Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm từ người dân ở thành phố Amritsar, Ấn Độ, hôm 24/8. Ảnh: AFP.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm từ người dân ở thành phố Amritsar, Ấn Độ, hôm 24/8. Ảnh: AFP.

Gần 24 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Thế giới ghi nhận gần 24 triệu người nhiễm, gần 816.000 người chết do nCoV, nhiều nước từng chống dịch hiệu quả đang đối phó làn sóng Covid-19 lần hai.

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 23.778.018 ca nhiễm và 815.933 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 202.450 và 3.815 ca sau 24 giờ, trong khi 16.322.389 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 5.913.146 ca nhiễm và 181.059 người chết, tăng lần lượt 40.615 và 489 ca so với một ngày trước đó. Bác sĩ Nhà Trắng Brett Giroir cho biết ca nCoV đang giảm trên toàn quốc trong tuần này, có thể một phần nhờ biện pháp đeo khẩu trang và cách biệt cộng đồng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo nhiều vùng dịch lớn tại Mỹ có nguy cơ tăng các ca nhiễm mới trở lại từ mùa thu, khi các trường học mở cửa và thời tiết lạnh giá khiến mọi người tụ tập trong nhà nhiều hơn.

Theo cuộc thăm dò được đài CBS News của Mỹ tiến hành với 2.226 cử tri ngày 19-21/8 và công bố hôm 23/8, có đến 57% thành viên đảng Cộng hòa được hỏi cho rằng số người chết vì nCoV tại nước này là "chấp nhận được", trong khi 43% còn lại cho rằng điều này là "không thể chấp nhận".

Chỉ có 10% thành viên đảng Dân chủ được hỏi cho rằng số liệu hiện nay có thể chấp nhận được, trong khi 33% cử tri độc lập có cùng quan điểm.

Tại Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ca tử vong tăng lên 115.309 sau khi ghi nhận thêm 537 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 17.078 trong 24 giờ qua, lên 3.662.861.

Cơ quan quản lý y tế Brazil tuần qua phê duyệt thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn ba với loại vaccine Covid-19 thứ tư, được phát triển bởi công ty dược phẩm Mỹ Johnson & Johnson. Vaccine sẽ được thử nghiệm trên 7.000 tình nguyện viên đến từ 7 bang của Brazil.

Bang Parana của Brazil trước đó ký bản thỏa thuận để thử nghiệm và sản xuất vaccine Sputnik V của Ng.. Các nhà nghiên cứu cần thử nghiệm vaccine Covid-19 tại những quốc gia là vùng dịch đủ lớn để đánh giá chính xác hiệu quả và Brazil chính là một trong những lựa chọn lý tưởng nhất.

Mike Ryan, phụ trách mảng phản ứng khẩn cấp của WHO, hôm 21/8 nhận định số ca nhiễm hàng tuần ở Brazil đã ổn định, tốc độ lây lan đang chậm lại và các khoa chăm sóc tích cực chịu ít áp lực hơn.

Mexico, vùng dịch lớn tại Mỹ Latinh, báo cáo 560.164 ca nhiễm và 60.480 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 3.948 và 226 trường hợp. Chính phủ Mexico hôm 19/8 cho biết có dấu hiệu cho thấy nước này đã đạt đỉnh dịch và các ca nhiễm, tử vong do nCoV đang liên tục giảm.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng mức độ xét nghiệm thấp khiến khó có thể đánh giá tình hình ở Mexico, một trong những vùng dịch chết chóc nhất toàn cầu.

Chile ghi nhận 399.568 ca nhiễm và 10.916 ca tử vong, tăng lần lượt 1.903 và 64 trường hợp so với hôm trước. Chile dỡ phong tỏa trung tâm thủ đô từ 17/8, sau khi đã dỡ phong tỏa ở các khu vực ngoại ô phía đông và phía nam hai tuần trước.

Thị trưởng Santiago Felipe Alessandri khuyến cáo người dân vẫn nên ở trong nhà, đeo khẩu trang ở nơi công cộng và thường xuyên rửa tay.

Nam Phi, vùng dịch thứ năm thế giới, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi với 611.450 ca nhiễm và 13.159 ca tử vong, tăng lần lượt 1.677 và 100 ca. Covid-19 khiến nền kinh tế của Nam Phi ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là ngành công nghiệp bán lẻ khi phải chịu tác động từ các cửa hàng ngừng hoạt động và sức mua giảm mạnh.

Chính phủ Nam Phi đã dần nới lỏng hạn chế để cho phép hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế mở cửa trở lại. Tuy nhiên, Tổng thống Cyril Ramaphosa cảnh báo ca nhiễm có thể gia tăng trở lại nếu người dân lơ là cảnh giác.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 65 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 16.448. Số ca nhiễm tăng thêm 4.744, lên 961.493. Tình hình dịch bệnh tại Nga dường như đã được kiểm soát, khi các số liệu có xu hướng giảm dần.

Nga tuần này bắt đầu đợt thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn nhằm đánh giá an toàn và hiệu quả của vaccine Sputnik V, với sự tham gia của 40.000 tình nguyện viên thuộc nhiều nhóm có nguy cơ khác nhau tại hơn 45 trung tâm y tế.

Pháp ghi nhận 1.955 ca nhiễm mới, giảm đáng kể so với một ngày trước đó, nâng tổng số ca nhiễm lên 244.854. Số người chết hiện là 30.528, tăng 15 trường hợp so với hôm qua.

Các cụm dịch mới chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết người dân không duy trì các biện pháp giãn cách và không đeo khẩu trang nơi công cộng đã khiến ca nhiễm mới tăng trở lại. Ông cảnh báo việc dần nới lỏng biện pháp hạn chế từ ngày 11/5 đã gây ra cảm giác "tự tin quá mức".

Thành phố Paris và Marseille hiện bị chính quyền Pháp liệt vào danh sách đỏ, có nguy cơ lây nhiễm cao. Anh cũng tái áp đặt yêu cầu cách ly hai tuần với những du khách đến từ Pháp từ hôm 15/8.

Iran báo cáo 20.776 người chết sau khi ghi nhận thêm 133 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm tăng thêm 2.245, lên tổng cộng 361.150 ca. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV tại Iran có xu hướng tăng trở lại từ cuối tháng 6.

Chính quyền đã ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở những không gian công cộng kín, các tỉnh cũng được trao quyền để cân nhắc tái áp đặt các biện pháp giới hạn và phong tỏa.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới và lớn nhất châu Á, báo cáo thêm 59.696 ca nhiễm và 854 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 3.161.881 và 58.546. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo tình hình dịch ở nước này còn nghiêm trọng hơn nhiều so với báo cáo.

Các bang và thành phố Ấn Độ, bao gồm cả Haryana và Punjab, nơi các ca nhiễm nCoV đột biến trong những tuần gần đây, đã phải tái áp đặt biện pháp hạn chế để ngăn Covid-19.

Các nhà dịch tễ học cảnh báo dịch bệnh ở Ấn Độ có thể phải vài tháng nữa mới chạm đỉnh khi số ca nhiễm ngày càng lan rộng tới những thị trấn nhỏ và khu vực nông thôn. Điều này sẽ gây thêm căng thẳng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã quá tải tại quốc gia này.

Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 194.252 ca nhiễm và 3.010 ca tử vong, tăng lần lượt 4.686 và 13 ca. Giới chức nước này đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang và tấm chắn tại nơi làm việc sau khi phát hiện cụm dịch tại một căng tin cơ quan.

Philippines quyết định hoãn ngày khai giảng thêm 6 tuần tới tháng 10 khi số ca nhiễm tăng nhanh và dự định chuyển đổi nhiều lớp học thành cơ sở cách ly. Học sinh nước này sẽ "học kết hợp" giữa trực tuyến, học trên truyền hình và đài phát thanh.

Philippines tuyên bố sẽ thử nghiệm lâm sàng vaccine Nga vào tháng 10 và Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ được tiêm vào tháng 5 năm sau. Duterte từng tuyên bố tình nguyện tiêm vaccine do Nga sản xuất để thể hiện sự tin tưởng và biết ơn.

Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 155.412 ca nhiễm, tăng 1.877 trường hợp so với hôm trước, trong đó 6.759 người chết, tăng 79 ca.

Thủ đô Jakarta kéo dài các biện pháp hạn chế đến ngày 27/8, yêu cầu nhà hàng, nơi thờ tự và giao thông công cộng hoạt động với công suất hạn chế. Giới chức thủ đô cũng thử nghiệm chiến thuật trưng quan tài rỗng trên đường phố để cảnh báo nguy hiểm của Covid-19.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết đã đặt 40 triệu liều vaccine từ công ty Trung Quốc Sinovac. Lô vaccine có tên CoronaVac sẽ được cung cấp cho chính phủ Indonesia từ tháng 11/2020 tới tháng 3/2021.

Bộ trưởng Nghiên cứu Indonesia Bambang Brodjonegoro cho biết thêm nước này đang phát triển vaccine của riêng mình, được gọi là vaccine "đỏ và trắng" theo màu quốc kỳ.

Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 56.404 người nhiễm, tăng 51 ca, trong đó 27 người đã chết. Singapore hai tuần trước hoàn tất xét nghiệm lao động nhập cư sống trong ký túc xá. Các biện pháp hạn chế dần được dỡ bỏ để phục hồi kinh doanh và kích thích kinh tế.

Singapore sẽ mở biên cho người đi từ New Zealand và Brunei từ 1/9, đánh dấu những bước nới lỏng đầu tiên sau khi đóng biên từ hồi tháng ba.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết đã có 172 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia sáng kiến "COVAX" để bảo đảm quyền tiếp cận công bằng với vaccine Covid-19 trên toàn cầu, kêu gọi các nước tham gia và đóng góp ngân sách.

COVAX đặt mục tiêu cung ứng tối thiểu hai tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021 cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

"COVAX không chỉ giúp kết thúc đại dịch và chia sẻ nguy cơ với các nước đang phát triển, mà còn bảo đảm giá vaccine được duy trì ở mức thấp nhất có thể. Thành công của COVAX phụ thuộc vào những nước giúp lấp khoảng trống then chốt trong ngân sách", ông Tedros nói.

Tin bài liên quan