Gần 160.000 người chết vì nCoV toàn cầu

Thế giới ghi nhận gần 160.000 ca nhiễm nCoV trong tổng số hơn 2,3 triệu ca nhiễm, phần lớn ở Mỹ và các nước châu Âu.
Nhân viên cấp cứu đưa một bệnh nhân khỏi xe cứu thương tại Trung tâm y tế Cobble Hill ở quận Brooklyn, thành phố New York, hôm 18/4. Ảnh: AFP.

Nhân viên cấp cứu đưa một bệnh nhân khỏi xe cứu thương tại Trung tâm y tế Cobble Hill ở quận Brooklyn, thành phố New York, hôm 18/4. Ảnh: AFP.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới ghi nhận 2.317.759 ca nhiễm nCoV tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó 159.691 người đã tử vong và 592.319 người đã hồi phục.       

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 732.197 ca nhiễm, 38.721 ca tử vong do nCoV và 64.697 người đã hồi phục.       

New York, tâm dịch Covid-9 ở Mỹ, báo cáo 222.284 ca nhiễm và 14.636 ca tử vong. Thống đốc Andrew Cuomo hôm 18/4 thông báo bang ghi nhận ca tử vong mới thấp nhất trong hai tuần qua với 540 trường hợp.

Cuomo cho rằng dịch bệnh ở bang đã qua đỉnh, song vẫn gia hạn yêu cầu người dân ở nhà đến ngày 15/5.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/4 công bố hướng dẫn tái khởi động nền kinh tế sau Covid-19, vạch ra quá trình mở cửa lại nước Mỹ gồm ba giai đoạn.

Hướng dẫn không đề xuất ngày mở cửa cụ thể. Thay vào đó, kế hoạch này khuyến khích các bang tự dựa vào dữ liệu riêng để ra quyết định.      

Một số người ở Minnesota, Michigan, Ohio, Bắc Carolina, Virginia và các bang khác vài ngày qua biểu tình phản đối kéo dài lệnh yêu cầu công chúng ở nhà.

Trump bày tỏ sự ủng hộ với người biểu tình, cho rằng nên mở cửa trở lại ở các bang dịch bệnh không quá nghiêm trọng.

Vùng dịch lớn thứ hai thế giới Tây Ban Nha ghi nhận thêm 887 ca nhiễm và 637 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 191.726 và 20.639. Số ca nhiễm và tử vong hàng ngày giảm rõ rệt, trong khi người hồi phục tăng lên gần 75.000 người.

Tuy nhiên, Thủ tướng Pedro Sanchez hôm qua quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến ngày 9/5, vài giờ sau khi số người chết tại nước này vượt 20.000.

Những hạn chế hiện tại sẽ được nới lỏng một chút để cho phép trẻ em được ra ngoài từ ngày 27/4. Hiện mới chỉ người lớn tuổi được rời khỏi nhà để đi làm, mua thực phẩm, đi khám bệnh hoặc mua thuốc.

Italy báo cáo 3.491 ca nhiễm mới, gần tương đương mức 3.493 ca hôm qua, nâng số người nhiễm lên 175.925. Nước này ghi nhận thêm 482 ca tử vong, thấp hơn so với 575 hôm qua, nâng tổng số người chết lên 23.227.

Italy gia hạn phong tỏa toàn quốc đến 3/5, nhưng cho phép một số ngành sản xuất và loại cửa hàng mở lại vào ngày 14/4, gồm hiệu sách, tiệm giặt là, cửa hàng văn phòng phẩm, cửa hàng quần áo trẻ em.

Chính quyền cũng tuyên bố chiến thắng Covid-19 ở các khu vực miền nam, trong khi các lãnh đạo của trung tâm công nghiệp ở miền bắc đang hối thúc Thủ tướng Conte cho phép mở cửa trở lại càng nhiều doanh nghiệp và ngành công nghiệp càng tốt vào đầu tháng 5.

Quy mô mở cửa kinh doanh sẽ được xác định bởi số người chết và phục hồi trong những ngày tới.    

Pháp ghi nhận thêm 3.824 ca nhiễm và 642 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 151.793 và 19.323. Số bệnh nhân điều trị trong bệnh viện giảm 551 ca, xuống còn 30.639.

Bệnh nhân trong phòng chăm sóc tích cực giảm thêm 191, xuống còn 5.833. Đây là ngày thứ tư liên tiếp Pháp ghi nhận ca điều trị giảm và ngày thứ mười liên tiếp số bệnh nhân trong phòng chăm sóc tích cực giảm.

Pháp đã bị phong tỏa từ ngày 17/3 nhằm ngăn chặn virus lan rộng. Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố trong tuần này rằng lệnh phong tỏa có thể bắt đầu được nới lỏng từ ngày 11/5.

Các trường học có thể dần mở cửa trở lại, nhưng các quán cà phê, rạp chiếu phim và địa điểm văn hóa sẽ vẫn đóng cửa.

Đức báo cáo thêm 1.945 ca nhiễm và 107 ca tử vong, thấp hơn so với lần lượt 4.326 và 274 ca hôm qua. Đức hiện ghi nhận 143.342 ca nhiễm và 4.459 ca tử vong.

Bộ trưởng Y tế Jens Spahn nói rằng số ca nhiễm mới ở Đức "đã giảm đáng kể" và ổ dịch đang "được kiểm soát".

Đức hôm 17/4 tuyên bố việc phong tỏa một tháng đã giúp kiểm soát được đại dịch và có kế hoạch sản xuất 50 triệu khẩu trang mỗi tuần từ tháng 8 để đảm bảo kiểm soát dịch khi nới lỏng các hạn chế.

Các cửa hàng nhỏ hơn sẽ được phép mở cửa trở lại từ 20/4 và một số trẻ em có thể sớm trở lại trường trong vòng vài tuần, ngay cả khi các nước châu Âu như Pháp, Anh kéo dài hạn chế.

Anh báo cáo thêm 5.525 ca nhiễm và 888 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên 114.217 và 15.464.

Thống kê ca tử vong tại Anh chỉ tính những trường hợp chết trong bệnh viện. Số liệu thực tế có thể cao hơn nhiều vì nhiều người chết tại nhà và viện dưỡng lão.

Giáo sư Anthony Costello tại viện Sức khỏe Toàn cầu UCL, London, cảnh báo chính phủ đã ứng phó với Covid-19 quá chậm chạp và hơn 40.000 người nước này có thể chết do nCoV. 

Chính phủ Anh hôm 16/4 kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc thêm ít nhất ba tuần khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Ngoại trưởng Dominic Raab, người đang thay Thủ tướng Boris Johnson chủ trì các cuộc họp về Covid-19, cho hay nới hạn chế quá sớm "có nguy cơ gây thiệt hại cho cả y tế công cộng và nền kinh tế". 

Trung Quốc và Hàn Quốc chưa công bố số liệu mới.

Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á với 80.868 ca nhiễm và 5.031 ca tử vong. Nước này ghi nhận thêm 1.374 ca nhiễm và 73 ca tử vong, đánh dấu ngày thứ năm liên tiếp số ca tử vong hàng ngày dưới 100.

Iran đã đóng cửa trường học, hoãn các sự kiện lớn và áp đặt một loạt hạn chế khác nhưng không phong tỏa nghiêm ngặt như nhiều nước khác.

Chính quyền sẽ cho phép các doanh nghiệp nhỏ ở Tehran mở cửa trở lại vào ngày 18/4, sau khi áp dụng biện pháp tương tự với bên ngoài thủ đô vào tuần trước.

Động thái này vấp phải sự chỉ trích từ các chuyên gia y tế nhưng các quan chức hàng đầu cho rằng các lệnh trừng phạt áp đặt lên Iran khiến họ không thể đóng cửa nền kinh tế.

Tại Đông Nam Á, Indonesia vẫn là vùng dịch lớn nhất khu vực với 6.248 ca nhiễm và 535 ca tử vong, tăng lần lượt 325 và 15 so với hôm qua. Quan chức chính phủ Indonesia cho biết nước này có thể đạt đỉnh dịch vào đầu tháng 5.

Philippines xếp thứ hai với 6.078 ca nhiễm và 397 ca tử vong, tiếp đó là Singapore 5.992 ca nhiễm và 11 ca tử vong. Malaysia là vùng dịch lớn thứ tư khu vực với 5.305 ca nhiễm, trong đó 88 người đã chết.

Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là những nước Đông Nam Á chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào do Covid-19.

Tin bài liên quan