FPT: Mở lối tiên phong

FPT: Mở lối tiên phong

(ĐTCK) Khởi đầu từ 13 nhà khoa học trẻ, với khát vọng “ra khỏi vỏ ốc” thay đổi cuộc đời, hành trình 30 năm của FPT là những câu chuyện đầy cảm hứng về một hình mẫu cho trí tuệ, bản lĩnh Việt đã luôn tiên phong đi những con đường mới để ngày nay thương hiệu FPT có thể sánh vai với các tập đoàn công nghệ tên tuổi hàng đầu thế giới.

“Chúng tôi đã từng đi khi chưa có con đường”

Mỗi tập đoàn lớn trên thế giới đều có những triết lý kinh doanh khác biệt được biết đến rộng rãi như Toyota Way, Samsung Way… Còn với FPT, Chủ tịch Trương Gia Bình đã nói về triết lý kinh doanh của FPT - FPT Way “mở lối tiên phong” một cách ngắn gọn như vậy. Quả thực, 30 năm phát triển của FPT gắn liền với công cuộc khai phá, mở đầu nhiều xu hướng ở Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ, viễn thông, giáo dục, chuyển đổi số…

Hợp đồng xây dựng hệ thống đặt vé giữ chỗ cho Vietnam Airlines triển khai năm 1998 là dự án mang tính giải pháp đầu tiên của FPT, mở ra con đường đưa ứng dụng tin học vào cuộc sống.

Dự án tin học hóa Ngân hàng Hàng hải ngay sau đó là bước đột phá về tin học hóa trong ngành ngân hàng, tiền đề cho sự ra đời một loạt sản phẩm core banking của FPT là Siba và Smartbank.

Để rồi phần mềm của FPT đã được triển khai tại 24 ngân hàng, bao gồm các ngân hàng lớn trong nước và ngân hàng nước ngoài tại Đài Loan, Malaysia, Lào, Campuchia.

Dấu ấn FPT đã in đậm trong hệ thống chính phủ điện tử, thuế, hải quan, kho bạc…, hệ thống ERP, thanh toán của các doanh nghiệp Việt Nam, làm thay da đổi thịt hệ thống quản trị của các tổ chức, doanh nghiệp này. FPT cũng đã thắng thầu nhiều dự án lớn tại Lào, Camphuchia, Bangladesh, Myanmar, góp phần vào công cuộc hiện đại hóa của các quốc gia này.

Mò mẫm thì không tránh khỏi lầm đường, nhưng không đi sẽ không tới. Những ngày đầu gian khó xuất khẩu phần mềm vẫn được người FPT nhớ như in. Mở văn phòng tại Bangalore và Silicon Valley (Mỹ) vào năm 1999, FPT hừng hực khí thế sớm ghi danh tại đại bản doanh công nghệ lớn nhất Mỹ, nhưng cả năm trời không kiếm được hợp đồng nào.

Thất bại, nhưng không nản chí, đích thân Chủ tịch Trương Gia Bình thân chinh “xuất trận” đi bán hàng tại Nhật. Sự tận tâm và khát khao mở mang bờ cõi đã tôi luyện để FPT vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ, năng lực, chinh phục thành công thị trường nổi tiếng khó tính này vào năm 2005.

Ở mỗi thị trường đều có những khó khăn phải vượt qua, nhưng không thách thức nào đánh gục được những con người trẻ tuổi, FPT sau đó liên tiếp mở văn phòng tại Singapore, châu Âu và quay trở lại Mỹ. Quy mô dự án cũng lớn dần lên từ vài triệu USD lên đến 10, 20, 30 triệu USD và 100 triệu USD.

Bộ sưu tập khách hàng cũng đồ sộ hơn với hàng chục cái tên trong danh sách Fortune 500 toàn cầu. FPT được công nhận ở cấp đối tác hàng đầu của nhiều ông lớn như Microsoft, IBM, Amazon Web Services, General Electrics, Siemens, Dupont, Airbus…

Nói về con đường tiên phong của FPT, không thể không nhắc đến VnExpress, một sản phẩm mở đường cho việc thay đổi thói quen đọc báo tại Việt Nam, ra đời từ năm 2001 với niềm tin “một ngày nào đó cả nước Việt Nam vào Internet để đọc báo”.

Có sự đồng hành của đội ngũ công nghệ cực mạnh, VnExpress luôn tiên phong đưa ra các trải nghiệm đọc báo mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào vận hành và phát triển sản phẩm, ví dụ sử dụng Big Data để xây dựng hệ thống khuyến nghị và lựa chọn nội dung hiển thị giúp độc giả tăng cường trải nghiệm đọc báo…

Nhờ vậy, VnExpress luôn giữ vị trí số 1 trong làng báo điện tử Việt Nam, bất chấp sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong lĩnh vực truyền thông số.

Những cột mốc phát triển của tập đoàn FPT.

Còn vô số những bước đi tiên phong của FPT như thành lập đại học trong doanh nghiệp đầu tiên, gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn; ươm mầm và  nâng đỡ các tài năng trẻ; xây dựng và tổ chức mạng lưới phân phối sản phẩm công nghệ lớn nhất Việt Nam… và gần đây nhất là công cuộc gắn với chuyển đổi số. 

Mở cửa thị trường bao la, chinh phục những đỉnh cao mới

Cách mạng 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, phả sức nóng vào từng ngóc ngách doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Chiến lược quốc gia 4.0 đang được các bộ ngành xây dựng để trình Chính phủ ban hành cuối năm nay, còn với FPT, cách mạng 4.0 đã đến từ 8 năm trước.

Chuyển đổi số cho các khách hàng, đưa các công nghệ mới như AI, Big Data, IoT... vào các giải pháp trong mọi lĩnh vực như giao thông thông minh, y tế thông minh, chính phủ số, ngân hàng số… đã trở thành kim chỉ nam trong hoạt động của các khối công nghệ.

Đây cũng là đòn bẩy cho chiến lược toàn cầu của FPT, với mục tiêu doanh thu thị trường nước ngoài sớm cán đích 1 tỷ USD, vượt qua thị trường trong nước.

Tiềm năng của những vùng đất mới là rất bao la. Mảng công nghệ ô tô là một ví dụ. Bắt đầu cung cấp dịch vụ liên quan công nghệ ô tô từ năm 2015, sau 3 năm phát triển, doanh thu mảng công nghệ này đạt 1.040 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2016, chiếm 17% tổng doanh thu mảng xuất khẩu phần mềm.

FPT đang triển khai khoảng 150 dự án liên quan đến công nghệ này cho 40 khách hàng tại Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ...

Tập đoàn cũng đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công công nghệ xe tự hành trên ô tô 4 chỗ, chạy trong khuôn viên của Công ty với tốc độ 25 km/giờ. Theo dự báo của doanh nghiệp, doanh thu từ việc nghiên cứu, phát triển các giải pháp trong lĩnh vực tự động hóa đạt tốc độ tăng trưởng 60%/năm trong những năm tới.

Tập trung mạnh cho lĩnh vực công nghệ, ưu tiên xuất khẩu phần mềm, con tàu FPT được dẫn dắt đúng hải trình đã lấy lại tốc độ tăng trưởng hai con số, với tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 11,5% và 11,9% trong năm 2017 (nếu tính cả kết quả thoái vốn, lợi nhuận tăng 41%). Bảy tháng đầu năm nay, lợi nhuận tiếp tục tăng tới 32% so với cùng kỳ.

Quy tụ được nhân tài, dẫn dắt và đón đầu xu hướng, cung cấp các giải pháp công nghệ trọn gói, FPT hiện đang đồng hành với nhiều ông lớn trên thế giới trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đó cũng là cơ hội để Tập đoàn có thể lựa chọn đầu việc, sàng lọc đối tác với những hợp đồng có biên lợi nhuận cao hơn. Đơn cử, xuất khẩu phần mềm có thể nâng biên lợi nhuận 16 - 17% hiện nay lên trên 20%.

Theo dự báo của IDC (Worldwide Digital Transformation 2018 Predictions), từ nay cho đến năm 2019, chi tiêu cho chuyển đổi số trên toàn cầu sẽ đạt 1.700 tỷ USD.

35% các nhà sản xuất lớn trên thế giới sẽ ứng dụng các giải pháp phần mềm cho sản xuất thông minh để tối đa hóa hiệu quả hoạt động và thời gian đáp ứng. Đây chính là dư địa để FPT tiếp tục tăng tốc, chinh phục những đỉnh cao mới, nuôi giấc mơ xây dựng một thương hiệu Việt trường tồn.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Chúng tôi nhận ra có 5 bí quyết tạo nên FPT của ngày hôm nay

30 năm qua, cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, FPT đã có những thay đổi đột phá mà bản thân những người sáng lập cũng khó có thể nghĩ tới. Để có FPT của hôm nay, đâu là những kinh nghiệm có thể đúc kết, thưa ông?

Chúng tôi nhìn nhận rằng có 5 bí quyết tạo nên FPT của ngày hôm nay.
FPT: Mở lối tiên phong ảnh 2

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT 

Thứ nhất, đó là trọng dụng nhân tài. May mắn tôi là dân chuyên toán, thi đại học tốt nên được cử vào trường tốt nhất thời ấy (Đại học Tổng hợp Matxcova). Những người giỏi của thế hệ chúng tôi khi đó đều là bạn bè. Bởi vậy, khi chúng tôi kêu gọi nhóm sáng lập FPT, họ đều là những người giỏi, được Nhà nước tuyển chọn nhiều vòng. Từ đó, chúng tôi liên tục có một khát vọng tìm người tài giỏi để thực hiện những điều lớn lao.

Thứ hai, vì những người sáng lập là bạn bè và thường xuyên tranh luận với nhau mọi vấn đề trong quá trình học, nên chúng tôi đã tạo ra văn hóa của nhóm sáng lập và sau này chính là văn hóa Tập đoàn FPT, đó là dân chủ, tôn trọng cá nhân và sáng tạo.

Thứ ba, kế thừa truyền thống ham học, FPT rất chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những tập đoàn hàng đầu thế giới như IBM, HP, Microsoft… Chúng tôi học họ cả cấu trúc hệ thống, tổ chức, quy trình. FPT được xây dựng với nền tảng về kiến trúc, kiến tạo công ty dựa trên những bài học quốc tế như vậy.

Thứ tư, đó là tinh thần dũng cảm, dám tiên phong khi chưa có con đường, sẵn sàng thất bại, chấp nhận mạo hiểm, dù chưa đủ năng lực, cũng chưa biết làm thế nào, nhưng vẫn dám toàn cầu hóa để “bán” trí tuệ Việt Nam ra thế giới với khát vọng ghi tên Việt Nam trên bản đồ số.

Thứ năm, FPT đã thành công đưa văn hóa học tập, tinh thần ham học của nhóm sáng lập vào Tập đoàn, biến FPT thành tổ chức học tập. 

Giấc mơ lớn mà FPT đang thực hiện gắn với chiến lược chuyển đổi số nhằm đón đầu cách mạng 4.0. Cho đến thời điểm này, Tập đoàn đã đặt chân đến đâu trên hành trình mới?

Chuyển đổi số chỉ mới khởi động. Đến lúc này, chúng ta chưa có một tổ chức truyền thống nào đã thành công trong chuyển đổi số.

Giai đoạn đầu tiên của chuyển đổi số là tích hợp dữ liệu, có thể giám sát thông tin của toàn bộ quá trình, tổ chức.

Giai đoạn tiếp theo là khai thác trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, máy học… biến dữ liệu thành giá trị cụ thể để phục vụ từng con người tốt hơn, giúp các tổ chức, doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn, tiến tới tự động hóa, năng suất cao hơn.

Giai đoạn ba, thế giới ảo và thật sẽ là một, cùng trên một hệ thống thông tin và vận hành. Khi đó, công việc, cách thức làm việc, giao tiếp của con người sẽ đổi sang trạng thái mới. Một thế giới mới - thế giới số sẽ được hình thành, trong đó kinh tế - xã hội biến thành kinh tế xã hội số.

Đây là mô hình chung về chuyển đổi số trên toàn thế giới. Trong tương lai 5 năm tới, FPT đang tập trung vào giai đoạn 1, từng bước vào giai đoạn 2. 

Những thách thức nào FPT phải khắc phục trong chiến lược mới, đâu là lợi thế và sức mạnh để FPT thực thi chiến lược mới?

Thách thức lớn nhất, chuyển đổi số là công việc mới và khó, đòi hỏi không chỉ các chuyên gia về công nghệ, mà cả các chuyên gia về kiến thức ngành.

Sức mạnh FPT có được là từ 8 năm bước vào lĩnh vực chuyển đổi số. Với thực tiễn Việt Nam và quốc tế, FPT đã sớm tham dự vào chuyển đổi số trong và ngoài nước một cách tích cực.

Thông qua những công việc cụ thể, FPT đã xây dựng được năng lực công nghệ và nghiệp vụ chuyên ngành để giúp đỡ các ngành hàng không và sản xuất máy bay, nhà máy thông minh, ngành ô tô, logistics, bất động sản, y tế, truyền thông quảng cáo và giải trí (CME)…

Tập đoàn đã trở thành đối tác sớm nhất của các tập đoàn cung cấp nền tảng số như GE, Siemens, Toshiba... FPT đang có gần 1.500 chuyên gia sở hữu các chứng chỉ liên quan đến các nền tảng công nghệ 4.0 như IoT, GE Predix, MindSphere, Skywise… và trong tương lai con số này sẽ được nâng lên nhiều hơn nữa. 

Công nghệ đã thay đổi trật tự bản đồ các doanh nghiệp lớn trên thế giới, trong dòng chảy này có thể mường tượng FPT như thế nào sau 5 năm nữa và xa hơn?

Ưu tiên hàng đầu của FPT trong những năm tới là nghiên cứu và phát triển các công nghệ lõi, cạnh tranh bình đẳng với những người khổng lồ trên thế giới, từ đó khẳng định mình là tập đoàn công nghệ số hàng đầu. Trong tương lai 5 năm, FPT kỳ vọng sẽ có tên trong các công ty chuyển đổi số trên thế giới.

Xa hơn, chúng tôi khát khao trở thành doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ trong ngành ô tô, thành người dẫn đầu triển khai sản xuất thông minh và các giải pháp giao thông 4.0, y tế 4.0, chính phủ 4.0, tài chính 4.0 được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các nền tảng số của FPT như FPT.AI… sẽ được phổ cập.

Tin bài liên quan