Quy định không được mở quá 1 ví điện tử tại một tổ chức cung ứng dịch vụ có hợp lý?

Quy định không được mở quá 1 ví điện tử tại một tổ chức cung ứng dịch vụ có hợp lý?

(ĐTCK) Thanh toán là khâu then chốt trong mỗi giao dịch kinh tế, do đó, hoạt động thanh toán phát triển mạnh mẽ và bền vững hay không phụ thuộc việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này. Trong những năm vừa qua, lĩnh vực trung gian thanh toán đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử và nền kinh tế số tại Việt Nam.

Nhận định trên được ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI đưa ra tại Hội thảo góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-NHNN về trung gian thanh toán được tổ chức sáng 10/5. 

“Do đó, việc hoàn thiện Dự thảo thông tư hết sức quan trọng, một mặt cần đảm bảo an toàn cho người dùng, nhưng mặt khác cũng cần tạo thuận lợi để giao dịch trực tuyến phát triển theo định hướng của Chính phủ”, ông Tuấn nói.

Đại diện cho cơ quan soạn thảo, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, dự thảo thông tư có nhiều quy định cụ thể để quản lý hoạt động trung gian thanh toán và ví điện tử.

Trong đó, đáng chú ý bao gồm việc áp dụng hạn mức giao dịch qua ví điện tử (tối đa không quá 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng đối với cá nhân, 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng đối với tổ chức); hay như yêu cầu người dùng phải khai báo thông tin cá nhân khi mở ví và không được mở quá 1 ví điện tử tại một tổ chức cung ứng dịch vụ.

Đồng thời, Dự thảo cũng giữ nguyên quy định yêu cầu tất cả các giao dịch nạp - rút tiền của ví điện tử phải thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng.m Bên cạnh đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ phải có công cụ cho phép NHNN theo dõi hệ thống và các số liệu giao dịch.

Quy định không được mở quá 1 ví điện tử tại một tổ chức cung ứng dịch vụ có hợp lý? ảnh 1

Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, việc đưa ra các hạn chế này nhằm giảm thiểu rủi ro các dịch vụ này bị lợi dụng để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp.

Ngoài ra, Thông tư cũng đưa ra cơ chế mới về bù trừ điện tử, theo đánh giá của NHNN sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy thanh toán điện tử giữa các ngân hàng trong tương lai.

Ông Dũng cho biết thêm, NHNN đã trình đề án về tiền điện tử (mobile money) lên Chính phủ và đang lấy ý kiến các bộ ngành về cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho FinTech. Ông Dũng cũng ghi nhận đóng góp của các doanh nghiệp FinTech về phát triển thanh toán điện tử cho dịch vụ công và khẳng định chính sách của NHNN luôn đặt mục tiêu khuyến khích thanh toán điện tử phát triển.

Phát biểu tại hội thảo, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đã có kiến nghị NHNN cần có cơ chế cởi mở hơn để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV phát biểu 

Cụ thể như, đối với quy định hạn mức giao dịch ví điện tử, đa số các ý kiến tỏ ra băn khoăn về cơ sở pháp lý và thực tế để NHNN quy định hạn mức tại dự thảo.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, cơ quan soạn thảo cần tính đến thực tế thu nhập bình quân đầu người tăng, tiêu dùng cá nhân cũng gia tăng rất nhanh, để đặt ra hạn mức không kìm hãm thanh toán điện tử.

Bên cạnh đó, ông Trần Quang Huy, Chủ nhiệm CLB Công nghệ tài chính thuộc Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, về bản chất ví điện tử là tài sản của người dùng, do đó họ cần có quyền định đoạt đối với tài sản của mình.

Đánh giá về tác động của quy định mới đến thương mại điện tử, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử cho biết, mặc dù thương mại điện tử có những tăng trưởng vượt bậc trong thời gian gần đây, thanh toán điện tử đang là điểm nghẽn, do đó cần có cơ chế khuyến khích thay vì hạn chế. Lấy ví dụ về lĩnh vực du lịch, các giao dịch đặt vé máy bay hay tour du lịch sẽ có giá trị lớn hơn nhiều so với hạn mức đề xuất tại dự thảo. 

Ngoài ra, ông Hưng cũng tỏ ra băn khoăn vì quy định hạn chế mỗi người dùng chỉ được sử dụng 1 ví điện tử tại một tổ chức cung ứng, vì trên thực tế người dùng có thể cần nhiều tài khoản kết nối ví điện tử khác nhau để phục vụ các nhu cầu tiêu dùng, giao dịch khác nhau.

Về quy định liên quan đến cơ chế xác thực người dùng, đây là vấn đề cần thiết để đảm bảo an toàn cho thanh toán điện tử. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị NHNN cân nhắc lại yêu cầu người dùng ví điện tử phải khai báo thông tin khi thực hiện hồ sơ mở ví, vì đã có thể sử dụng thông tin tài khoản ngân hàng và thuê bao điện thoại.

Theo bà Nguyễn Thuỳ Dương, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Tài chính - Ngân hàng, EY Việt Nam, hiện nay, chi phí bình quân ngân hàng để thu thập thông tin cho một tài khoản ngân hàng là 300 nghìn đồng, chưa kể các chi phí lưu trữ, quản lý phát sinh theo thời gian. Do đó, việc NHNN buộc doanh nghiệp trung gian thanh toán phải thực hiện lại thủ tục xác minh khách hàng là không cần thiết, gây phát sinh chi phí cho doanh nghiệp và xã hội. Giải pháp cần có là xây dựng cơ chế kết nối để ngân hàng, nhà mạng và các doanh nghiệp trung gian thanh toán có thể chia sẻ và cùng sử dụng thông tin khách hàng.

Bên cạnh đó, đại diện của Viettel Telecom cũng chỉ ra một số nội dung của Dự thảo chưa phù hợp với thực tế, như yêu cầu người dùng ví cung cấp số điện thoại đăng ký internet banking, trong khi hiện nay nhiều chủ tài khoản không sử dụng internet banking hay đăng ký điện thoại giao dịch với ngân hàng. Nếu có sự khác biệt giữa thông tin của doanh nghiệp ví điện tử và ngân hàng sẽ không có cách xử lý.

VCCI cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến tại Hội thảo và nhận được trong thời hạn để gửi cho cơ quan soạn thảo nghiên cứu đánh giá để tiếp thu. Thay mặt cơ quan soạn thảo, ông Phạm Tiến Dũng cũng cam kết sẽ nghiên cứu các nội dung góp ý, đặc biệt trong vấn đề hạn mức giao dịch và khẳng định mong muốn của NHNN trong việc xây dựng chính sách để khuyến khích các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.

Tin bài liên quan