Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc IMF, phát biểu tại G20 Mexico 2012.

Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc IMF, phát biểu tại G20 Mexico 2012.

G20 muốn tiêu nhiều hơn cho tăng trưởng

(ĐTCK) 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) đã đồng ý cùng nhau là nên nới lỏng thêm một chút các mục tiêu ngân sách để tránh làm tồi tệ hơn tình hình kinh tế ở nhiều nước, trong đó có Mỹ.

Gặp nhau một ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nơi đang diễn ra những tranh luận gay gắt về vấn đề thuế và chi tiêu ngân sách, G20 lo rằng, những cam kết trước đây về việc cắt giảm một nửa mức thâm hụt ngân sách ở các nền kinh tế phát triển vào cuối năm sau có thể sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế toàn cầu vốn đang rệu rã.

“Trong tình cảnh tăng trưởng yếu ớt của kinh tế toàn cầu, việc nới thêm một chút chính sách tài khoá là thoả đáng để hỗ trợ cho sự phục hồi”, các nhà làm chính sách của G20 nói trong một thông báo sau cuộc họp hai ngày ở Mexico .

Mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách đã được thông qua tại một cuộc họp thượng đỉnh ở Toronto năm 2010. Khi đó, kinh tế toàn cầu có vẻ như đã vượt qua được sự tàn phá của cuộc khủng hoảng tài chính 2 năm liền trước. Nhưng giờ thì chúng lại dường như đang tuột khỏi tầm kiểm soát của một số nền kinh tế, bao gồm Mỹ.

“Mục tiêu là năm 2013, nhưng có lẽ là khó (hoặc không nên cố) đạt được”, bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định. Bà Lagarde nhấn mạnh rằng, mục tiêu đặt ra nói trên đã không tính kỹ đến các tình huống ở các nước khác nhau.

Trong lúc này, Mỹ rất cần đưa tình trạng thâm hụt ngân sách vào tầm kiểm soát – theo ước tính sơ bộ, năm nay, thâm hụt ngân sách của nước này sẽ tiếp tục vượt mức 1.000 tỷ USD, năm thứ tư liên tiếp. Nhiều nước trong G20 đang lo lắng thêm mỗi ngày về một “cuộc nã súng” vào tăng trưởng kinh tế Mỹ khi việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu bắt buộc phải thực hiện từ 1/1/2013.

Tăng thuế và cắt giảm chi tiêu là những biện pháp được vạch ra từ năm ngoái nhằm giúp Chính phủ Mỹ vá lại ngân sách thâm thủng nặng của mình. Tuy nhiên, miếng vá đó có thể bít luôn cơ hội thoát khỏi suy thoái trong năm tới của Mỹ và làm vạ lây cả kinh tế toàn cầu. Điều đó chỉ có thể chưa xảy ra khi Quốc hội Mỹ cho phép Chính phủ được lạm chi thêm một thời gian, nhưng phải quyết định nhanh, ngay sau khi cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào thứ Ba, 6/11.

Trở lại với Hội nghị G20 tại Mexico, Bộ trưởng tài chính Chile, Felipe Larrain đã đề cập đến trường hợp “vách đá tài chính” của Mỹ không được lùi lại: “Nếu chúng ta không thể xử lý vách đá đó, nó có thể sẽ là bước ngoặt sang những tình huống phức tạp hơn nhiều cho nền kinh tế thế giới”.

Thông cáo của G20 cho biết: “Mỹ sẽ cẩn thận tính lại mức độ thắt chặt tài khoá để đảm bảo nền tài chính công của nước này vẫn nằm trong khuôn khổ ổn định dài hạn, đồng thời tránh được việc phải bóp chặt hầu bao trong năm tới”.

Trong một nỗ lực chứng tỏ quyết tâm kiểm soát tình hình tài chính lâu dài, 20 nền kinh tế hàng đầu sẽ tiến tới thông qua những mục tiêu nợ công “tin cậy và tham vọng” tới năm 2016. Những mục tiêu mới này sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào năm sau.

Alan Ruskin, Giám đốc toàn cầu về chiến lược của Deutsche Bank tại New York đánh giá, các nhà làm chính sách dường như muốn chứng tỏ họ vẫn nghiêm túc với những biện pháp khắc nghiệt mang tính dài hạn, dù có chút lỏng tay chi tiêu hiện tại.

“Mỹ đang gửi đi một thông điệp rằng, nước này muốn giữ chữ tín trong dài hạn, nhưng trong ngắn hạn thì cần phải làm gì đó để tăng trưởng tốt hơn”, Ruskin nói.

Một ý tưởng được bàn thảo tại Mexico City đã thu hút sự chú ý, là thâm hụt cơ cấu. Ý tưởng đó mặc nhiên xem nhẹ những vấn đề từ thâm hụt ngân sách, như thất nghiệp cao hơn, phúc lợi ít hơn… Bà Lagarde cho rằng, thắt chặt ngân sách có thể là “mục tiêu mang tính cơ cấu hơn là mục tiêu thông thường”.

Trong khi đó, Đức vẫn duy trì quan điểm của mình rằng, chính sách khắc khổ là cách tốt nhất để khôi phục niềm tin và làm điểm tựa cho tăng trưởng.

“Giảm nợ công là yếu tố thiết yếu cho tăng trưởng ổn định”, Bộ trưởng Tài chính Đức, Wolfgang Schaeuble nói, đồng thời nhấn mạnh Đức đã tuyên chiến với mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách. “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng tôi đề nghị các nước khác hãy thực thi trách nhiệm của mình”.

Sự quyết tâm của G20 trong 4 năm qua, nhằm ngăn chặn một cuộc suy thoái mới, đã đưa đến những cách xử lý khác nhau đối với những vấn đề như tăng chi tiêu để hỗ trợ tăng trưởng và thắt chặt chi tiêu để xử lý nợ cao.

Tuy nhiên, những cách xử lý khác nhau thì không lập tức biến thành liều thuốc hữu dụng đối với kinh tế toàn cầu, vốn vẫn đang đối diện với những rủi ro cao. “Tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn rất khiêm tốn và rủi ro suy thoái vẫn đang hiển hiện”, bản thông cáo của G20 nói.