Fintech cần có hệ thống nhiều sản phẩm, dịch vụ khác nhau nhưng liên thông, liên kết tạo thành một thế trận

Fintech cần có hệ thống nhiều sản phẩm, dịch vụ khác nhau nhưng liên thông, liên kết tạo thành một thế trận

Fintech Việt, anh là ai?

(ĐTCK) Nếu so sánh với ngành viễn thông, điện lực, hàng không…, theo ông Nguyễn Hoà Bình - Chủ tịch Next Tech Group, có thể thấy rõ tốc độ phát triển của ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng, là quá chậm khi mà hiện không phải ai cũng được sử dụng. Bên cạnh các yếu tố chủ quan, cũng cần thấy rằng dịch vụ tài chính - ngân hàng vẫn thiếu sự đổi mới, cải tiến và phát triển.

Trên thực tế, hiện vay vốn ngân hàng đối với một cá nhân hay một doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn, ước tính tới 80% đề nghị vay vốn có thể bị hủy bỏ.

Trong khi đó, chỉ có khoảng 30% dân số được sử dụng những dịch vụ tài chính ở một mức độ nhất định, chưa nói đến những dịch vụ cao cấp như: thẻ tín dụng… thì con số này lại càng thấp hơn nữa.

Từ đó có thể thấy, ngành dịch vụ tài chính trên thế giới nói chung và dịch vụ tài chính ở Việt Nam nói riêng trong chừng mực nào đó vẫn còn nhiều bất cập.

Cũng chính vì vậy, thời gian qua, khái niệm tài chính toàn diện được truyền thông nhiều hơn để tất cả mọi người thấy được lợi ích và để thay thế cho tài chính truyền thống chưa phát huy hết vai trò phục vụ xã hội.

Vậy theo ông Fintech có thể xử lý được những khiếm khuyết của tài chính truyền thống?

Fintech xuất hiện như một con ong đem mầm sống tài chính đi lan tỏa khắp nơi với sứ mệnh tái định nghĩa dịch vụ tài chính theo hướng đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả, giúp ai ai cũng có cơ hội trải nghiệm và sử dụng dịch vụ tài chính.

Fintech thực chất mang lại không chỉ lợi ích cho người dùng khi được sử dụng dịch vụ tài chính một cách thực tế, khả thi mà đồng thời còn giúp cho các ngân hàng có một cuộc cách mạng cải tiến chính mình.

Fintech cũng là một hệ sinh thái bao phủ mọi hoạt động, tiếp cận đến từng phân khúc trong bản đồ rộng lớn của dịch vụ tài chính. Fintech được ví như một cánh tay nối dài giúp nhân rộng ngành dịch vụ tài chính. 

Còn tại Việt Nam thì sao, thưa ông?

Tại Việt Nam, Fintech chưa thực sự bao phủ hết tất cả hệ sinh thái mà vẫn còn nhiều thiếu sót. Hiện nay Fintech mới chỉ phát triển ở lĩnh vực thanh toán (payment) và manh nha có xu hướng mở rộng sang đồng tiền kỹ thuật số. Tuy vậy, Fintech ở Việt Nam vẫn chưa đầy đủ và quyết liệt.

Ông Nguyễn Hoà Bình.

Nhìn nhận một cách khái quát, trong thị trường tài chính Việt Nam, Fintech đang giữ vai trò là người tiên phong bởi thực trạng chúng ta có thể nhìn nhận thấy ngành ngân hàng truyền thống với những góc nhìn cũ, cách làm thiếu sót, không có sự đổi mới. Ngân hàng hiện tại cũng có những ứng dụng công nghệ nhất định, nhưng chưa đủ triệt để để có thể thay đổi được bản chất hoạt động.

Trong làn sóng cách mạng công nghệ số như hiện nay, sự ra đời, phát triển của Fintech là điều đương nhiên, đứng giữa khách hàng và ngân hàng, trở thành cánh quân tiên phong giúp thúc đẩy thị trường, phát triển nhanh chóng, thay đổi từ gốc rễ.

Nhưng tất nhiên, Fintech để có được vị thế như vậy là cả một quá trình nhiều công sức. Đơn cử như lĩnh vực Fintech – Payment, để có được những ông trùm mạnh như bây giờ đã có rất nhiều cái tên hi sinh, giống như một trận chiến, phía sau chiến thắng là biết bao hy sinh, mất mát.

“Hy sinh” như vậy, nhưng như chính ông nói, Fintech vẫn “chưa đầy đủ và quyết liệt”. Theo ông, khó khăn trong quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp Fintech Việt là gì?

Mọi người hay nói về vốn, tôi cho rằng, đó là một vấn đề nhưng không phải là vấn đề quan trọng nhất. Quan trọng nhất là phải tìm ra được hướng đi, chiến lược, chiến thuật cho các doanh nghiệp Fintech. Làm thế nào để đưa đến một sản phẩm tiện hơn và tiếp thị được ra thị trường.

Khó khăn nữa đến từ chính giới ngân hàng truyền thống bởi tư duy bảo thủ. Rõ ràng Fintech đang hỗ trợ, giúp đỡ ngân hàng nhưng một số ngân hàng vẫn chưa nhận thức được vai trò của Fintech mà có những nghi ngờ, sợ cạnh tranh và có tư tưởng từ chối hợp tác. Bên cạnh những ngân hàng rất cởi mở, nhiệt tình đổi mới như VietinBank, Vietcombank, VPBank… thì số còn lại vẫn đang hạn chế. Lối tư duy bế quan tỏa cảng đó đang đi ngược lại với cuộc cách mạng.

Vậy làm thế nào để Fintech có được những hướng đi chuẩn?

Cần phải mang đến sự TIỆN hơn hoặc LỢI hơn cho khách hàng. Như vậy mới có thể thay đổi được những truyền thống cũ kỹ.

Ví dụ cụ thể cho câu chuyện TIỆN hơn đó là hoạt động thanh toán thẻ ngân hàng qua thiết bị điện tử. Nếu bình thường một cửa hàng/doanh nghiệp muốn lắp máy POS của ngân hàng phải mất thời gian thậm chí cả tháng trời với nhiều thủ tục phức tạp thì sự xuất hiện sản phẩm từ Fintech – Mpos, một thiết bị có chức năng thanh toán thẻ tương tự, cửa hàng/doanh nghiệp chỉ mất 1 ngày để lắp đặt và đi vào hoạt động.

Còn LỢI, Mpos mang đến chương trình “Mua sắm thanh toán trả góp bằng thẻ tín dụng với lãi suất 0%”. Một ưu đãi quá lợi cho cả thương nhân và khách hàng. Thương nhân có nhiều khách hàng, bán được nhiều sản phẩm, tăng doanh thu còn khách hàng được mua sắm đa dạng nhờ hình thức thanh toán linh hoạt.

Hoặc một ví dụ khác, thời điểm năm 2009, để có được một kết nối thanh toán trực tuyến là cực kỳ khó khăn. Doanh nghiệp phải làm việc với ngân hàng mất cả tháng, cả năm trời chưa hẳn đã thành công. Nhưng với sự ra đời của cổng thanh toán Ngân lượng, chỉ mất chưa đến một tiếng là doanh nghiệp có thể đăng kí thành công dịch vụ thanh toán trực tuyến.

Điều gì khiến các ngân hàng quan ngại khi hợp tác với Fintech trong khi lợi ích rõ ràng là nhìn thấy được, theo ông?

Tôi cho rằng các ngân hàng sợ khi hợp tác với Fintech, họ sẽ mất khách hàng, qua Fintech khách hàng sẽ lựa chọn những ngân hàng khác có dịch vụ tốt hơn. Và chắc chắn với tư duy hạn hẹp, không cởi mở như vậy thì tương lai các ngân hàng sẽ gặp khó khăn trước làn sóng Fintech mạnh mẽ.

Giải pháp giúp ngân hàng và Fintech cùng phát triển chỉ có thể là thay đổi tư duy, cách nhìn. Tuyên truyền để ngân hàng hiểu và nhận thức ra lợi ích của Fintech với một nền tài chính toàn diện. Trong cuộc vận hành này, ngân hàng nào đi sớm sẽ được hưởng lợi ích sớm.

Đó là về phía ngân hàng, còn từ phía các Fintech thì sao, ông có kinh nghiệm nào có thể cùng chia sẻ?

Tất nhiên, để đi đến mục tiêu “cùng phát triển” thì đòi hỏi nỗ lực cả từ hai chiều. Đối với cá nhân tôi là người tham gia vào lĩnh vực Fintech từ khá sớm, bài học quan trong nhất là không được lơ là, chủ quan và phải luôn nhanh chóng, nhạy bén bắt kịp xu thế.

Nếu chúng ta chủ quan, thờ ơ và không nhạy bén với xu thế mới thì chúng ta sẽ bị tụt hâu, bỏ rơi lại phía sau và khi nhận thức được để chạy theo thì khó khăn vô cùng.

Chẳng hạn, năm 2014 tôi còn thờ ơ với xu hướng blockchain và giờ nhận ra mình bị bỏ xa quá, đang đuổi theo và đang bị tụt hơi. Tôi thực sự hối tiếc vì chậm và lỡ mất cơ hội.

Fintech Việt, anh là ai? ảnh 2

Bên cạnh đó, để có thể tồn tại và phát triển cần có một hệ sinh thái: hệ thống nhiều sản phẩm, dịch vụ khác nhau nhưng có sự liên thông, liên kết tạo thành một thế trận. Ví dụ như tại Next-Tech chúng tôi có gần 20 công ty con hoạt động trong 3 lĩnh vực chính: E-Payment, E-Logistic, E-Ecommerce luôn tương thông, hỗ trợ nhau.

Và ngay trong lĩnh vực Fintech cũng có 3 công ty thanh toán, hỗ trợ theo từng phân khúc cụ thể. Ngoài ra, toàn cầu hóa - hoạt động không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác cũng là một lợi thế. Với tư duy, từ ao làng bước ra thế giới, là cơ hội để va chạm, học hỏi, phát triển.

Cuối cùng, có bề dày lịch sử hình thành và phát triển sẽ tạo nên một thế mạnh vững chắc nhất định, chứng tỏ được kinh nghiệm và sức mạnh của mình.

Nhìn về tương lai Fintech Việt, ông sẽ nói gì?

Fintech Việt là đương nhiên, là tất yếu, không có gì phải nghi ngờ. Vấn đề chỉ là ai làm tốt nhất? Là người Việt làm được hay người nước ngoài làm? Doanh nghiệp nào sẽ làm thành công? Với góc nhìn chuyên môn của tôi, trong tương lai không xa, vai trò của ngân hàng truyền thống sẽ giảm đi, vai trò của Fintech sẽ ngày càng phát triển. 

Tin bài liên quan