Các ngân hàng tăng tốc số hóa
Vietcombank vừa tổ chức lễ khởi động dự án “Chuyển đổi ngân hàng số”. Lãnh đạo Vietcombank cho biết, xu hướng phát triển ngân hàng số được coi là tương lai của ngành ngân hàng, nên dự án là một trong những chiến lược quan trọng của Vietcombank với mục tiêu trở thành ngân hàng dẫn đầu trong lĩnh vực này trên thị trường.
Dự án được kỳ vọng góp phần giúp Ngân hàng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các mô hình kinh doanh sáng tạo dựa trên số hóa, nhằm đạt được các mục tiêu kinh doanh quan trọng và mang đến sự hài lòng cho khách hàng thông qua các trải nghiệm số hóa sử dụng nền tảng dữ liệu và công nghệ.
“Xác định 2019 là năm chuyển đổi ngân hàng số, Vietcombank sẽ đẩy nhanh kế hoạch triển khai dự án chuyển đổi ngân hàng số, ứng dụng công nghệ để phát triển dịch vụ ngân hàng thông minh và đi đầu về chuyển đổi ngân hàng số. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đang nghiên cứu thành lập Trung tâm Ngân hàng số”, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank nhấn mạnh.
Tại BIDV, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng chia sẻ, năm 2019 sẽ ưu tiên phát triển chiến lược ngân hàng số một cách toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động kinh doanh, quy trình, sản phẩm, kênh phân phối và yêu cấu quản trị hệ thống, phù hợp với xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong đó, tập trung triển khai hoạt động Trung tâm Ngân hàng số BIDV gắn với các cơ chế đặc thù về tài chính, nhân sự…, tập trung nguồn lực đẩy nhanh các dự án công nghệ nền tảng làm cơ sở phát triển ngân hàng số, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, quán triệt định hướng số hóa tại BIDV tới các đơn vị trên toàn hệ thống.
Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB thông tin, xác định mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại hàng đầu Việt Nam, SHB đã xây dựng lộ trình chuyển đổi trở thành một ngân hàng số toàn diện, hiệu quả và năng động.
Theo lộ trình này, trong vòng 5 năm tới, SHB sẽ tập trung vào triển khai các dự án theo các nhóm lĩnh vực như hướng tới khách hàng (Customer Centricity), dữ liệu lớn (Big Data), số hóa (Digital), tối ưu hóa quy trình (Process Optimization), hạ tầng công nghệ (Technology), mô hình quản trị công nghệ thông tin (IT Operating Model).
“Để thực thi lộ trình chiến lược công nghệ thông tin, ngay từ năm 2018, SHB đã khởi động các dự án trải đều ở các nhóm lĩnh vực. Định hướng hoạt động của SHB năm 2019 là phát triển ngân hàng bán lẻ đa năng theo hướng diện đại, có khả năng cạnh tranh lớn hơn với lợi thế và luôn tạo sự khác biệt, dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến”, ông Lê nhấn mạnh.
Trong định hướng kinh doanh năm 2019, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết, sẽ huy động nguồn lực để triển khai thành công 6 trọng tâm kinh doanh chiến lược, trong đó công nghệ là ưu tiên hàng đầu.
Còn tại TPBank, dù được thị trường coi là ngân hàng đi đầu trong hoạt động công nghệ, nhưng ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc cho hay, vẫn tiếp tục đầu tư phát triển công nghệ, hiện đại hóa Ngân hàng. Với mục tiêu khẳng định tên tuổi ngân hàng số hàng đầu Việt Nam, được biết, năm 2019, TPBank tập trung phát triển các dự án ngân hàng số trên cơ sở ứng dụng những giải pháp và kinh nghiệm thành công của những công ty hàng đầu thế giới.
“TPBank tiếp tục triển khai nền tảng ngân hàng số Digital Banking; chuyển đổi eBank sang nền tảng công nghệ mới; xây dựng hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu/báo cáo tập trung; số hóa tối đa các quy trình nghiệp vụ, giảm giấy tờ in ấn, các bước vận hành luân chuyển chứng từ; quy hoạch hệ thống hạ tầng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nhanh…”, ông Hưng nói.
Và những giới hạn sẽ không còn là giới hạn
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, sự phát triển kỹ thuật số đã và đang thay đổi các nền kinh tế trên toàn cầu, với tốc độ chóng mặt. Năm 2016, nền kinh tế số toàn cầu trị giá 11.500 tỷ USD, chiếm khoảng 15,5% GDP của thế giới. Tỷ lệ này dự kiến sẽ đạt 25% trong chưa đầy một thập kỷ tới. Hiện nay, 6 trong số 10 công ty hàng đầu thế giới là các công ty công nghệ, trong đó gần đây Apple đã trở thành công ty đầu tiên trên thế giới có giá trị hơn 1.000
tỷ USD.
Ông Ousmane Dione chia sẻ, WB sẽ sớm công bố một báo cáo mới về thực trạng và nền tảng của nền kinh tế số ở Đông Nam Á nhằm cung cấp thông tin về những điểm đang phát triển tốt, cũng như đang bị tụt hậu của các quốc gia trong khu vực.
Trong đó, báo cáo tập trung vào vai trò của chính sách và quy định pháp lý hiện nay đã thực sự tạo điều kiện hay vẫn cản trở sự phát triển của một môi trường thuận lợi cho nền kinh tế số. Báo cáo này cũng so sánh Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực và 1 trong 5 phát hiện chính của báo cáo quan trọng này đó là, thanh toán điện tử là một phần quan trọng trong nền kinh tế số.
“Chỉ số tài chính toàn diện toàn cầu (Global Findex) gần đây nhất của WB cho thấy, chỉ có 19% chủ tài khoản tài chính ở khu vực Đông Nam Á truy cập vào tài khoản của mình bằng điện thoại di động hoặc Internet. Con số này thấp hơn mức bình quân của các quốc gia có thu nhập trung bình trên thế giới. Chính phủ có thể hỗ trợ thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng pháp lý phù hợp và sử dụng thanh toán điện tử khi tương tác với người dân, chẳng hạn khi thanh toán cho các dịch vụ của Chính phủ hoặc nhận lương hưu. Tương tự như vậy, các chương trình căn cước công dân kỹ thuật số do Chính phủ thực hiện có thể giúp người dân truy cập tài khoản dễ dàng hơn”, ông
Ousmane Dione nói.
Bà Nguyễn Thuỳ Dương, Phó tổng giám đốc phụ trách bộ phận Dịch vụ tài chính - ngân hàng EY Việt Nam, Phó chủ tịch Câu lạc bộ FinTech Việt Nam nêu quan điểm, xu thế số hóa mạnh mẽ buộc ngành tài chính ngân hàng phải chuyển mình đổi mới để theo kịp thời đại, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau hoặc bị đào thải.
Hơn nữa, khách hàng thời nay lựa chọn đồng hành cùng một ngân hàng không những dựa trên sản phẩm hay dịch vụ lõi của ngân hàng ấy, mà họ còn kỳ vọng vào trải nghiệm mới mẻ, cũng như những tiện ích mà các ứng dụng công nghệ của ngân hàng mang lại.
Theo báo cáo phân tích về “Triển vọng ngành ngân hàng toàn cầu 2018” thực hiện bởi EY, có đến 85% ngân hàng đặt mục tiêu chuyển đổi số hóa lên hàng đầu trong 221 định chế tài chính trên 29 thị trường được khảo sát. Đa phần các ngân hàng được khảo sát tin rằng, đầu tư vào công nghệ sẽ giúp họ có được những lợi thế cạnh tranh nhất định trong việc thiết lập và mở rộng thị trường trong tương lai gần. Công nghệ mà các ông lớn ngân hàng trên thế giới tập trung đầu tư phải kể đến là dữ liệu và phân tích dữ liệu (Data and Analytics), trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) và giao diện lập trình ứng dụng (API).
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) không quá khó để khách hàng tiếp cận với các kênh thanh toán điện tử, các dịch vụ ngân hàng, chỉ cần đáp ứng được quy tắc "3-1-0" sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn, đó là mọi nghiệp vụ phải hoàn thành trong thời gian 3 phút, ứng dụng phải đáp lại yêu cầu của khách hàng trong thời gian 1 giây và không có sự can thiệp của con người trong quy trình này.
“Khẩu hiệu 3-1-0 rất đơn giản, dễ nhớ… Tôi mong muốn đưa mọi dịch vụ ngân hàng lên nền tảng mobile”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bà Dương nhận định, khoa học công nghệ đã và đang thay đổi nhân loại bằng những kỳ tích không tưởng, góp phần hiện thực hóa những giấc mơ tưởng chừng là viển vông một thời. Thế giới sẽ chứng kiến nhiều phát minh mang tính chất đột phá hơn. Chúng ta cũng có thể đoán định, công nghệ sẽ tiếp tục “làm mưa, làm gió” trong ngành tài chính - ngân hàng những năm tới.
“Sẽ không quá xa vời để kỳ vọng một ngày chúng ta có thể ngồi trên một chiếc taxi bay và thực hiện tất cả các giao dịch tài chính trên chỉ một chiếc điện thoại di động. Khi đó, những chi nhánh truyền thống sẽ được thay thế bởi mô hình ngân hàng trên nền tảng thực tế ảo (Virtual Reality), nhân viên ngân hàng sẽ là những rô-bốt được tạo nên bởi công nghệ AI và những giới hạn sẽ không còn là giới hạn...”, bà Dương nói.