Mảng Fintech của Ping An Technology sẽ tăng trưởng theo cấp số mũ

Mảng Fintech của Ping An Technology sẽ tăng trưởng theo cấp số mũ

(ĐTCK) Công ty công nghệ của người khổng lồ trong lĩnh vực tài chính của Trung Quốc là Tập đoàn Bình An (Ping An Group) bắt đầu gặt hái được những kết quả ấn tượng sau nhiều năm đầu tư vào lĩnh vực Fintech.

Ông Ericson Chan, CEO của Ping An (Bình An) Technology mới đây nói với CNBC rằng, sau nhiều năm nỗ lực đầu tư vào lĩnh vực Fintech, cuối cùng Ping An Technology cũng đã nhìn thấy tương lai.

Ông Chan cho biết, hiện mảng công nghệ tài chính của Ping An Technology đã đạt tới điểm mà ông mô tả là ‘bùng phát’ và tốc độ phát triển trong tương lai của mảng này sẽ là cấp số mũ.  

“Tôi cho rằng chúng tôi đang đạt tới điểm bùng phát sau tất cả những khoản đầu tư của chúng tôi và miếng bánh thị phần cũng đang lớn hơn, tốc độ tăng trưởng không phải là tuyến tính mà sẽ là theo cấp số mũ”, ông Chan nói và cho biết: “Năng lực mà chúng tôi xây dựng được trong những năm qua giờ đây đang phát huy hiệu quả”.

Ping An Technology là công ty con của Ping An Group, một tập đoàn tài chính lớn của Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, đầu tư và công nghệ. Trong đó Ping An Technology tập trung vào việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính, y học và thành phố thông minh.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, lĩnh vực Fintech và công nghệ y học đóng góp vào 6,3% lợi nhuận hoạt động của Ping An Group, tăng từ mức 0,9% một năm trước đó. Ban lãnh đạo Ping An Technology coi lĩnh vực Fintech và y tế có vai trò quan trọng như nhau đối với công ty.

Hồi đầu tháng này Ping An Group tuyên bố sẽ đầu tư tới 15 tỷ USD vào công tác R&D trong lĩnh vực công nghệ trong 10 năm tới để củng cố vị trí dẫn đầu của tập đoàn này trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.

“Chúng tôi sẽ tập trung vào 5 hệ sinh thái khác nhau nhưng khi đầu tư chúng tôi sẽ ưu tiên đầu tư vào công nghệ cốt lõi trước. Những công nghệ lõi này bao gồm: trí tuệ nhân tạo, blockchain và điện toán đám mây”, ông Chan nói và giải thích rằng những công nghệ này sẽ được ứng dụng trong tất cả mọi lĩnh vực.

Khi được hỏi Ping An có kế hoạch gì để đối phó với sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực điện toán đám mây từ những đối thủ như Alibaba, ông Chan cho biết hướng tiếp cận công nghệ đó của công ty ông là hoàn toàn khác.

“Chúng tôi phát triển công nghệ điện toán đám mây của riêng chúng tôi xuất phát từ nhu cầu của bản thân. Do chúng tôi tự phát triển rất nhiều công nghệ nên chúng tôi cần có một nền tảng tốt. Khi chúng tôi thấy chúng đủ tốt, chúng tôi sẽ bắt đầu chia sẻ với người khác”, ông Chan cho hay.

Hồi giữa tháng 11/2018, Tập đoàn Bình An tuyên bố quỹ đầu tư có tên Global Voyager Investment Fund của tập đoàn này đang là nhà đầu tư chính trong vòng gọi vốn mới đây nhất có giá trị 47 triệu USD của startup fintech có tên gọi là Finleap - một startup của Đức. Finleap cung cấp các giải pháp công nghệ số cho ngành ngân hàng, bảo hiểm và quản lý tài sản.

Tập đoàn Bình An hiện có hơn 182 triệu khách hàng trên toàn cầu. Quỹ Global Voyager Investment Fund của tập đoàn này được thành lập vào năm 2017 có tổng số vốn lên tới 1 tỷ USD chuyên đầu tư vào các startup trong lĩnh vực fintech và y tế số.

Tin bài liên quan