“Chung lưng đấu cật” là hành động mà các nguyên thủ tham dự Hội nghị G20 hướng tới. (Ảnh: AP)

“Chung lưng đấu cật” là hành động mà các nguyên thủ tham dự Hội nghị G20 hướng tới. (Ảnh: AP)

G20 kiểm chứng thực tế

Hội nghị thượng đỉnh G20 đã bế mạc tại thủ đô London của Anh với những hứa hẹn, cam kết chung sức đưa nền kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng và tạo thêm công ăn việc làm mới. Các nước trong nhóm G20 đã thống nhất chi 1.100 tỷ USD kích thích kinh tế để giải quyết khủng hoảng nhanh chóng hơn.

“Chung lưng đấu cật” là hành động mà các nguyên thủ tham dự Hội nghị G20 hướng tới. Hành động này sẽ tạo ra gói kích thích tài khoá - tiền tệ lớn nhất và chương trình hỗ trợ toàn diện nhất cho ngành tài chính trong thời hiện đại.

 

Khối G20 thống nhất tăng gấp 3 lần ngân quỹ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ 250 tỷ USD hiện nay lên mức 750 tỷ USD. Ngoài ra, G20 còn thông qua một chương trình phát hành quyền rút vốn đặc biệt (SDR) trị giá 250 tỷ USD dành cho 185 quốc gia thành viên.

 

Mục đích tăng cường ngân quỹ cho IMF là thúc đẩy vai trò của quỹ này trong việc cho vay đối với các nền kinh tế thuộc thế giới thứ ba gặp thách thức về tài chính vì khủng hoảng. Chính cuộc khủng hoảng hiện nay đã đưa vai trò của IMF trở lại vị trí quan trọng, khi định chế này cấp hàng tỷ USD vốn vay khẩn cấp cho nhiều quốc gia sau nhiều năm vai trò đi xuống.

 

Trước khi nghiên cứu kỹ hơn kế hoạch nghìn tỷ này, chúng ta nên lưu ý rằng tinh thần thận trọng của G20 đã thành công khi lồng vào tuyên bố chi tiêu to lớn này một ghi chú về hạn chế.

 

Điều mà nhiều người lo lắng đầu tiên chính là nguy cơ lạm phát trong tương lai khi hàng ngàn tỷ USD được bơm vào nền kinh tế toàn cầu. Để khắc phục, ngân hàng trung ương các nước buộc phải thắt chặt chính sách tài chính cởi mở này trước khi lạm phát có thể bùng phát.

 

Điều mọi người cũng quan tâm là đa số cam kết của G20 sẽ phải được thực hiện bởi không chỉ các nước trong nhóm G20 mà nhiều quốc gia có chủ quyền hơn.

 

Nói một cách khác, đừng phí công chờ đợi Diễn đàn bình ổn tài chính mới theo đề xuất của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy viết ra quy định toàn cầu cho các quỹ phòng hộ và các định chế, công cụ và thị trường tài chính quan trọng có hệ thống.

 

Liệu có thể dễ dàng như thế khi mà các quốc gia châu Âu đã nghiên cứu nhiều năm nay một hệ thống giám sát ngân hàng tiêu chuẩn nhưng vẫn chưa xong.

 

Nhóm G20 cũng thống nhất bơm “ít nhất” 100 tỷ USD vào Ngân hàng Thế giới (WB) và các định chế tài chính khu vực như Ngân hàng Phát triển châu Phi và chi khoảng 50 tỷ USD khác cho Chương trình hỗ trợ thương mại toàn cầu mà Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick cho rằng khoản chi này sẽ tiếp thêm sức lực cho doanh nghiệp tại các thị trường đang phát triển.  Hay nói một cách khác, trợ cấp cho doanh nghiệp sẽ được tiến hành từ Bangladesh tới Bolivia .

 

Về mặt hoạt động, đây là nhiệm vụ quá nặng nề đối với Ngân hàng Thế giới dù có tới 60 năm kinh nghiệm “ném tiền qua cửa sổ.” Với tình hình tham nhũng, chúng ta có thể dễ dàng đoán được rằng phần lớn hỗ trợ tài chính của G20 sẽ không bao giờ đến được đích cần đến ở các nước nghèo.

 

Đối với phát triển toàn cầu trong ngắn hạn, có thể hai trong số những biện pháp gây ấn tượng mạnh nhất trong Tuyên bố chung là chính sách thuế và thương mại. Đối với chính sách thuế, G20 sẽ cùng cam kết xoá bỏ những “thiên đường trốn thuế” (tax havens).

 

Về danh nghĩa, nỗ lực này đảm bảo tính công bằng và loại trừ hành vi trốn thuế. Thực tế, điều này giống như nỗ lực cuối cùng của các quốc gia mà tình hình bội chi đã trở nên “bi đát.”

 

Đối với chính sách thương mại, phương tiện chính là vòng đám phán tự do Doha . Các nước thuộc G20 cam kết thúc đẩy đám phán Doha và chống lại chủ nghĩa bảo hộ, phá giá tiền tệ cạnh tranh. Động thái này là tốt nhưng vấn đề là các quốc gia này chưa đề ra được thời gian nối lại vòng đám phán Doha .

 

Nói một cách cân bằng hơn, Hội nghị G20 kết thúc như một kiểm chứng thực tế. Lãnh đạo các nước G20 tới London với sứ mệnh như Uỷ ban giải cứu thế giới.

 

Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhìn ra rất nhiều khiếm khuyết khác tại hội nghị này.

 

Đầu tiên là hội nghị này chưa đưa ra được cam kết nào về việc tăng cường các gói kích thích tài khóa cho các nền kinh tế. Từ trước, đây vẫn được xem là một vấn đề gây chia rẽ giữa Mỹ và châu Âu, khi Mỹ luôn đề nghị các nước chi thêm tiền để kích thích tăng trưởng, trong khi châu Âu phản đối chuyện này.

 

Thứ hai, hội nghị lần này dường như tập trung nhiều hơn vào giải quyết khủng hoảng ở các nền kinh tế đang nổi lên hơn là suy thoái sâu ở các nền kinh tế lớn nhất - nơi khởi nguồn của khủng hoảng.

 

Thứ ba, những biện pháp được đề xuất mới chỉ tập trung vào những ảnh hưởng của khủng hoảng, chứ chưa đánh được vào gốc rễ của khủng hoảng. Các nhà lãnh đạo G20 mới chỉ tuyên bố khá chung chung về mục tiêu giải quyết tình trạng tài sản xấu trong hệ thống tài chính của châu Âu và Mỹ, chứ chưa hề đưa ra được các biện pháp hành động cụ thể.