Xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm cho Fintech ở Việt Nam

Xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm cho Fintech ở Việt Nam

(ĐTCK) Cơ quan quản lý ở các nước đang phản ứng rất nhanh trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tài chính (Fintech), khi mà các sản phẩm, dịch vụ tài chính hay kênh phân phối mới khó có thể đáp ứng được tất cả yêu cầu của quy định hiện hành. Để giải quyết vấn đề này, một số nước đã thực hiện cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) đối với các công ty Fintech.

Khung quản lý thử nghiệm cho phép các công ty tiến hành thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ hoặc các giải pháp trong thị trường dưới một môi trường quy định thoải mái hơn, nhưng trong một không gian và thời hạn cụ thể theo thỏa thuận với các cơ quan quản lý.

Thực tế, cơ chế quản lý thử nghiệm đã được thực hiện ở nhiều nước trên thể giới. Theo thống kê mới nhất của UNSGSA và CCAF (2019), hiện có 31 quốc gia đã đưa cơ chế quản lý thử nghiệm vào hoạt động, 9 nước chuẩn bị tiến hành và 9 nước đã đề xuất cơ chế quản lý thử nghiệm Fintech.

Riêng khu vực Đông Nam Á, các nước đã áp dụng khung thực nghiệm Fintech bao gồm Singapore, Thai Lan, Indonesia, Brunei, Malaysia, Philippines. Tại Việt Nam, đại diện của Ngân hàng Nhà nước đã gửi Đề án xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm lên Chính phủ.

Theo kinh nghiệm và quan sát việc áp dụng cơ chế quản lý thử nghiệm trên thế giới, người viết đưa ra một số điểm chính nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của Fintech tại Việt Nam trong tương lai.

Để xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm chặt chẽ, cơ quan quản lý cần phải giải quyết 10 câu hỏi lớn sau: Đối tượng tham gia vào cơ chế quản lý thử nghiệm là ai? Những lợi ích chính của cơ chế quản lý thử nghiệm là gì?

Lợi ích của các tổ chức tài chính có thể nhận được từ cơ chế quản lý thử nghiệm là gì? Nộp đơn đăng ký như thế nào? Khi nào có thể nộp đơn xin tham gia cơ chế quản lý thử nghiệm? Tiêu chí đánh giá là gì?

Quá trình xử lý đơn đăng ký của ứng viên trong bao lâu? Thời hạn tham gia thử nghiệm là bao lâu? Chuyện gì sẽ xảy ra sau khi kết thúc thử nghiệm? Có vấn đề nào khác mà các ứng viên cần phải lưu tâm?

Ở đây, người viết chủ yếu tập trung phân tích một số ý trọng điểm từ 10 câu hỏi trên và đưa ra một số hàm ý trong xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm fintech tại Việt Nam.

Thứ nhất, việc xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm phải triển khai nhanh, bởi tốc độ phát triển của công nghệ rất nhanh. Theo đó, Chính phủ nên giao quyền tiến hành cơ chế quản lý thử nghiệm cho các cơ quan quản lý khác nhau và được chia thành 3 cơ chế:

(1) Khung quản lý thử nghiệm của Ngân hàng Nhà nước áp dụng cho các tổ chức tín dụng, các Fintech liên quan đến tổ chức tín dụng;

(2) Khung quản lý thử nghiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước áp dụng cho lĩnh vực chứng khoán và phái sinh, chẳng hạn Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) đang tiến hành thử nghiệm tư vấn robot (mặc dù chỉ đang ở mức đơn giản);

(3) Khung quản lý thử nghiệm cho lĩnh vực bảo hiểm áp dụng cho các công ty bảo hiểm, đại lý, các công ty Fintech liên quan đến bảo hiểm. Để hỗ trợ các công ty Fintech trong quá trình thử nghiệm, việc xây dựng Trung tâm Fintech (Fintech Hub) là rất cần thiết và TP.HCM là địa điểm phù hợp bởi 60% công ty Fitech đặt trụ sở tại đây và nhiều câu lạc bộ Fintech đã được thành lập, song quan trọng hơn, định hướng này phù hợp với đề án phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực.

Thứ hai, về hình thức nộp đơn đăng ký, với sự hỗ trợ của đại diện Fintech Hub, ứng viên thuộc mảng nào trong 3 mảng chính nêu trên thì sẽ liên hệ trực tiếp với cơ quan quản lý. Hình thức nộp đơn online nên được khuyến khích để tiết kiệm thời gian. Quy trình và trình tự theo khung mẫu quy định bởi cơ quan quản lý. Cần lưu ý rằng, nhìn chung, các cơ quan quản lý nhìn nhận cơ chế quản lý thử nghiệm chỉ là bước sơ khởi cho sự phát triển của Fintech, nên việc chấp nhận cho thử nghiệm phải nhanh chóng và không cứng nhắ, nên tạo hành lang để tiến hành thử nghiệm hơn là phải trình duyệt các cấp.

Thứ ba, tiêu chí đánh giá phải rõ ràng, cụ thể theo từng cơ chế quản lý thử nghiệm (cơ chế Ngân hàng Nhà nước, cơ chế Ủy ban Chứng khoán và cơ chế ISA). Các cơ quan quản lý có thể lấy ý kiến từ các tổ chức tín dụng, câu lạc bộ Fintech hay công ty Fintech.

Thứ tư, về thời gian xét duyệt hồ sơ, theo kinh nghiệm của các nước, công đoạn này diễn ra trong khoảng 21-45 ngày. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần tuyển dụng những thành viên có kinh nghiệm, trình độ cao, cũng như có chính sách phù hợp trong trường hợp số lượng đơn đăng ký quá nhiều.

Thứ năm, các cơ quan quản lý nên cân nhắc thời gian thử nghiệm nên là 1 năm nhằm giảm sự ì ạch của các doanh nghiệp Fintech. Nếu cần thiết có thể gia hạn, nhưng phải có lý do và khung gia hạn cụ thể.

Thứ sáu, sau thời hạn thử nghiệm, cơ chế cần nêu rõ Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán và ISA vẫn có thể hủy cấp phép (mặc dù thử nghiệm thành công) trong trường hợp các cơ quan quản lý xét thấy không phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, các công ty Fintech sau khi tham gia thử nghiệm thành công và đáp ứng đầy đủ các quy định của cơ quản lý có thể tiến hành các hoạt động, trừ khi có luật mới bắt đầu có hiệu lực

Cuối cùng, cơ quan quản lý cần cân nhắc về chi phí xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm. Việc xây dựng khung pháp lý thử nghiệm ở các nước đang phát triển có thể kéo dài 18 tháng. Quá trình này đòi hỏi có sự kết hợp chặt chẽ giữa tư vấn nội bộ (chuyên gia quản lý cao cấp), các công ty tư vấn bên ngoài và các công ty đang hoạt động trong thị trường.

Ngày 7/11/2019, Báo Đầu tư sẽ tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy triển khai cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam”.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia sẽ cùng nhau phân tích về sự cần thiết tạo lập một cơ chế Sandbox tại Việt Nam, cách thức triển khai phù hợp nhất dựa trên những kinh nghiệm thành công của các nước trên thế giới. Đại diện các doanh nghiệp cũng sẽ đưa những góc nhìn từ thực tế hoạt động và kiến nghị các giải  pháp chính sách tới các cơ quan chính phủ.

Thông qua đó sẽ cung cấp các thông tin hữu ích giúp các cơ quan quản lý có thêm góc nhìn toàn diện về nền kinh tế chia sẻ, thấu hiểu hoạt động của doanh nghiệp, từ đó tạo lập và sửa đổi các khuôn khổ pháp lý một cách linh hoạt và hợp lý trước khi đưa ra các quy chế quản lý mới. Đồng thời, giúp nâng cao nhận thức của thị trường, lan tỏa thông điệp về những giá trị tích cực, lợi ích thiết thực mà các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ đã mang lại cho nền kinh tế Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tin bài liên quan