Tại ACB, trong quý II/2019, thu từ dịch vụ tăng mạnh so với cùng kỳ 2018 lên 520 tỷ đồng, tương ứng tăng 32%, qua đó đóng góp tích cực vào lợi nhuận trong kỳ là 1.915 tỷ đồng, cũng như 6 tháng đầu năm 2019 là 3.622 tỷ đồng.
Ðể tiếp tục đẩy mạnh hoạt động dịch vụ nói chung, mảng thẻ nói riêng, cũng như chuẩn bị cho chiến lược giai đoạn 2020-2024, lãnh đạo ACB cho hay, mỗi năm, ACB đầu tư 30-35 triệu USD vào công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng. ACB hiện tập trung vào bán lẻ và khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với nhóm khách hàng cá nhân có thu nhập cao, ACB định hướng tăng huy động tiền gửi, thu nhập từ dịch vụ bán bảo hiểm và thẻ tín dụng…
VIB cũng là ngân hàng phát triển mạnh mảng thẻ tín dụng thời gian qua. Hoạt động từ mảng này đã đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019 khi mang lại 1.820 tỷ đồng cho VIB, tăng 58% so với cùng kỳ 2018.
Bà Trần Thu Hương, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB cho biết, với mong muốn đóng góp vào quá trình thúc đẩy “xã hội không tiền mặt” mà Chính phủ đề ra, VIB liên tục đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ để nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, cũng như tăng thu hút khách hàng.
“Ngày 8/8 vừa qua, VIB đưa về thị trường Việt Nam giải pháp công nghệ thẻ Smart Card nhằm giúp khách hàng rút ngắn thời gian chờ, tăng cường an toàn, bảo mật và chung tay bảo vệ môi trường. Ðây là giải pháp tích hợp 3 công nghệ gồm: Thẻ điện tử Virtual Card, thanh toán không tiếp xúc Contactless, mã PIN điện tử Green PIN. Cả 3 công nghệ này đều được tích hợp trên ứng dụng Ngân hàng di động MyVIB, áp dụng cho tất cả thẻ tín dụng VIB hiện hữu và mở mới” bà Hương thông tin.
Chia sẻ với Báo Ðầu tư Chứng khoán, lãnh đạo Nam A Bank cho biết, 6 tháng qua, hoạt động thẻ đã được đẩy mạnh với mức tăng trưởng gần 20% và đạt tổng cộng 60.000 thẻ tín dụng đến thời điểm này.
“Trong nửa cuối năm 2019, Nam A Bank sẽ tăng cường số hóa hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là với mảng thẻ, bằng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng, từng bước thay đổi quan điểm của người dùng về giao dịch ngân hàng trong thời đại 4.0”, lãnh đạo Nam A Bank nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên, một phó tổng giám đốc Sacombank cho hay, thẻ là một trong những nguồn thu đóng góp tỷ trọng không nhỏ vào doanh thu của Ngân hàng thời gian qua. Trong 7 tháng đầu năm 2019, Sacombank đạt 1.938 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong đó lợi nhuận thẻ đóng góp 496 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ 2018. Số lượng khách hàng sử dụng thẻ tiếp tục tăng 10%, đạt gần 5 triệu khách hàng với doanh số thanh toán qua thẻ tăng 13%.
“Trong thời gian tới, Sacombank sẽ tiếp tục ưu tiên gia tăng doanh thu từ dịch vụ, đẩy mạnh các hoạt động bảo lãnh, thanh toán quốc tế, bảo hiểm, thẻ, ngân hàng điện tử…, đồng thời tăng cường thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tiếp tục triển khai mạnh mẽ các dịch vụ ngân hàng số” lãnh đạo Sacombank thông tin.
Theo nhận định của TS. Bùi Quang Tín, Ðại học Ngân hàng TP.HCM, việc Ngân hàng Nhà nước hạn chế tín dụng ở một số lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán… sẽ khiến tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, việc áp dụng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ đầu năm 2019 theo quy định của Thông tư 19/2017/TT-NHNN và áp dụng Basel II từ đầu năm 2020 cũng khiến nguồn thu của các ngân hàng sụt giảm. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng phải cắt giảm chi phí, đẩy mạnh mảng bán lẻ và chạy đua phát triển mảng dịch vụ, nhất là hoạt động thẻ, nhằm giảm phụ thuộc vào tín dụng.
Ðánh giá được đưa ra từ giới phân tích tài chính, trong thời gian tới, thu nhập từ dịch vụ nói chung và mảng thẻ nói riêng sẽ còn tăng trưởng tốt, chủ yếu nhờ hoạt động thanh toán và bảo hiểm.