Gần 287.000 người chết do nCoV toàn cầu

Thế giới ghi nhận gần 287.000 người chết do nCoV trong tổng số hơn 4,2 triệu ca nhiễm, nhiều nước nới lỏng hạn chế do tình hình được cải thiện.
Nhân viên y tế chuẩn bị đưa bệnh nhân Covid-19 lên xe cứu thương ở Oklahoma, Mỹ, tháng trước. Ảnh: Reuters.

Nhân viên y tế chuẩn bị đưa bệnh nhân Covid-19 lên xe cứu thương ở Oklahoma, Mỹ, tháng trước. Ảnh: Reuters.

212 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận 4.246.795 ca nhiễm và 286.740 ca tử vong, tăng lần lượt 72.044 và 3.129 so với hôm qua, trong khi 1.522.034 người đã hồi phục, theo thống kê của Worldometer.

Mỹ hiện ghi nhận 1.384.033 người nhiễm nCoV, tăng 18.501 ca trong 24 giờ qua. Số người chết do nCoV ở nước này cũng tăng thêm 971 trường hợp lên 81.703, đánh dấu mức tăng trở lại sau khi Mỹ chỉ báo cáo 728 ca tử vong vào hôm qua.

Số người hồi phục tại vùng dịch lớn nhất thế giới là 260.355.

Hàng loạt quan chức Mỹ gồm Giám đốc CDC Robert Redfield, ủy viên FDA Stephen Hahn và cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci thông báo tự cách ly để đảm bảo không lây nhiễm nCoV sau khi phát ngôn viên của Phó tổng thống Mike Pence và một lính cần vụ Nhà Trắng dương tính với nCoV.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ khả năng lây lan virus trong Nhà Trắng, nhưng cho biết ông hạn chế tiếp xúc với Pence.

Tây Ban Nha, vùng dịch lớn nhất châu Âu, ghi nhận thêm 123 người chết do nCoV, nâng tổng số lên 26.744. Số ca nhiễm tăng 3.480, lên 266.143.

Nhiều cơ sở kinh doanh tại Tây Ban Nha đã nối lại hoạt động khi chính quyền tiếp tục nới lỏng hạn chế với khoảng một nửa dân số.

Quán bar, nhà hàng và cơ sở tôn giáo ở một số khu vực được mở cửa trở lại, trong khi người dân cũng được phép tụ tập bạn bè và người thân với quy mô dưới 10 người.

Ca nhiễm và tử vong do nCoV ở Anh lần lượt là 223.060 và 32.065 sau khi báo cáo thêm lần lượt 3.877 và 210 ca. Anh là vùng dịch thứ ba thế giới và là nước ghi nhận số người chết cao nhất châu Âu.

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 10/5 công bố kế hoạch nới lỏng theo từng giai đoạn sau hơn 6 tuần sống dưới lệnh phong tỏa.

Bắt đầu từ tuần này, chính phủ Anh sẽ "tích cực khuyến khích" mọi người quay trở lại làm việc nếu công việc của họ không thể làm từ xa, như ngành sản xuất hoặc xây dựng.

Người dân cũng được phép tập thể dục ngoài trời không giới hạn từ ngày 13/5. Họ có thể tham gia các môn thể thao nhiều người như đánh golf, tennis và câu cá, miễn là những người đi cùng đều là thành viên trong một gia đình.

Nga ghi nhận 11.656 ca nhiễm nCoV mới, nâng tổng số người nhiễm lên hơn 221.000, trong đó 2.009 người đã tử vong.

Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua tại Nga vượt mức kỷ lục 11.231 ca hôm 7/5, đánh dấu ngày thứ 9 liên tiếp tăng trên 10.000 ca mỗi ngày.

Cơ quan y tế Nga thực hiện hơn 5,6 triệu lượt xét nghiệm nCoV và đang theo dõi khoảng 247.000 người.

Nước này đã chuẩn bị khuyến nghị nới các biện pháp hạn chế theo ba giai đoạn. Giai đoạn đầu cho phép mở cửa trở lại các dịch vụ cùng hoạt động thương mại khác nhau trong khu vực hạn chế và phải tuân thủ biện pháp cách biệt cộng đồng.

Giai đoạn tiếp theo cho phép dịch vụ và thương mại hoạt động trở lại ở khu vực lớn hơn với số khách hàng hạn chế. Giai đoạn cuối cùng cho phép tất cả các doanh nghiệp mở cửa trở lại.

Italy ghi nhận thêm 744 ca nhiễm và 179 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 219.814 và 30.739.

Italy dần nới lệnh phong tỏa được áp đặt từ hồi tháng ba để ngăn Covid-19. Người dân được phép đi lại trong vùng để thăm người thân, nhưng phải đeo khẩu trang. Trường học và nhiều hoạt động kinh doanh khác vẫn đóng cửa. Các hoạt động tôn giáo và đám cưới chưa được khôi phục.

Iran hôm nay mở cửa trở lại tạm thời toàn bộ nhà thờ Hồi giáo. Cuối tuần trước, các buổi cầu nguyện đã được nối lại tại 180 thành phố và thị trấn được coi là có nguy cơ lây nhiễm thấp sau hai tháng bị đình chỉ.

Pháp xác nhận thêm 453 ca nhiễm và 263 ca tử vong, tăng mạnh so với những ngày trước đó, nâng tổng số lên lần lượt 177.423 và 26.643. Pháp hom 10/5 ghi nhận ca tử vong thấp nhất từ ngày 17/3 với chỉ 70 trường hợp.

Pháp nới lệnh phong tỏa toàn quốc đã kéo dài gần 8 tuần từ 11/5. Hàng trăm người đổ về các bờ sông và kênh chính ở Paris để tận hưởng ngày mùa xuân đầy nắng.

Bộ trưởng Nội vụ Barshe Castaner không hài lòng, chỉ trích "hành vi vô trách nhiệm" và ra lệnh cho chính quyền thủ đô cấm rượu ở những khu vực đó.

Quan chức phụ trách việc nới lỏng hạn chế Jean Castex cảnh báo lệnh phong tỏa có thể được xem xét lại nếu số ca nhiễm tăng trở lại.

Đức ghi nhận thêm 697 ca nhiễm, nâng tổng số lên 172.576, trong đó 7.661 người chết, tăng 92 ca. Tỷ lệ tử vong tại nước này thấp hơn nhiều so với các vùng dịch khác trong khu vực cũng như toàn cầu.

Chính phủ đã nới nhiều biện pháp hạn chế, cho phép các cửa hàng hoạt động trở lại, miễn là tuân thủ quy định vệ sinh và giãn cách.

Người dân vẫn phải đeo khẩu trang khi di chuyển bằng phương tiện công cộng. Giải bóng đá Bundesliga sẽ trở lại vào ngày 15/5. Trường học tất cả các cấp cũng dần tái mở cửa.

Tại khu vực Mỹ Latinh, Brazil vẫn là vùng dịch lớn nhất với 166.162 ca nhiễm và 11.343 ca tử vong, tăng lần lượt 3.463 và 220 trường hợp.

Giới chuyên gia tin rằng số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn 12-15 lần so với số liệu được công bố, khi nhiều trường hợp nhiễm nCoV không được phát hiện vì năng lực xét nghiệm của quốc gia 210 triệu dân này còn rất hạn chế.

Tòa án Tối cao Brazil gần đây ra phán quyết rằng chính quyền bang và địa phương có quyền tự xác định các biện pháp hạn chế xã hội cần thiết để ngăn Covid-19. Phán quyết này đi ngược lại mong muốn của Tổng thống Jair Bolsonaro, người luôn thúc đẩy các bang dỡ bỏ lệnh hạn chế.

Mexico báo cáo 1.562 ca nhiễm và 112 ca tử vong, tăng lần lượt 35.022 và 3.465. Số ca nhiễm và tử vong thực tế có thể cao hơn nhiều so với thống kê.

Tại Trung Đông, Iran báo cáo thêm 1.683 ca nhiễm và 45 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 109.286 và 6.685.

Arab Saudi ghi nhận thêm 1.966 ca nhiễm và 9 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 41.014 và 255.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo 690 ca nhiễm mới và thêm 3 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 18.878 và 201.

Trung Quốc và Hàn Quốc chưa công bố số liệu mới. Sự bùng phát các cụm dịch trong bối cảnh hai nước dần dỡ bỏ hạn chế và trở lại cuộc sống bình thường làm tăng lo ngại rủi ro do Covid-19 vẫn tồn tại mọi lúc.

Các nước Đông Nam Á ghi nhận thêm 1.087 người nhiễm và 26 người chết do nCoV, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 59.748 và 1.909. Singapore vẫn là vùng dịch lớn nhất khu vực, trong khi Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.

Tin bài liên quan