Làm chủ “cuộc sống số” trên thị trường tài chính (Bài 4): Không tiền mặt, giải pháp chỉ có thể từ số hóa

Làm chủ “cuộc sống số” trên thị trường tài chính (Bài 4): Không tiền mặt, giải pháp chỉ có thể từ số hóa

(ĐTCK) Đã có rất nhiều đánh giá về tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới các ngành kinh tế Việt Nam, trong đó có hoạt động tài chính - ngân hàng, tuy nhiên, tốc độ tác động trên thực tế đang nhanh hơn các dự báo. Không chỉ cơ quan quản lý, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp mà mỗi người dân cũng cần tìm hiểu về làn sóng số hóa lĩnh vực tài chính để trước hết là tránh thua thiệt, tiến tới làm chủ những giải pháp công nghệ tài chính này.
Bài 4: Không tiền mặt, giải pháp chỉ có thể từ số hóa

Tiền ảo, tiền điện tử, vay ngang hàng… tất cả đều xuất phát từ nền tảng số hóa ứng dụng vào lĩnh vực tài chính. Nếu biết tận dụng blockchain như một công nghệ mới, hay như hàng loạt ứng dụng mới trong thời đại số thì nhiều mục tiêu thách thức của ngành tài chính được giải quyết rất nhanh chóng.

FinTech, chờ đợi sự bùng nổ

FinTech (viết tắt của Financial Technology - Công nghệ tài chính) đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu và làm thay đổi khái niệm ngân hàng truyền thống, cũng như mô hình kinh doanh dịch vụ tài chính. Không chỉ dừng lại ở việc thay đổi cách thức cung cấp các dịch vụ tài chính truyền thống như cho vay, tiền gửi, dịch vụ thanh toán..., mà các FinTech đang hướng tới những hình thức phát triển mạnh mẽ hơn.

Cụ thể như các giải pháp cho hoạt động hàng ngang (peer-to-peer - P2P); kêu gọi vốn cộng đồng (Crowdfunding); Robot tư vấn và tài chính cá nhân (Robo-advisors and Personal Finance); công nghệ blockchain và tiền thuật toán bitcoin (Blockchain and bitcoin); công nghệ bảo hiểm (Insurtech); công nghệ quản lý (Regtech = Regulatory Technology); ngân hàng số (Digital Banks); dịch vụ thanh toán và chuyển tiền (Payments & Remittanes); các phương án tài chính thay thế (Alternative Finance)…

Hiện Việt Nam có gần 100 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực FinTech (FinTech Startups), trong đó, chủ yếu là các FinTech startups hoạt động trong lĩnh vực thanh toán. Năm 2015 và 2016 chứng kiến sự gia tăng về số lượng của các khởi nghiệp FinTech lớn như Softpay, Ezpay, Timo... Cho dù mới ở giai đoạn phát triển ban đầu, các FinTech startups ở việt Nam đã thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước như IDG Venture, Sparklabs, Cyberagent Ventures, Goldman Sachs, Standard Charter Bank...

Năm 2016, FinTech startups thu hút được 129 triệu USD vốn đầu tư và đây là con số ấn tượng khi so sánh với dòng vốn đầu tư các năm trước đó như 0,25 triệu USD vào năm 2014 và 1 triệu USD vào năm 2015. Còn dữ liệu mới nhất của Topica Founder Institue (TFI) cho thấy, năm 2018, các nhà đầu tư đã bơm 117 triệu USD vào các startup Việt Nam trong lĩnh vực FinTech, trong khi đó, giới startup thương mại điện tử nhận 104 triệu USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Cuộc chơi cũng không dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ điển hình là VPBank - một ngân hàng trong nước - đã kết hợp với các đối tác FinTech tạo ra hệ sinh thái đa dạng cho khách hàng. Theo đó, VPBank đã ra mắt ứng dụng ngân hàng số YOLO nhằm mang đến cho khách hàng đầy đủ các dịch vụ tài chính - ngân hàng, bên cạnh các tiện ích khác như giải trí, theo dõi tin tức, gọi xe, đặt chỗ tại các nhà hàng... Các chuyên gia tài chính nhận định, năm 2018, kinh doanh qua công nghệ số đã đóng góp gần 50% doanh thu của Ngân hàng so với mức 32% của năm 2013.

FinTech ở Việt Nam vẫn phát triển, nhưng sẽ phụ thuộc rất lớn vào định hướng của Chính phủ trong việc có cho phép làm thử nghiệm hay không

- Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam

Bên cạnh đó, hệ sinh thái FinTech Việt đang có sự tham gia tích cực và được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm như VinaCapital, Topica, VIISA, Nest, Expara, BTIC… Hay như Chương trình “shark tank” trên truyền hình thu hút rất nhiều sự quan tâm, chú ý của mọi người và không ít đơn vị phát triển tiền kỹ thuật số cũng đang lên kế hoạch thuê “quân” ở Việt Nam để vận hành.

Dẫu vậy, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam nhận định: “FinTech ở Việt Nam vẫn phát triển, nhưng sẽ phụ thuộc rất lớn vào định hướng của Chính phủ trong việc có cho phép làm thử nghiệm hay không. TechCompany, InsurTech, EduTech, HealthTech… đang ngày càng phát triển cho thấy sự phát triển của công nghệ trong các lĩnh vực đặc thù là điều không thể tránh khỏi”.

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN chia sẻ, do FinTech là lĩnh vực rất mới, lại  liên tục phát triển và sáng tạo với tốc độ rất nhanh đã khiến cho các quy định pháp lý và quản lý đối với lĩnh vực này nhìn chung còn thiếu hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thị trường, không chỉ riêng đối với Việt Nam mà còn trên toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, một số quốc gia có thị trường tài chính và công nghệ phát triển trên thế giới đã tiên phong trong việc xây dựng và phát triển khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các doanh nghiệp FinTech thông qua việc ban hành một cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động của các công ty FinTech, gọi là khuôn khổ pháp lý thử nghiệm có kiểm soát  (“Fintech Regulatory Sandbox”).

“Khuôn khổ pháp lý thử nghiệm FinTech đã được xây dựng và triển khai ở nhiều trung tâm tài chính lớn trong khu vực và trên toàn cầu; tại khu vực Ðông Nam Á cũng đã có 4 quốc gia xây dựng và triển khai Sandbox bao gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Tại Việt Nam, NHNN là cơ quan cấp bộ đầu tiên xây dựng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm có kiểm soát”, ông Sơn nói.

Một nền kinh tế không tiền mặt, không chỉ là ước vọng

Ngày 29/12/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 291/2006/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020 tại Việt Nam có chỉ rõ giảm dần mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt. Hơn 10 năm đã trôi qua, thanh toán của người dân trong nền kinh tế hầu hết vẫn là… tiền mặt.

Trong khi đó, nhiều năm trước, Trung Quốc từng có thời điểm tràn ngập tiền giấy, tiền giấy giả nhưng sự ra đời của thanh toán di động đã giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả. Thậm chí, thanh toán di động không dùng tiền mặt được coi là một trong bốn phát minh mới của Trung Quốc trong thời hiện đại, cùng với dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng, tàu cao tốc và thương mại điện tử.

Hiện tại, Trung Quốc được xem là quốc gia đầu tiên trên thế giới có thể tiến tới một xã hội hoàn toàn không dùng tiền mặt bởi thanh toán qua các ứng dụng trên điện thoại di động như WeChat Pay và Alipay đã chiếm hơn 80% phân khúc thanh toán di động của quốc gia này. Thậm chí, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phải đứng ra kêu gọi các cá nhân và công ty không từ chối hoặc phân biệt đối xử đối với thanh toán bằng tiền mặt khi thanh toán di động trở nên quá phổ biến.

Ở Việt Nam, những thay đổi theo chiều hướng này được kỳ vọng sẽ diễn ra trong thời gian rất ngắn tới với ngày 16/6 hàng năm được lấy là ngày không dùng tiền mặt và cơ sở của việc giảm tiền mặt chính là các giải pháp số từ ngân hàng và FinTech.

Có thể kể đến các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán như việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... được các ngân hàng nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng.

Ðặc biệt là việc thanh toán bằng QR Code gắn với đẩy mạnh thanh toán qua điện thoại di động, hợp với xu thế phát triển trên thế giới và hành vi người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Quang Minh, Phó tổng giám đốc Napas chia sẻ với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, bằng giải pháp thanh toán không tiếp xúc (contactless), khách hàng chỉ cần vẫy nhẹ thẻ, chạm thẻ hoặc điện thoại trước màn hình máy POS trong vài giây cho phép chủ thẻ đơn giản hóa quá trình thanh toán.

Ðây là cơ hội mở ra cho thị trường thanh toán không dùng tiền mặt Việt Nam khi triển khai thành công chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, đặc biệt đối với thẻ chip không tiếp xúc. Bộ tiêu chuẩn thẻ chip sẽ là nền tảng cơ bản để số hoá thông tin thẻ lên thiết bị di động, tiến đến cho phép người dùng sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán.

Tương lai thị trường sẽ đón nhận trào lưu thanh toán “quẹt”, “chạm”, đồng thời, các thẻ không tiếp xúc sau khi được cung cấp ra thị trường sẽ hỗ trợ tích cực cho các khoản thanh toán dịch vụ công, các dịch vụ công ích khác và đặc biệt thanh toán trong giao thông. Việc 75 triệu thẻ ngân hàng có thể sử dụng để thanh toán các dịch vụ giao thông công cộng giúp gia tăng tiện ích, là cơ hội mở rộng dịch vụ cho cả ngành ngân hàng và giao thông, giảm được chi phí cho xã hội.

“Với chính sách không cần nhập PIN cho các giao dịch giá trị thấp, thẻ chip nội địa sẽ giúp lược bỏ được các thao tác cho khách hàng khi thanh toán. Thao tác thanh toán dễ dàng, thuận tiện cũng là một trong những điều kiện tiên quyết giúp thay đổi và chuyển dịch thói quen thanh toán từ tiền mặt sang thẻ; góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ và NHNN”, ông Minh nói.

Tiết lộ của Facebook về việc ra mắt một loại tiền điện tử ảo có tên gọi là Libra vào nửa đầu năm 2020 đã gây ra “cơn địa chấn” trong ngành tài chính toàn cầu. Ðặc biệt, khi Libra là một đồng tiền ổn định, được bảo đảm bằng một rổ tiền tệ như USD hay Euro và công cụ nợ (trái phiếu, cổ phiếu ưu đãi). Với hơn 2,4 tỷ người dùng Facebook mỗi tháng, Libra được dự báo có khả năng thay đổi cục diện thị trường tài chính, là thách thức lớn đối với tất cả các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.

Ðược biết, Facebook đã liên kết với 28 đối tác trong một thực thể có trụ sở tại Geneva, được gọi là Hiệp hội Libra, cơ quan sẽ điều hành đồng tiền kỹ thuật số mới này. Facebook cũng lập ra một công ty con có tên gọi là Calibra, cung cấp ví tiền điện tử hay ví kỹ thuật số để tiết kiệm, gửi và chi tiêu đồng Libra. Calibra sẽ được kết nối với các nền tảng nhắn tin Facebook, Messenger và WhatsApp, vốn có hơn một tỷ người dùng theo Facebook.

Thực tế trên cho thấy, công nghệ blockchain đã, đang được kỳ vọng mang lại những thay đổi tích cực và hứa hẹn hướng tới một kỷ nguyên số cho các hoạt động tài chính ngân hàng nhờ khả năng đột phá về công nghệ. Ðồng thời, có khả năng thay đổi các quy trình nghiệp vụ truyền thống của ngân hàng, giúp đẩy nhanh tốc độ giao dịch của các dịch vụ, giảm thiểu chi phí vận hành và mang lại độ bảo mật cao cho hoạt động ngân hàng.

Vấn để cuối cùng và thật ra là khó nhất chính ở việc các tổ chức tài chính Việt có đủ tiềm lực và tâm thế đón nhận cơ hội từ cuộc cách mạng số trong ngành tài chính - ngân hàng đem lại hay không! 

Tin bài liên quan