“Game” thoái vốn không dài

“Game” thoái vốn không dài

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Thời gian gần đây, các cổ phiếu có câu chuyện kỳ vọng, như hoạt động thoái vốn đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư và tăng giá vượt trội so với phần còn lại.

Trong đó, tiêu biểu phải kể tới các thương vụ thoái vốn thành công của Nhà nước tại Tổng công ty IDICO (mã chứng khoán IDC) và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm An Giang (mã chứng khoán AFX), cũng như các diễn biến thay đổi cơ cấu cổ đông tại Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (mã chứng khoán DIG)…

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là giá cổ phiếu sẽ diễn biến ra sao sau khi thoái vốn thành công, cũng như việc thâu tóm hoàn tất.

Tại IDC, Bộ Xây dựng đã thoái thành công 36% vốn điều lệ thông qua đấu giá công khai và trước phiên đấu giá, cổ phiếu IDC trải qua một chuỗi tăng điểm mạnh. Cụ thể, kể từ ngày 25/8 đến 8/12/2020, cổ phiếu IDC tăng 71,6% lên mức 33.800 đồng/cổ phiếu - mức giá cao nhất kể từ thời điểm niêm yết cuối năm 2018 tới nay.

Trước phiên đấu giá, cổ phiếu IDC trải qua một chuỗi tăng điểm mạnh 71,6% lên 33.800 đồng/cổ phiếu - mức giá cao nhất kể từ thời điểm niêm yết cuối năm 2018 tới nay

Trong 9 tháng đầu năm, IDICO ghi nhận doanh thu 3.356,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 307,2 tỷ đồng, lần lượt giảm 5,5% và 27,5% so với 9 tháng đầu năm 2019. Trong đó, biên lợi nhuận gộp tăng từ 16,5% lên 17,4%.

Không những kết quả kinh doanh đi xuống so với cùng kỳ, trong 9 tháng đầu năm, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp này âm 18,5 tỷ đồng, so với 3 quý đầu năm 2019 dương tới 507,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dòng tiền đầu tư âm 93,6 tỷ đồng, dòng tiền tài chính dương 39,7 tỷ đồng. Như vậy, trong kỳ, dòng tiền hoạt động kinh doanh thâm hụt, doanh nghiệp phải dùng quỹ sẵn có để phục hoạt động đầu tư, mở rộng kinh doanh.

Có thể thấy, kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu của IDC không tương xứng với đà tăng của giá cổ phiếu, mà thị giá tăng nhờ kỳ vọng thoái vốn thành công và sớm tận dụng được quỹ đất lớn của doanh nghiệp.

Tương tự, tại AFX, kể từ ngày 29/7 đến 8/12/2020, cổ phiếu này tăng 145% lên 12.500 đồng/cổ phiếu. Trong đó, đáng chú ý là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa thoái thành công 51% vốn điều lệ AFX thông qua đấu giá công khai.

Trong 9 tháng đầu năm, AFX ghi nhận doanh thu 597,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8 tỷ đồng, lần lượt giảm 3,1% và tăng 7.900% so với 9 tháng đầu năm 2019. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp hoàn thành 85,1% kế hoạch lợi nhuận năm, nhưng ROA chỉ đạt 1,8%.

Trong năm 2020, doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu 924,8 tỷ đồng, bằng 118,8% thực hiện năm 2019; lợi nhuận sau thuế gần 9,4 tỷ đồng, bằng 7.622,56% thực hiện năm 2019.

Mặc dù lợi nhuận có sự cải thiện trong 9 tháng đầu năm 2020, tuy nhiên hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp vẫn còn khiêm tốn so với quy mô tài sản. Giá cổ phiếu tăng mạnh trùng với giai đoạn SCIC công bố thông tin thoái vốn, cũng như kết quả thoái vốn nhà nước được giá cao.

Nhìn chung, đối với hai doanh nghiệp thoái vốn nhà nước là IDC và AFX, hoạt động kinh doanh vẫn còn nhiều hạn chế, giá cổ phiếu tăng mạnh chủ yếu dựa trên kỳ vọng thoái vốn.

Tuy nhiên, với việc thoái vốn thành công trong thời gian vừa qua, cổ phiếu bắt đầu bước vào vùng trũng thông tin, cũng như doanh nghiệp cần thời gian để có thể sắp xếp lại cơ cấu và tổ chức bộ máy trước khi có thể bước vào đà tăng trưởng tiếp theo.

Trong trường hợp của DIG, doanh nghiệp cũng vừa có biến động cổ đông lớn khi nhóm cổ đông quỹ Dragon Capital thoái ra toàn bộ 22,1% vốn điều lệ, Chứng khoán Bản Việt thoái ra toàn bộ 9,59% vốn điều lệ.

Ở chiều ngược lại, xuất hiện cổ đông Công ty cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam sở hữu 21,49% vốn điều lệ doanh nghiệp, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Thiên Tân tăng sở hữu từ 3,27% lên 18,09% vốn điều lệ DIG.

Như vậy, hai cổ đông lâu năm là nhóm quỹ Dragon Capital và Chứng khoán Bản Việt đã được thay thế bằng nhóm cổ đông mới, trong đó, Him Lam được kỳ vọng sẽ là đối tác chiến lược góp thêm vốn.

Trước đây, DIG từng xin ý kiến cổ đông về chủ trương hợp tác với Him Lam để phát triển dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu với diện tích 90,5 ha, nhưng các cổ đông đã không thông qua.

Trong ngắn hạn, cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp có dấu hiệu đã ổn định trở lại, cũng như việc hợp tác phát triển cần thời gian, vì vậy, giá cổ phiếu sẽ thiếu dần động lực.

Về kết quả kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của DIG đạt 1.865 tỷ đồng, tăng trưởng 44,9% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 172 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 131,2 tỷ đồng, tăng trưởng 40,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Năm 2020, DIG đặt mục tiêu đạt 2.500 tỷ đồng doanh thu và 650 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, Công ty đã hoàn thành gần 75% kế hoạch doanh thu, nhưng còn cách rất xa chỉ tiêu lợi nhuận.

Thách thức hậu thoái vốn

Quay trở lại lịch sử các giai đoạn thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, gần đây nhất Bộ Công Thương đã thoái vốn tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) thành công với tỷ lệ 53,59% vốn điều lệ vào tháng 12/2017.

Tuy nhiên, sau đó giá cổ phiếu SAB đã trượt dài từ vùng 310.000 đồng/cổ phiếu về đáy 191.000 đồng/cổ phiếu, giảm tới hơn 38%.

Trường hợp tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) tháng 3/2018 khi SCIC thoái ra 29,51% vốn điều lệ. Sau giai đoạn thoái vốn, cổ phiếu BMP trải qua một giai đoạn dài giảm giá từ vùng 71.000 đồng/cổ phiếu về đáy tháng 3/2020 là 31.000 đồng/cổ phiếu, tức giảm hơn 56%.

Giá cổ phiếu SAB đã trượt dài từ vùng 310.000 đồng/cổ phiếu về đáy 191.000 đồng/cổ phiếu, giảm tới hơn 38%

Tại DIG, tháng 11/2017, Bộ Xây dựng thoái 118,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 49,65% vốn điều lệ. Sau đó, cổ phiếu có nhịp tăng ngắn hạn lên 22.600 đồng/cổ phiếu và bắt đầu giảm mạnh về đáy tháng 7/2018 là 12.000 đồng/cổ phiếu, tức giảm gần 47%.

Điều tương tự cũng diễn ra tại nhiều cổ phiếu thoái vốn nhà nước khác trên sàn, đặc thù nhóm thoái vốn trước là khi thoái có dấu hiệu tăng điểm nhưng sau khi thoái thường giảm mạnh và cần thời gian tích luỹ tạo đáy trước khi bước vào chu kỳ tăng mới nhờ vào hoạt động kinh doanh được cải thiện.

Nếu như lịch sử lặp lại, các cổ phiếu vừa thoái vốn thành công, cũng như hậu thâu tóm rất khó tiếp tục giữ được đà tăng trưởng về giá trong thời gian tới mà nhiều khả năng sẽ bước vào giai đoạn tích luỹ, điều chỉnh và chờ xuất hiện một kỳ vọng mới.

Tin bài liên quan