Gần 205 nghìn hộ dân tại 5 đảo đã được cấp điện trong 5 năm qua

Gần 205 nghìn hộ dân tại 5 đảo đã được cấp điện trong 5 năm qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Để hoàn thành Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo, cần có các giải pháp chính sách nhằm duy động vốn xã hội hóa bổ sung nguồn vốn đầu tư cho chương trình, trong đó tập trung vào vùng có tiềm năng phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo

Đây là vấn đề đặt ra tại Hội nghị Tổng kết Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Công thương tổ chức sáng nay 14/1.

Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực, giai đoạn 2016 - 2020, huy động vốn ngân sách trung ương cho Chương trình là 4.743 tỷ đồng cùng với vốn đối ứng của các chủ đầu tư.

Chương trình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như cấp điện cho 17/17 xã đạt 100%; số hộ dân được cấp điện là 204.737 hộ dân, cấp điện cho 5 đảo (Đảo Lý Sơn; Bạch Long Vỹ; Nhơn Châu; Cù Lao Chàm; đảo Trần và Cái Chiên).

Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020

Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020

Giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình sẽ triển khai cấp điện cho khoảng 871.263 hộ dân (trong đó, khoảng 153.911 hộ dân, chiếm tỷ lệ 0,74% chưa có điện; 717.352 hộ dân có điện nhưng cấp điện không ổn định, liên tục) của 6.811 thôn bản trên địa bàn 2.197 xã; cấp điện 2.638 trạm bơm quy mô vừa và nhỏ tại 13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long kết hợp cấp điện cho nhân dân.

Bên cạnh đó, đề xuất bổ sung cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện năng lượng tái tạo cho các đảo còn lại: Đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị; Thổ Chu, An Sơn và Nam Du tỉnh Kiên Giang; Các thôn đảo: Ninh Tân, Ninh Đảo, Điệp Sơn, Bích Đầm tỉnh Khánh Hòa; cấp điện lưới cho Côn Đảo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An lưu ý trong những năm tới cần một lượng đầu tư đáng kể vào việc cải tạo lưới điện phân phối hiện có để giảm tổn thất điện năng, nâng cao khả năng cung cấp điện của các trạm biến áp 110 kV, lưới điện trung thế, hạ thế các khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo.

Đặc biệt là lưới điện hạ thế nông thôn trước đây đầu tư tạm thời, chắp vá, không đảm bảo an toàn, các hệ thống này cần phải được cải tạo đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao đối với hoạt động sinh hoạt và sản xuất khu vực nông thôn.

Để đảm bảo việc tiếp tục và tăng cường đầu tư vào lưới điện phân phối hiện có không chỉ mong đợi vào các hoạt động của Chương trình mà đòi hỏi cố gắng, nỗ lực của EVN trong việc huy động các nguồn lực tài chính khác để nâng cấp, cải tạo lưới điện, trong đó có việc mở rộng xã hội hóa để huy động các nguồn lực và vốn xã hội đầu tư thực hiện chương trình.

Cụ thể, theo Bộ Công thương, nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2025 là 25.884 tỷ đồng. Trong đó, cơ chế huy động vốn đầu tư thực hiện phân bổ theo hưởng ngân sách nhà nước cấp đối đa 85% tổng vốn đầu tư, các địa phương và các đơn vị thuộc EVN tự thu xếp tối thiểu 15% tổng vốn đầu tư.

Đối với việc huy động vốn xã hội hóa bổ sung chương trình, tăng cường huy động các nguồn vốn xã hội hóa bằng cơ chế chính sách, ưu đãi đầu tư nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ, thực hiện đồng thời cấp điện cho người dân và bán điện dư thừa vào lưới điện quốc gia. Đặc biệt ưu tiên thực hiện cơ chế xã hội hóa đầu tư cấp điện cho các thôn bản thuộc chương trình tại các vùng có tiềm năng huy động phát triển nguồn năng lượng tái tạo, có khả năng xã hội hóa cao việc cấp điện cho người dân.

Điện khí hóa nông thôn là một trong những thành tựu quan trọng, nổi bật của Việt Nam từ ngày đất nước thống nhất với tỷ lệ các hộ gia đình có điện tăng từ 2,5% vào năm 1975 lên tới 96% vào năm 2009 và 99,53% vào năm 2019 (bao gồm cả thành thị và nông thôn).

Việt Nam đã thành công trong việc cung cấp điện cho hơn 17 triệu hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tại khu vực nông thôn, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện tính đến 31/12/2019 đạt 99,26%; chỉ còn khoảng 0,74% số hộ dân nông thôn chưa được tiếp cận điện.

Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo của Việt Nam không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội bền vững cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, tạo nên tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Giai đoạn từ năm 2013, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020, sau đó là Quyết định số 1740/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020 có thể được xem là chặng đường cuối cùng cho Chương trình điện khí hóa nông thôn của Việt Nam.

Quyết định số 1740/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu cấp từ lưới điện quốc gia cho 17 xã chưa có điện; cấp điện khoảng 1.055.000 hộ dân trên địa bàn 9.890 thôn, bản.

Quyết định có điều chỉnh một số mục tiêu so với Quyết định số 2081/QĐ-TTg như cung cấp điện cho các trạm bơm tưới quy mô vừa và nhỏ khu vực đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh/thành phố), cấp điện từ nguồn điện năng lượng tái tạo khoảng 21.000 hộ dân và tăng cường cấp điện cho 2 huyện đảo và 3 xã đảo.

Tin bài liên quan