Giới đầu cơ cổ phiếu Mỹ tin chắc rằng tình hình tại châu Âu có thể trở nên xấu hơn và tác động đa chiều lên các khu vực khác.

Giới đầu cơ cổ phiếu Mỹ tin chắc rằng tình hình tại châu Âu có thể trở nên xấu hơn và tác động đa chiều lên các khu vực khác.

Fitch vừa dọa, Phố Wall liền lao dốc

Việc tổ chức định mức tín nhiệm Fitch Ratings cảnh báo về các tác động tiềm tàng của cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu lên triển vọng kinh tế thế giới và hệ thống tài chính ngân hàng Mỹ đã khiến Phố Wall trượt mạnh. Lực bán tháo càng về cuối ngày càng tăng mạnh.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/11, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 190,57 điểm, tương ứng 1,58%, xuống còn 11.905,59 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 20,90 điểm, tương ứng 1,66%, xuống 1.236,91 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 46,59 điểm, tương ứng 1,73%, xuống mức 2.639,61 điểm.

 

Khối lượng chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq đạt khoảng 7,4 tỷ cổ phiếu, thấp hơn khá nhiều so với mức giao dịch trung bình hàng ngày 8 tỷ cổ phiếu từ đầu năm 2011 tới nay. Tỷ lệ cổ phiếu giảm/ tăng ở sàn New York là 16/5, còn ở sàn Nasdaq, hễ 8 cổ phiếu giảm điểm thì có 3 mã tăng điểm.

 

Hôm qua, mở phiên giao dịch, thị trường đã rớt điểm khá mạnh do tổ chức định mức tín nhiệm Moody's hạ bậc tín dụng của nhiều ngân hàng công tại Đức, với lý do khả năng nhận được sự giúp đỡ từ bên ngoài khi cần thiết đã suy yếu. Nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng sụt giảm mạnh.

 

Đà bán tháo tăng mạnh hơn vào cuối phiên, sau khi Fitch Ratings cảnh báo hệ thống tài chính ngân hàng của Mỹ có thể rơi vào trạng thái bất ổn nếu cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu không được giải quyết sớm và dứt điểm.

 

Trong bối cảnh chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu 10 năm của Pháp và Đức đã tăng cao kỷ lục thì những động thái liên tiếp của các tổ chức định mức tín nhiệm càng làm cho nhà đầu tư thêm lo lắng và càng tin chắc rằng, khủng hoảng nợ đã vượt vòng kiểm soát, tác động sang cả những nền kinh tế khu vực khác.

 

Trước tác động của những thông tin kém lạc quan như vậy, cổ phiếu các nhóm ngành đồng loạt sụt giảm mạnh. Trong đó đáng chú ý, cổ phiếu các công ty sản xuất hàng hóa, nguyên liệu thô hạ 1,98%; cổ phiếu năng lượng hạ 0,99%; cổ phiếu tài chính mất 2,13%; cổ phiếu công nghệ giảm 1,58%.

 

Khác với thị trường Mỹ, các sàn châu Âu diễn biến không đồng nhất trong phiên giao dịch đêm qua. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm thêm 0,15% xuống còn 5.509,02 điểm. Chỉ số DAX của Đức hạ 0,33% xuống 5.913,36 điểm. Ngược dòng, chỉ số CAC 40 của Pháp tiến 0,52% xuống 3.064,90 điểm.

 

Trong khi đó, các thị trường châu Á giảm điểm ngày thứ hai liên tiếp sau khi lợi tức trái phiếu chính phủ của Italy tăng trên 7%, do lo ngại rằng chính phủ mới sẽ khó kiểm soát được cuộc khủng hoảng nợ. Chỉ số MSCI khu vực giảm 1,2% xuống 116,26 điểm. Phiên hôm qua, chỉ số này cũng đã hạ 0,9%.

 

Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất, với chỉ số Shanghai Composite để mất tới 2,48% xuống còn 2.466,96 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông hạ 2% sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định tăng trưởng tín dụng nhanh tại Hồng Kông sẽ làm gia tăng nợ xấu đối với hệ thống ngân hàng.

 

Chỉ số Kospi của thị trường chứng khoán Hàn Quốc để mất 1,59% xuống còn 1.856,07 điểm. Chỉ số Taiex của thị trường Đài Loan hạ 1,38% xuống mức 7.387,52 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản bốc hơi 0,92% xuống còn 8.463,16 điểm. Chỉ số Straits Times của Singapore hạ 0,15%.