6 tháng đầu năm nay, FRT lỗ hơn 26 tỷ đồng trong mảng kinh doanh dược phẩm

6 tháng đầu năm nay, FRT lỗ hơn 26 tỷ đồng trong mảng kinh doanh dược phẩm

FPT Retail, Thế giới di dộng dè dặt mở rộng chuỗi bán lẻ dược phẩm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu như FTP Retail thực hiện được 61% mục tiêu mở cửa hàng thì Thế giới di động mới chỉ mở được 26 cửa hàng sau khoảng hai năm tuyên bố tham gia vào thị trường bán lẻ dược phẩm.

Hai năm dò đường

Đến thành phố Vinh vào một ngày cuối tháng 8, có thể trông thấy ngay một nhà thuốc Long Châu to, đẹp nằm tại khu vực ngã ba trục đường chính. Hệ thống nhà thuốc này đã tiến vào miền Trung và một số tỉnh, thành phố khác, còn ở TP.HCM và Hà Nội có độ phủ dày hơn.

Theo Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail), tới nay, Công ty đã mở được 165 nhà thuốc Long Châu trên 43 tỉnh, thành phố.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Retail từng chia sẻ tham vọng với chuỗi bán lẻ dược phẩm mang tên Long Châu, đến năm 2020, sẽ có 270 nhà thuốc được mở, doanh thu kỳ vọng 1.900 tỷ đồng.

Như vậy, so với mục tiêu số cửa hàng, chuỗi nhà thuốc này mới đạt 61% kế hoạch.

Sáu tháng đầu năm nay, trong bối cảnh nhu cầu của người dân với nhiều mặt hàng phòng dịch Covid-19 như khẩu trang, nước rửa tay khử trùng, vitamin… tăng mạnh, nhưng doanh thu từ hệ thống nhà thuốc Long Châu chỉ đạt hơn 472 tỷ đồng.

Con số này rất khiêm tốn khi so sánh với tổng doanh thu của FRT và cách rất xa mục tiêu mà bà Điệp đặt ra. (Mảng thiết bị tin học, điện thoại, linh kiện và phụ kiện đem lại 6.824 tỷ đồng doanh thu trong cùng kỳ).

Đáng chú ý, chi phí của mảng bán lẻ dược phẩm trong kỳ lên tới hơn 494,7 tỷ đồng. FPT Retail ghi nhận khoản lỗ hơn 26 tỷ đồng đối với mảng kinh doanh này. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến FRT lỗ gần 20 tỷ đồng trong quý II vừa qua.

Tuyên bố tham gia thị trường bán lẻ dược phẩm được khoảng hai năm nay, nhưng kế hoạch mở rộng hệ thống nhà thuốc An Khang của Công ty cổ phần Thế giới di động có phần dè dặt hơn.

Một lãnh đạo MWG thừa nhận, Công ty vẫn đang trong quá trình thăm dò thị trường để tìm ra công thức phát triển phù hợp.

“Vài tháng gần đây, nhà thuốc An Khang được mở cạnh những cửa hàng Bách Hóa Xanh có doanh thu tốt” và hiện đã có 5 - 7 cửa hàng thuốc An Khang như vậy được xây dựng.

Đến nay, hệ thống nhà thuốc An Khang mới có 26 cửa hàng.

Thế giới di động đã chi hơn 62 tỷ đồng đầu tư vào Công ty cổ phần Bán lẻ An Khang để kinh doanh mảng dược phẩm. Phần lỗ từ công ty liên kết (nắm 49%) này trong 6 tháng đầu năm là hơn 2,56 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 30/6/2020, lỗ lũy kế của Công ty An Khang là 8,13 tỷ đồng.

Có thể thấy, cả FPT Retail và Thế giới di động vẫn đang tiếp tục bù lỗ cho mảng kinh doanh bán lẻ dược phẩm.

Khi được hỏi “tại sao lỗ nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng quy mô”, một lãnh đạo Thế giới di động chia sẻ, con số ấy chưa là gì so với việc đầu tư xây dựng một chuỗi và rằng: “Với Bách Hóa Xanh, chúng tôi mất 2 - 3 năm để tìm ra được công thức chuẩn và sau đó liên tục mở rộng”.

Cuộc chơi đường dài

Việt Nam, với quy mô dân số gần 100 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người ngày càng cải thiện, được xem là thị trường hấp dẫn của các ngành hàng tiêu dùng, trong đó có dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Theo tiết lộ của ông Mai Hải Ninh, chủ một chuỗi hệ thống kinh doanh nhà thuốc và sức khỏe, những cửa hàng thuốc có tên tuổi đủ lớn, có vị trí đẹp, biên lợi nhuận rơi vào khoảng 10 - 15%.

Thậm chí, một số cửa hàng thuốc truyền thống ở trong ngõ nhỏ, chi phí mặt bằng không quá lớn, biên lợi nhuận có thể lên tới 30%.

Nhìn vào biên lợi nhuận chung của ngành bán lẻ dược phẩm hơn 10%, dễ hiểu vì sao FPT Retail và Thế giới di động lại tham gia vào mảng kinh doanh này, nhất là khi mảng bán lẻ điện thoại, thiết bị tin học đang chịu áp lực thị trường bão hòa.

Biên lợi nhuận ngành tin học, điện thoại và linh kiện trong 6 tháng đầu năm nay của FPT Retail chỉ đạt 0,7% (doanh thu 6.824 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 52,3 tỷ đồng). Tỷ lệ này trong năm 2019 là 1,98% (doanh thu 16.123 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 319,8 tỷ đồng) và năm 2018 là 2,83% (doanh thu 15.298 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 434 tỷ đồng).

Rõ ràng, biên lợi nhuận mảng bán lẻ điện thoại mỏng và ngày càng giảm mạnh. Đó là lý do FPT Retail tìm kiếm mảng kinh doanh mới như dược phẩm để mở rộng dư địa tăng trưởng.

Tương tự, tại Thế giới di động, mảng kinh doanh điện thoại cũng đã bão hòa vài năm trở lại đây. Doanh nghiệp này đang tập trung cho lĩnh vực điện máy và bán lẻ thực phẩm với chuỗi Bách Hóa Xanh và dược phẩm.

Biên lợi nhuận gộp của Thế giới di động năm 2019 ghi nhận 19%, nhưng biên lợi nhuận ròng chỉ đạt 3,75% (doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 102.174 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.836 tỷ đồng).

Với sự xuất hiện của các hệ thống cửa hàng thuốc mới như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thói quen mua thuốc của nhiều người dân đang dần thay đổi. Nhưng, kinh doanh bán lẻ dược phẩm vẫn là một mảng khó.

Thị trường dược phẩm Việt Nam, theo ước tính của hãng nghiên cứu thị trường BMI, có quy mô doanh thu 5,3 tỷ USD. Nghe thì hấp dẫn, nhưng thực tế, có tới 70% doanh thu thuộc về mảng thuốc đấu thầu tại các bệnh viện.

Thứ nhất, thị trường dược phẩm Việt Nam, theo ước tính của hãng nghiên cứu thị trường BMI, có quy mô doanh thu 5,3 tỷ USD.

Hãng này còn nhận định, doanh số thị trường có thể tăng lên 7,7 tỷ USD vào năm 2021 và 16,1 tỷ USD vào năm 2026.

Con số nghe thì hấp dẫn, nhưng thực tế, có tới 70% doanh thu thuộc về mảng thuốc đấu thầu tại các bệnh viện. 30% doanh thu còn lại (ước tính hơn 1,5 tỷ USD) cho hệ thống bán lẻ dược phẩm và nhà thuốc truyền thống cạnh tranh nhau.

Thứ hai là thói quen người tiêu dùng. Ở nước ngoài, hệ thống chuỗi bán lẻ dược phẩm rất phổ biến và thành công.

Sản phẩm chủ lực tại các chuỗi này ngoài thuốc điều trị, còn là các sản phẩm thuốc bổ, thực phẩm chức năng. Người nước ngoài có thói quen mua các thuốc bổ phòng bệnh.

Còn tại Việt Nam, người dân thường tìm đến tiệm thuốc khi cần chữa bệnh, nhu cầu mua các sản phẩm bổ sung chưa nhiều. Điều này cần thời gian để thay đổi thói quen. Có nghĩa, các chuỗi bán lẻ dược phẩm vẫn phải chờ thị trường lớn lên.

Thứ ba, tại Việt Nam, các nhà thuốc truyền thống, hoạt động theo mô hình hộ kinh doanh cá thể mọc lên như nấm. Theo số liệu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, cả nước đang có khoảng 30.000 hiệu thuốc lớn, nhỏ.

Tất nhiên, trong xu thế phát triển, những doanh nghiệp có sự đầu tư bài bản sẽ giành được thị phần tốt hơn.

Quá trình chuyển dịch này đang được đẩy nhanh nhờ vào các chính sách của Chính phủ nhằm kiểm soát thị trường bán lẻ dược phẩm thông qua nhà thuốc như Thông tư số 02/2018/TT-BYT quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc.

Nhìn sang chuỗi nhà thuốc Pharmacity, chuỗi nhà thuốc Đông-Tây y lớn nhất hiện nay, phải mất 9 năm, hệ thống này mới phát triển được 500 cửa hàng ở trong Nam, ngoài Bắc. Để triển khai được kế hoạch này, Pharmacity có sự đồng hành của Quỹ Mekong Capital. Theo kế hoạch, Pharmacity sẽ có 1.000 cửa hàng vào năm 2021.

Các nhà bán lẻ lớn như Thế giới di động, FPT Retail đang tiếp tục đầu tư vào chuỗi bán lẻ dược phẩm. Câu hỏi đặt ra là, đầu tư bao lâu thì cân bằng được vốn và có lãi? Như kỳ vọng của Chủ tịch FPT Retail thì đến năm 2021 sẽ có lãi từ mảng này.

Bán lẻ dược phẩm là một cuộc đua đường dài và không dễ để doanh nghiệp niêm yết sớm gặt hái lợi nhuận.

Tin bài liên quan