiệm nCoV tại một bệnh viện quân sự tại Tunisia ngày 26/8. Ảnh: AFP.

Y tá làm xét nghiệm nCoV tại một bệnh viện quân sự tại Tunisia ngày 26/8. Ảnh: AFP.

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 25.883.969 ca nhiễm và 859.927 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 269.071 và 5.891 ca sau 24 giờ, trong khi 18.168.951 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 6.255.092 ca nhiễm và 188.837 người chết, tăng lần lượt 46.217 và 1.160 ca so với một ngày trước đó.

Nhiều trường đại học tại đây bắt đầu ghi nhận số ca nhiễm nCoV cao, chỉ vài ngày sau khi học kỳ mùa thu khai giảng. Thành phố New York hoãn mở lại trường học đến 21/9 để cho các nhà trường nhiều thời gian chuẩn bị hơn.

Ít nhất 33 bang ở Mỹ từ chối thi hành hướng dẫn mới về xét nghiệm Covid-19 do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra, trong đó khuyến cáo không cần xét nghiệm với người không có triệu chứng.

Quan chức y tế công cộng tin rằng Mỹ cần xét nghiệm thường xuyên hơn, quan trọng là phải tìm ra người mang nCoV không triệu chứng để làm chậm sự lây lan và những hướng dẫn của CDC có thể tăng nguy cơ bỏ qua xét nghiệm cần thiết.

Stephen Hahn, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), hôm 30/8 tuyên bố chuẩn bị cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine Covid-19 trước khi kết thúc thử nghiệm giai đoạn ba trên hàng nghìn người.

Chuyên gia y tế Mỹ phản đối đề xuất này, nói rằng họ tuyệt đối không dung thứ hay chấp nhận cho phép sử dụng khẩn cấp bất kỳ loại vaccine Covid-19 nào mà không có dữ liệu đáng tin cậy về tính an toàn và hiệu quả từ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba.

Tại Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, số ca tử vong tăng lên 122.596 sau khi ghi nhận thêm 1.081 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 40.030 trong 24 giờ qua, lên 3.950.931.

Joao Doria, thống đốc bang Sao Paulo, nơi đang thử nghiệm vaccine tiềm năng của Trung Quốc, cho biết bang này sẽ tiêm chủng cho người dân ngay cả khi chính phủ liên bang từ chối giúp đỡ.

Mối quan hệ giữa Doria và Tổng thống Jair Bolsonaro căng thẳng trong những tháng gần đây về cách xử lý đại dịch ở Brazil. Tổng thống đổ lỗi cho Doria "giết" nền kinh tế trong khi Thống đốc cáo buộc Bolsonaro lơ là trách nhiệm.

Bất chấp nhiều ý kiến chỉ trích về cách ứng phó Covid-19, Tổng thống Jair Bolsonaro bất ngờ nhận được sự ủng hộ cao kỷ lục kể từ đầu nhiệm kỳ. Bolsonaro luôn xem nhẹ Covid-19 và bác lời khuyên của giới khoa học, cho rằng phải nhanh chóng mở cửa lại nền kinh tế.

Mexico, vùng dịch lớn khác tại Mỹ Latinh, báo cáo 599.560 ca nhiễm và 64.414 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 3.719 và 256 trường hợp.

Chính phủ Mexico hôm 19/8 cho biết có dấu hiệu cho thấy nước này đã đạt đỉnh dịch khi số ca nhiễm và tử vong do nCoV liên tục giảm, nhưng thừa nhận số liệu trên thực tế có khả năng cao hơn đáng kể. Giới chức xác nhận thêm rằng Mexico có kế hoạch tham gia thử nghiệm lâm sàng một loại vaccine Covid-19 của Italy.

Nam Phi, vùng dịch lớn thứ năm thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 628.259 ca nhiễm và 14.263 ca tử vong, tăng lần lượt 1.218 và 114 ca.

Giám đốc khu vực châu Phi của WHO Matshidiso Moeti hôm 26/8 cho biết châu lục này "dường như đã qua đỉnh dịch" với số ca nhiễm mới giảm dần. Chính phủ Nam Phi đã dần nới lỏng hạn chế để cho phép hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cho biết nỗi lo lắng lớn nhất của họ là có thể xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai. Tổng thống Cyril Ramaphosa cũng cảnh báo ca nhiễm có thể gia tăng trở lại nếu người dân lơ là cảnh giác.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 123 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 17.299. Số ca nhiễm tăng thêm 4.729, lên 1.000.048. Tình hình dịch bệnh tại Nga dường như đã được kiểm soát khi các số liệu có xu hướng giảm dần. Việc tiêm chủng hàng loạt vaccine Sputnik V cho nhóm dân số có nguy cơ nhiễm nCoV cao sẽ bắt đầu vào tháng 11-12.

Nga hôm 31/8 bắt đầu dỡ bỏ hạn chế ngăn dịch ở phần lớn các khu vực của đất nước khi hàng triệu học sinh nước này bước vào năm học mới giữa đại dịch. Website thông tin về chống Covid-19 của chính phủ tuần này cho hay học sinh sẽ không bị bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp học, nhà ăn hoặc giờ nghỉ trưa, song sẽ được kiểm tra thân nhiệt khi tới trường.

Tại tâm dịch của Nga, Moskva, giáo viên và học sinh bắt buộc phải đeo khẩu trang. Giới chức cho biết tất cả nhân viên trường học ở thủ đô đã được xét nghiệm nCoV.

Tây Ban Nha, vùng dịch lớn nhất châu Âu, ghi nhận ca nhiễm tăng trở lại sau một quãng thời gian kiềm chế được dịch. Nước này báo cáo 470.973 ca nhiễm và 29.152 ca tử vong, tăng lần lượt 8.115 và 58 ca.

Tây Ban Nha yêu cầu trẻ từ 6 tuổi trở lên đeo khẩu trang tại các trường học. Học sinh phải duy trì khoảng cách 1,5 m với nhau, chỉ được giao tiếp với bạn cùng lớp và phải rửa tay ít nhất 5 lần một ngày.

Thủ đô Madrid đóng cửa các hồ bơi công cộng từ ngày 1/9 và các công viên sẽ đóng cửa vào ban đêm.

Pháp ghi nhận 4.982 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 286.007. Số người chết là 30.661, tăng thêm 26 ca. Ca nhiễm ở Pháp cũng tăng trở lại nhưng chủ yếu tập trung ở người trẻ, có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, nên không tạo ra áp lực mới với hệ thống bệnh viện.

Hơn 12 triệu trẻ em Pháp trở lại trường học vào ngày 1/9. Trẻ em trên 11 tuổi phải đeo khẩu trang trong lớp. Người lớn cũng phải đeo khẩu trang mọi lúc tại nơi làm việc, cả trong văn phòng và nhà máy.

Iran báo cáo 21.672 người chết sau khi ghi nhận thêm 101 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm tăng thêm 1.682, lên tổng cộng 376.894 ca. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV tại Iran có xu hướng tăng trở lại từ cuối tháng 6.

Chính quyền đã ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở những không gian công cộng kín, các tỉnh cũng được trao quyền để cân nhắc tái áp đặt các biện pháp giới hạn và phong tỏa.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới và lớn nhất châu Á, báo cáo thêm 78.169 ca nhiễm và 1.025 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 3.766.108 và 66.460.

Nhà dịch tễ học Giridhar Babu tại Tổ chức Y tế Cộng đồng, một tổ chức phi chính phủ của Ấn Độ, cho rằng sẽ không bất ngờ nếu số liệu của nước này vượt qua cả Brazil và Mỹ, nhưng cũng nhấn mạnh dân số Ấn Độ đông hơn hai nước trên.

Mặc dù ca nhiễm đang tăng mạnh, chính phủ Thủ tướng Narendra Modi thể hiện lạc quan bằng cách chỉ ra tỷ lệ hồi phục cao tại Ấn Độ, với khoảng 75% tổng số ca nhiễm đã bình phục. New Delhi đang thảo luận với Moskva về vaccine Sputnik V.

Ấn Độ gần đây nới lỏng nhiều hạn chế hơn để giảm bớt áp lực kinh tế và sẽ cho phép tàu điện ngầm ở khu vực đô thị hoạt động trở lại từ ngày 7/9.

Tại thành phố Bengaluru ở miền nam đất nước, hàng nghìn quán rượu được phép phục vụ rượu cho khách hàng từ 1/9 sau khoảng gần 6 tháng hoạt động này bị cấm. Họ vẫn phải đảm bảo quy định về giãn cách xã hội và chỉ được hoạt động với 50% công suất.

Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 224.264 ca nhiễm và 3.597 ca tử vong, tăng lần lượt 3.483 và 39 ca.

Philippines giữ một số hạn chế trong và xung quanh thủ đô cho đến cuối tháng 9 để kiềm chế ca nhiễm gia tăng. Tổng thống Rodrigo Duterte kêu gọi công chúng tuân thủ những biện pháp giữ an toàn.

Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 177.571 ca nhiễm, tăng 2.775 trường hợp so với hôm trước, trong đó 7.505 người chết, tăng 88 ca.

Giới chức ở Tây Java đang cố gắng kiềm chế cụm dịch tại ba nhà máy, có thể do công nhân không tuân thủ các biện pháp y tế.

Thủ đô Jakarta từ 27/8 gia hạn hạn chế xã hội thêm hai tuần, các nhà hàng và nơi thờ phượng phải tiếp tục hoạt động với công suất hạn chế.

Tổng thống Joko Widodo hôm 1/9 nói dịch ở Indonesia nhiều khả năng đạt đỉnh vào tháng này, đồng thời cho biết ông "rất tự tin" về khả năng tiếp cận vắc xin an toàn và hiệu quả vào cuối năm nay.

Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 56.852 người nhiễm, tăng 40 ca, trong đó 27 người chết. Số ca nhiễm nCoV tại quốc đảo từng tăng mạnh do đợt bùng phát lớn trong các ký túc xá cho người lao động nhập cư, nhưng gần đây con số đã giảm đều.

Trước cuộc suy thoái kinh tế sâu chưa từng thấy tại Singapore, chính phủ nước này quyết định mở cửa lại biên giới từ tháng này với một số nước cụ thể, bao gồm New Zealand, Brunei nhằm kích thích nền kinh tế vốn phụ thuộc và du lịch và thương mại.

Maria Van Kerkhove, chuyên gia dịch bệnh của WHO, khuyến cáo các nước xét nghiệm cả những người tiếp xúc gần với người nhiễm nCoV ngay cả khi họ không có triệu chứng, nếu nguồn lực cho phép.

Bình luận được đưa ra sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) gây bất ngờ cho rằng những người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 nhưng không có triệu chứng có thể không cần xét nghiệm. Thông tin này khiến nhiều người cáo buộc những quyết định của CDC đang bị thúc đẩy bởi các mục đích chính trị.

Tin bài liên quan