Gác lại nỗi sợ hãi, giới đầu tư ồ ạt gom hàng

Gác lại nỗi sợ hãi, giới đầu tư ồ ạt gom hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thứ Tư (24/2), Phố Wall trở lại với sắc xanh sau khi tiếp tục trải qua hai phiên giao dịch biến động manh vào ngày thứ Ba.

Chứng khoán Mỹ phiên đêm qua tăng mạnh khi nỗi lo về lạm phát và lãi suất tăng hoàn toàn được gác sang một bên,

Trong phiên điều trần hôm thứ Tư trước Uỷ ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell tuyên bố, nền kinh tế có thể mất đến hơn ba năm để đạt được mục tiêu lạm phát mà Fed đặt ra. Điều này đồng nghĩa với việc, Fed có kế hoạch giữ nguyên lãi suất thấp trong một thời gian dài sắp tới.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida cho biết trong một bài phát biểu trước Phòng Thương mại Mỹ hôm thứ Tư, rủi ro đối với triển vọng nền kinh tế năm 2021 đã giảm bớt trong bối cảnh chương trình triển khai tiêm chủng vắc-xin diễn ra hiệu quả, đồng thời Quốc hội đã thông qua một loạt các biện pháp kích thích tài khoá.

Thống đốc Fed Lael Brainard trong một bài giảng tại Harvard hôm thứ Tư cũng nhấn mạnh cần thiết phải tiếp tục hỗ trợ tài chính và tiền tệ cho nền kinh tế Mỹ và còn lâu mới đạt được các mục tiêu về việc làm và lạm phát của ngân hàng trung ương.

Mặt khác, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hôm thứ Năm cho biết, loại vắc-xin Covid-19 chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất do Johnson & Johnson sản xuất không gây ra rủi ro nào ngoài mong đợi, tiến thêm một bước đưa vắc-xin này tới việc được cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Về dữ liệu kinh tế, doanh số bán nhà mới xây đạt mức 923.000 căn (đã được điều chỉnh theo mùa) vào tháng 1/2021, cao hơn so với dự báo trước đó là 850.000 căn.

Kết thúc phiên 24/2, chỉ số Dow Jones tăng 421,51 điểm (+1,35%), lên 31.961,86 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 44,06 điểm (+1,14%), lên 3.925,43 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 132,77 điểm (+0,99%), lên 13.597,97 điểm.

Chứng khoán châu Âu khởi sắc trong phiên giao dịch ngày thứ Tư khi cổ phiếu các lĩnh vực được cho là được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế nhận được động lực mạnh mẽ từ dữ liệu tăng trưởng vượt dự kiến của Đức, mặc dù lo ngại về khả năng lạm phát tăng và định giá cổ phiếu cao vẫn giữ mức tăng.

Dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 24/2 cho hay, nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong quý IV/2020 tăng trưởng 0,3% so với quý trước đó.

Nền kinh tế của Đức vẫn tích cực hơn một số nước khác trong Eurozone nhờ lực đẩy từ lĩnh vực sản xuất, vốn ít bị ảnh hưởng hơn so với ngành dịch vụ trong thời kỳ đại dịch.

Kết thúc phiên 24/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 33,03 điểm (+0,50), lên 6.658,97 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 111,19 điểm (+0,80), lên 13.976,00 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 18,14 điểm (+0,31%), lên 5.797,98 điểm.

Chứng khoán châu Á nhuốm sắc đỏ trong phiên giao dịch hôm thứ Tư. Chứng khoán Nhật Bản đánh mất mốc 30.000 điểm trong bối cảnh giới đầu tư bán tháo mạnh nhóm cổ phiếu công nghệ do ảnh hưởng của Nasdaq trên phố Wall trong hai phiên liên tiếp gần nhất.

Chứng khoán Trung Quốc có phiên giảm mạnh nhất trong 7 tháng do thị trường về việc thắt chặt chính sách và thị trường đang được định giá cao.

Chứng khoán Hồng Kông có phiên tệ nhất trong 9 tháng sau khi trung tâm tài chính này tuyên bố tăng thuế với giao dịch chứng khoán khiến dòng tiền từ Đại lục tháo chạy.

Chứng khoán Hàn Quốc có phiên giảm mạnh nhất trong gần một tháng do lo ngại về định giá cổ phiếu cao và phí trước bạ ở Hồng Kông tăng.

Kết thúc phiên 24/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 484,33 điểm (-1,61%), xuống 29.671,70 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 72,28 điểm (-1,99%), xuống 3.546,08 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 914,40 điểm (-2,99%), xuống 29.718,24 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 75,11 điểm (-2,45%), xuống 2.994,98 điểm.

Giá vàng tiếp tục giảm nhẹ trong phiên đêm qua do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, đồng thời dòng tiền đổ xô vào thị trường chứng khoán.

Kết thúc phiên 24/2, giá vàng giao ngay giảm 1,70 (-0,09%), xuống 1.804,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 3 giảm 8,20 USD (-0,45%) 1.796,60 USD/ounce.

Giá dầu phiên ngày thứ Tư bật tăng lên mức cao nhất ghi nhận được trong vòng 13 tháng trong bối cảnh sản lượng dầu thô của Mỹ giảm sau khi sản xuất gián đoạn bởi thời tiết băng giá trong tuần trước.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu thô của Mỹ giảm hơn 10%, tương đương 1 triệu thùng/ngày trong tuần trước do bão tuyết tại Texas, tương đương mức giảm một tuần lớn nhất từ trước tới nay. Lượng dầu thô tiêu thụ của nhà máy lọc dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2008 do thời tiết đóng băng khiến mất điện trên diện rộng.

Trong khi đó, giao thông tại kênh Houston dần phục hồi trở lại bình thường, các nhà máy lọc dầu cũng đã bắt đầu hoạt động trở lại trong tuần này.

Kết thúc phiên 24/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,55 USD (+2,5%), lên 63,22 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,67 USD (+2,6%), lên 67,04 USD/thùng.

Tin bài liên quan