Mua hàng ở chợ cá tại Thâm Quyến cũng quét QR code để trả tiền. Ảnh: SCMP.

Mua hàng ở chợ cá tại Thâm Quyến cũng quét QR code để trả tiền. Ảnh: SCMP.

Thanh toán di động và mối lo ngại về dữ liệu cá nhân

Người mua hàng ở Thâm Quyến, Trung Quốc, đang lo lắng về việc bảo vệ quyền riêng tư cá nhân khi mọi thứ đang hoàn toàn bị "số hoá". 

Wang Xiaoxu, một kỹ sư 28 tuổi làm việc tại trung tâm công nghệ Thâm Quyến, chia sẻ: "Thật thất vọng và mệt mỏi, tôi đã hủy bữa ăn với bạn bè sau khi hệ thống của nhà hàng yêu cầu chia sẻ dữ liệu cá nhân điện thoại di động và tôi từ chối".

Cô còn cho biết, nhà hàng không cung cấp bất kỳ thực đơn giấy nào, chỉ có mã QR để quét trên bàn.

"Tôi sẽ phải đồng ý với yêu cầu thu thập tên, hình ảnh cá nhân và tài khoản WeChat của mình để xem menu, đặt hàng hoặc thanh toán hóa đơn", Wang nói.

Trải nghiệm của Wang đang ngày càng phổ biến ở Trung Quốc, nơi mọi người chào đón sự tiện lợi của các dịch vụ kỹ thuật số, mà không hiểu hết được những tiêu cực tiềm ẩn của việc chia sẻ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, điều này đang thay đổi vì nhận thức của người dân đã nâng cao hơn.

Tháng trước, Chang Lijie, một người sống tại Thâm Quyến, cho biết, anh đã không mua vé xem phim trực tuyến sau khi Maoyan, ứng dụng bán vé phim lớn nhất của Trung Quốc, yêu cầu cung cấp số điện thoại và nhiều thông tin cá nhân khác.

"Thật khó chấp nhận rằng tôi phải chia sẻ dữ liệu cá nhân của mình chỉ để xem một bộ phim hoặc ăn món gì đó", anh nói. "Tôi có thể cung cấp vị trí cho một ứng dụng thời tiết để xem các dự báo, nhưng tại sao phải chia sẻ số điện thoại và ID của mình để mua vé xem phim?".

Mặc dù xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt được áp dụng rộng rãi tại Trung Quốc, nhưng tại Thâm Quyến, mọi thứ từ ăn uống và mua sắm cũng bị biến thành các trải nghiệm trực tuyến.

Ông Loding Zhang, cựu giám đốc của công ty nghiên cứu Sootoo có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết: "Những người không quan tâm đến rò rỉ dữ liệu cá nhân, có thể không nhận ra làm thế nào điều đó có thể ảnh hưởng tới họ".

Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc (CCA) cũng cho biết họ phát hiện ra một số lượng lớn ứng dụng điện thoại thông minh ở Trung Quốc đang thu thập quá nhiều dữ liệu cá nhân, bao gồm vị trí người dùng, danh sách liên lạc và số điện thoại di động. Một báo cáo được công bố vào cuối năm ngoái cho biết 91 trong số 100 ứng dụng di động bị đưa vào diện "thu thập quá nhiều dữ liệu người dùng".

Wu Shenkuo, Tổng thư ký của Viện nghiên cứu phát triển Internet Trung Quốc cho biết, nhiều ứng dụng thu thập lượng dữ liệu cá nhân vượt quá yêu cầu của dịch vụ. "Hành động này có thể được coi là vi phạm pháp luật", ông Wu nhận định.

Các công ty Internet của Trung Quốc thì biện minh rằng họ sẽ sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo để phân tích lượng lớn dữ liệu này và tạo ra trải nghiệm tiêu dùng hiệu quả, cá nhân hóa cao hơn. Tuy nhiên, nhiều báo cáo về quyền riêng tư gần đây cũng khiến những công ty này phải đối mặt với việc lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Báo cáo Internet Trung Quốc trong năm 2019 cho thấy AI được sử dụng trên quy mô lớn ở nước này. Các ứng dụng từ trả tiền vé tàu điện ngầm tới vào khách sạn đều sử dụng nhận dạng khuôn mặt, giúp nhà chức trách theo dõi những người bị truy nã chạy trốn hoặc vi phạm luật giao thông. "Trong thời đại AI ngày ngay, nếu xem dữ liệu như xăng dầu thì Trung Quốc có nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác", Kai-fu Lee, cựu Chủ tịch Google Trung Quốc nhận định.

Tuy nhiên, nước này vẫn chưa có đạo luật hoàn chỉnh nào về quyền riêng tư. Trong suốt hai phiên họp vào tháng 4 vừa qua, Zhang Yesui, người phát ngôn của Quốc hội cho biết chính quyền đang gấp rút soạn thảo luật để bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhưng chưa cho biết khi nào sẽ hoàn thành hoặc ban hành.

Không chỉ Trung Quốc đang phải đối mặt với khủng hoảng quyền riêng tư dữ liệu, Thượng viện Mỹ đã tổ chức các phiên điều trần về đạo luật riêng tư mới để bảo vệ người Mỹ, còn EU thì đã áp dụng quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) vào tháng 5/2018.

Người sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg, đã nói rằng việc điều chỉnh thêm việc sử dụng dữ liệu cá nhân sẽ khiến cho Mỹ tụt hậu so với các công ty Trung Quốc, đặc biệt là khi nói đến đổi mới AI dựa trên dữ liệu.

Một cuộc khảo sát từ CCA năm ngoái cho thấy 85% người dân ở Trung Quốc đã bị rò rỉ dữ liệu. Số điện thoại và địa chỉ email của họ được bán cho những người chuyên spam thư rác.

Mặc dù mối quan tâm của người dùng Trung Quốc về quyền riêng tư dữ liệu cá nhân đang tăng lên, nhưng nhiều người vẫn không có lựa chọn nào khác ngoài việc chia sẻ dữ liệu hay bị chặn sử dụng ứng dụng yêu thích và không thể mua hàng.

"Tôi không quan tâm đến việc thu thập dữ liệu vì camera có ở khắp mọi nơi. Do vậy, những nỗ lực bảo vệ thông tin cá nhân của tôi chỉ đơn giản là vô ích", ông Yu Zhiyao, một nhân viên bán hàng 32 tuổi ở Trung Quốc cho biết. "Tôi tự an ủi bản thân rằng các ứng dụng đó sẽ giúp cuộc sống hàng ngày thuận tiện hơn".

Tin bài liên quan