Ảnh Internet

Ảnh Internet

Ngân hàng Nhà nước mạnh tay với giao dịch khống thẻ tín dụng

(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tăng cường kiểm soát hoạt động phát hành, chi tiêu qua thẻ và sẽ xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm.  

Thanh toán khống qua POS, vi phạm phổ biến

Thực hiện giao dịch thanh toán khống tại đơn vị chấp nhận thẻ (máy POS), nghĩa là trên thực tế không phát sinh việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ, với mục đích rút tiền mặt là hành vi bị cấm, nhưng vẫn diễn ra khá phổ biến.

Chị L.N.T.H ở Vũ Trọng Phụng, Hà Nội cần tiền gấp chi trả cho chuyến đi nghỉ hè của gia đình nên nhờ cô em gái là H.N.V rút tiền mặt từ thẻ tín dụng. Là nhân viên ngân hàng, biết rõ việc rút tiền trong ngân hàng sẽ bị tính phí cao hơn nên cô V đã đến nhà hàng karaoke của gia đình người bạn để rút tiền qua máy POS với mức phí 1,6%.

“Vì là chỗ quen biết nên mức phí chỉ 1,6%, còn lại bình thường người khác sẽ là 1,8%, nhưng vẫn rẻ bằng nửa so với ở ngân hàng. Mọi việc cũng rất đơn giản, ra nhà hàng chỉ việc quẹt thôi, coi như mình sử dụng dịch vụ của nhà hàng mà”, cô V nói.

Thực tế, không cần phải là nhân viên của ngân hàng mới biết thủ thuật này. Chỉ cần lên Google, gõ từ khóa “cách rút tiền trên thẻ tín dụng” sẽ hiện ra hàng loạt đường link của các bài viết có nội dung liên quan.

Theo đó, để không bị mất phí rút tiền, cũng như không phải chịu lãi suất cao như rút tiền tại cây ATM, chủ thẻ tín dụng có thể rút tiền tại các máy POS. Khi rút tiền dưới hình thức mua hàng tại các điểm chấp nhận thanh toán thẻ tín dụng này, chủ thẻ chỉ phải trả phí từ 2 - 3% và còn được hưởng lãi suất 0% trong vòng 45 ngày.

Thẻ tín dụng là loại thẻ chi tiêu trước trả tiền sau do ngân hàng cấp cho chủ thẻ, với một hạn mức nào đó và được khuyến khích dùng để thanh toán. Ngân hàng không khuyến khích rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, nên áp mức phí rút tiền khá cao, lên đến 4 - 5% số tiền rút ra, tùy từng ngân hàng.

Thậm chí, Thông tư số 19/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động thẻ ngân hàng tại khoản 2, Ðiều 8 về các hành vi bị cấm đã ghi rõ, đó là việc thực hiện giao dịch thẻ gian lận, giả mạo; giao dịch khống tại đơn vị chấp nhận thẻ (không phát sinh việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ).

Còn theo khoản 6, Ðiều 28, Nghị định 96/2014/NÐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đối với vi phạm quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm phát hành thẻ, thanh toán thẻ không đúng quy định của pháp luật. Dẫu vậy, nhiều chủ cửa hàng vẫn bắt tay với chủ thẻ thực hiện giao dịch rút tiền qua thẻ tín dụng mà không bán hàng hóa tại các điểm thanh toán.

“Quy định cấm được nêu rất rõ ràng theo luật và chế tài xử lý cũng công khai mức phạt. Thực tế, các ngân hàng đều biết hành vi vi phạm đang diễn ra, nhưng vì vẫn phát sinh doanh thu nên ngân hàng cũng... liều. NHNN nhiều lần nhắc nhở nhưng tình trạng vẫn diễn ra. Thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ mạnh tay xử lý nghiêm các đơn vị chấp nhận thẻ vi phạm quy định, cùng với đó là xử lý đến ngân hàng thanh toán và trung gian thanh toán liên quan”, một lãnh đạo cao cấp Vụ Thanh toán, NHNN chia sẻ.

Sẽ xử lý nghiêm những hành vi vi phạm

Mới đây, NHNN vừa ban hành Công văn số 6410/NHNN-TT về việc tăng cường kiểm soát, giám sát hoạt động phát hành và sử dụng thẻ tín dụng.

Công văn yêu cầu chủ tịch hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, tổng giám đốc/giám đốc các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trưởng văn phòng đại diện các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trưởng văn phòng đại diện các tổ chức thẻ quốc tế và giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc đơn vị chấp nhận thẻ thông đồng với chủ thẻ thực hiện giao dịch thanh toán khống tại đơn vị chấp nhận thẻ (nghĩa là trên thực tế không phát sinh việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ) với mục đích rút tiền mặt.

NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quy trình, quy định nội bộ, thủ tục, hồ sơ đăng ký phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

Cụ thể, đối với thẻ tín dụng, phải có quy định rõ về phạm vi sử dụng như chỉ được dùng để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ; rút tiền mặt tại POS được lắp đặt tại chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức thanh toán thẻ.

Ðồng thời, triển khai các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn (từ chối giao dịch, từ chối thanh toán thẻ, chấm dứt hợp đồng thanh toán), không cho phép lợi dụng thẻ tín dụng để sử dụng vào các mục đích không đúng quy định, như sử dụng hạn mức thẻ tín dụng để chuyển tiền, ghi có vào tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ hoặc thẻ trả trước của khách hàng hoặc bên thứ ba (không phải đơn vị chấp nhận thẻ); rút tiền mặt tại POS của đơn vị chấp nhận thẻ, thanh toán hàng hóa, dịch vụ không đúng quy định pháp luật.

Ðối với giao dịch thẻ, NHNN yêu cầu tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật hiện hành về tăng cường giám sát, kiểm soát hoạt động thẻ ngân hàng, các chỉ đạo của NHNN tại Công văn số 166/NHNN-TT ngày 7/1/2019. Các ngân hàng phải có biện pháp tuyên truyền, thông báo và yêu cầu các đơn vị chấp nhận thẻ, chủ thẻ tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động thẻ ngân hàng và các nội dung tại văn bản này; phổ biến tới toàn thể nhân viên, người quản lý có liên quan nắm rõ và thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo nêu trên, cũng như thực hiện đúng các quy định của pháp luật và quy định nội bộ đã ban hành tại đơn vị; chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với hoạt động phát hành và thanh toán thẻ của đơn vị theo quy định của pháp luật.

Tổ chức thanh toán thẻ phải có trách nhiệm xây dựng tiêu chí lựa chọn đơn vị chấp nhận thẻ; thực hiện đánh giá, phân loại các đối tượng có nhu cầu chấp nhận thanh toán thẻ phù hợp với đặc điểm, ngành nghề kinh doanh, tăng cường trao đổi việc chia sẻ thông tin giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các tổ chức thẻ quốc tế về các đơn vị chấp nhận thẻ vi phạm giúp tổ chức thanh toán thẻ có cơ sở tham khảo để xây dựng tiêu chí lựa chọn đơn vị chấp nhận thẻ nhằm ngăn ngừa trường hợp khi các tổ chức thanh toán thẻ ngừng ký hợp đồng với đơn vị chấp nhận thẻ (có hành vi vi phạm pháp luật) thì đơn vị chấp nhận thẻ này sẽ chuyển sang ký hợp đồng với tổ chức thanh toán thẻ khác để tiếp tục thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường công tác trao đổi, chia sẻ thông tin và cảnh báo đến các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ danh sách các đơn vị chấp nhận thẻ có dấu hiệu thanh toán khống, thực hiện các giao dịch thẻ không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố phải thực hiện kiểm tra tại chỗ các đơn vị chấp nhận thẻ có dấu hiệu thanh toán khống thẻ tín dụng và tiến hành xử lý vi phạm theo quy định của  pháp luật; đồng thời báo cáo NHNN (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Thanh toán) về kết quả xử lý vi phạm đơn vị chấp nhận thẻ (có hành vi vi phạm pháp luật) và thông tin về tổ chức thanh toán thẻ để có biện pháp xử lý theo quy định.

Ðối với tổ chức thẻ quốc tế, NHNN yêu cầu tăng cường công tác trao đổi, chia sẻ thông tin và cảnh báo đến các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ danh sách các đơn vị chấp nhận thẻ có dấu hiệu thanh toán khống, thực hiện các giao dịch thẻ không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.             

Tin bài liên quan