Fintech trong ASEAN: Từ khởi nghiệp đến lớn mạnh

Fintech trong ASEAN: Từ khởi nghiệp đến lớn mạnh

(ĐTCK) Việt Nam là điểm hấp dẫn thu hút đầu tư vào lĩnh vực Fintech, chiếm 36% trong tổng đầu tư vào Fintech vào ASEAN và đứng đầu ASEAN về đầu tư vào lĩnh vực giải pháp thanh toán ngân hàng.

ASEAN: Triển vọng tươi sáng

ASEAN là một thị trường có nhiều thách thức, nhưng cũng đầy hấp dẫn đối với các doanh nhân và những nhà cải cách. Khu vực này là thị trường lớn thứ ba châu Á, sau Trung Quốc, Ấn Ðộ và là nơi sinh sống của 650 triệu người, nhiều người trong đó đang ngày càng giàu có.

ASEAN cũng đồng thời là một thị trường trẻ, với 60% dân số dưới 35 tuổi. Nền tảng nhân khẩu học này gia tăng lực lượng những người tiêu dùng hiểu biết công nghệ và ưu tiên tiếp cận thông tin qua thiết bị di động (mobile-first consumers).

Hiện tại, nhóm những người tiêu dùng này phần lớn không được thỏa mãn bởi các giải pháp ngân hàng truyền thống. Ðiều này mang đến cho các công ty Fintech cơ hội phát triển các giải pháp sáng tạo cho những người tiêu dùng này.

Với các yếu tố cơ bản mạnh mẽ thúc đẩy triển vọng tăng trưởng trong tương lai của ASEAN, không có gì đáng ngạc nhiên khi khu vực này tiếp tục thu hút sự chú ý từ các công ty Fintech và những người đang tìm cách đầu tư vào đổi mới và công nghệ.

Ðầu tư vào Fintech tại ASEAN tăng trưởng mạnh mẽ

Trong 5 năm qua, ASEAN chứng kiến tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lên tới 101% trong hoạt động góp vốn vào Fintech. Năm 2014, dòng vốn đổ vào các công ty Fintech đạt khoảng 35 triệu USD và tăng mạnh lên 1,14 tỷ USD tính tới cuối quý III/2019.

Bên cạnh đà tăng trưởng tích cực của dòng vốn, mức độ huy động vốn đối với các công ty Fintech ở các vòng gọi vốn khác nhau cũng rất hứa hẹn. Trong năm 2018, giá trị gọi vốn vòng cuối của các công ty Fintech tăng 211%, đạt 370 triệu USD.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, có tổng cộng 9 công ty Fintech tại ASEAN đã nâng lên vòng gọi vốn Series-C hoặc cao hơn, trong đó có các công ty như 2C2P, Advance.AI, Akulaku, BluePay, CXA Group, Momo Pay, Nium3, OVO và Singapore Life. Sự tăng trưởng của vòng gọi vốn cuối cùng cũng là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư tự tin hơn vào tiềm năng tăng trưởng của các Fintech tại ASEAN.

Fintech trong ASEAN: Từ khởi nghiệp đến lớn mạnh ảnh 1

Singapore, Việt Nam và Indonesia đi đầu trong thu hút vốn trong khối ASEAN

Năm 2019, Singapore tiếp tục thu hút nhiều tài trợ nhất trong ASEAN, chiếm hơn 51%. Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong đầu tư vào Fintech trong năm qua nhờ có 2 thương vụ lớn là thương vụ đầu tư 300 triệu USD vào VNPay và 100 triệu USD vào vòng gọi vốn Series-C của Momo Pay.

Xét về số lượng các thỏa thuận tài trợ trong năm 2019, Singapore dẫn đầu với 51% tổng số thỏa thuận trong ASEAN, trong khi Indonesia đứng thứ hai ở mức 28%, tương tự như năm 2018.

Sự quan tâm đầu tư vào các công ty Fintech tại Việt Nam và Indonesia cũng được thúc đẩy, bởi tiềm năng kinh doanh ở cả 2 thị trường với dân số đông và nhiều người không thể tiếp cận với dịch vụ tài chính phổ thông, cũng như tỷ lệ sử dụng thiết bị di động và Internet cao.

Trong Hình 1, chúng ta thấy 10 công ty Fintech nhận đầu tư nhiều nhất khu vực ASEAN. Những công ty này chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, công nghệ bảo hiểm - InsurTech và các hình thức cho vay thay thế.

Fintech trong ASEAN: Từ khởi nghiệp đến lớn mạnh ảnh 2

Hình 1: 10 công ty fintech nhận đầu tư nhiều nhất Asean.

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi đây cũng là những loại giải pháp Fintech đã thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất trong năm 2019.

Singapore có sự đa dạng nhất trong việc đưa ra các giải pháp tập trung. Ðây là minh chứng cho nỗ lực thúc đẩy của quốc gia này nhằm khuyến khích đổi mới Fintech trên một loạt lĩnh vực.

Số lượng giao dịch cao nhất được thực hiện với các công ty cung cấp giải pháp thanh toán, trong khi số tiền tài trợ cao nhất dành cho các giải pháp InsurTech (công nghệ bảo hiểm) nhờ 2 giao dịch, cụ thể là Singapore Life với 110,3 triệu USD và CXA Group với 25 triệu USD.

Tại Indonesia, công ty Fintech cung cấp giải pháp cho vay thay thế thu hút dòng vốn lớn nhất và nắm giữ số lượng các thương vụ nhiều nhất.

Nguyên nhân chủ yếu bởi các công ty Fintech có cơ hội cải tiến những mô hình điểm số tín dụng và cung cấp giải pháp thay thế phục vụ một bộ phận lớn dân cư chưa thể tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.

Những tiến bộ này cũng đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Indonesia FinTech Lending Association cho biết, các công ty Fintech có liên quan tới hoạt động cho vay đã đóng góp 60.000 tỷ rupiah (tương đương 4,27 tỷ USD) cho nền kinh tế và tạo hơn 300.000 việc làm kể từ đầu năm 2019.

Ở Việt Nam, các công ty Fintech cung cấp các giải pháp thanh toán thu hút được nhiều nguồn tiền đầu tư nhất và điều này cũng phù hợp với động thái của Chính phủ đối với việc thanh toán thông qua thiết bị di động.

Theo Ngân hàng Nhà nước, ngày 31/3/2019, số lượng giao dịch tài chính được thực hiện trên điện thoại di động tăng gần gấp đôi so với năm 2018. Thị trường thanh toán di động Việt Nam dự kiến tăng từ 16 tỷ USD năm 2016 lên 70,9 tỷ USD vào năm 2025.

Hành lang pháp lý: Sự phát triển trên toàn ASEAN

Indonesia: Tạo động lực cho lĩnh vực Fintech mạnh mẽ hơn

Các cơ quan quản lý ở Indonesia ủng hộ lĩnh vực Fintech, với Ngân hàng Trung ương Indonesia, Ngân hàng Indonesia (BI) và cơ quan dịch vụ tài chính Indonesia, Otoritas Jasa Keuangan (OJK) đã công bố các sáng kiến để hỗ trợ sự phát triển này.

Vào tháng 6/2019, BI đã ra mắt Tầm nhìn Hệ thống thanh toán Indonesia (IPS) 2025, lộ trình quốc gia để phát triển, mở rộng và tăng cường hệ sinh thái thanh toán tại quốc gia này.

Tầm nhìn IPS 2025 sẽ tập hợp các tổ chức tài chính, các công ty Fintech và các cơ quan chính phủ để tăng khả năng tương tác giữa các hệ thống thanh toán, tăng cường an ninh mạng và thúc đẩy nhiều sự đổi mới hơn nữa.

Ngoài ra, Tầm nhìn IPS 2025 sẽ tăng cường kiểm tra các quy trình trong các lĩnh vực nhận biết khách hàng (KYC) và chống rửa tiền/tài trợ cho khủng bố (AML/CFT) với việc phát triển khung chia sẻ dữ liệu và công nghệ quy định (RegTech - ứng dụng công nghệ để hỗ trợ tuân thủ pháp luật), công nghệ giám sát (SupTech - ứng dụng công nghệ để hỗ trợ quản lý, giám sát).

Tầm nhìn IPS 2025 cũng sẽ mở ra cơ hội cho các công ty Fintech hợp tác với hơn 100 ngân hàng thương mại ở Indonesia bằng cách sử dụng công nghệ như giao diện lập trình ứng dụng (API).

OJK đang xây dựng niềm tin thị trường cho lĩnh vực Fintech của Indonesia. Ngoài việc kiểm tra và điều chỉnh các công ty Fintech hoạt động trong nước, họ cũng đã giải thể 1.073 công ty Fintech bất hợp pháp vào năm 2019.

Các công ty Fintech này được coi là bất hợp pháp vì đang tính lãi suất quá cao, biến tướng thành hình thức cho vay nặng lãi và có nguy cơ các công ty này lạm dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng.

Cam kết của các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo một môi trường tài chính an toàn và hỗ trợ là rất quan trọng để xây dựng niềm tin với công chúng và các nhà đầu tư, điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của Fintech hơn nữa.

Những sáng kiến như vậy dường như đang được đền đáp, bởi Indonesia hiện là một trong những quốc gia đi đầu trong ASEAN về thu hút đầu tư vào Fintech.

Malaysia: Gia tăng tham vọng với kinh tế số

Chính phủ Malaysia đã đạt được tiến bộ lớn trong việc phát triển lĩnh vực Fintech trong năm 2019.

Ví dụ, họ đã công bố chính sách về “Công bố dữ liệu mở bằng cách sử dụng Giao diện lập trình ứng dụng mở (API)” để cung cấp hướng dẫn và mời phản hồi về thông số kỹ thuật API dữ liệu mở tiêu chuẩn.

Ðiều này được cho là sẽ tạo điều kiện cho sự hợp tác lớn hơn giữa những đối tác trong ngành tài chính. Khả năng các công ty Fintech và ngân hàng chia sẻ thông tin thông qua API một cách an toàn sẽ hỗ trợ phát triển các giải pháp mới và tăng trưởng trong lĩnh vực Fintech của Malaysia.

Hướng dẫn điện tử về nhận biết khách hàng (e-KYC) trên toàn ngành cũng dự kiến được Ngân hàng Negara Malaysia (BNM) phát hành, bao gồm các yêu cầu và tiêu chuẩn về việc mở tài khoản cho khách hàng mới để các tổ chức tài chính tuân theo.

Ðiều này sẽ mang đến cho các công ty Fintech nhiều cơ hội hơn để hợp tác với các tổ chức tài chính nhằm phát triển các quy trình xác minh e-KYC, cải tiến quy trình mở tài khoản cho khách hàng mới và đáp ứng các yêu cầu pháp lý theo e-KYC.

Ngân sách Malaysia cho năm 2020 (Ngân sách 2020) được công bố vào tháng 10/2019 đã cho thấy tham vọng của đất nước này là phát triển nền kinh tế kỹ thuật số.

Các sáng kiến trong Ngân sách 2020 bao gồm khoản thanh toán một lần trị giá 30RM (Ringgit Malaysia - đồng tiền của Malaysia) cho công dân Malaysia dưới 18 tuổi và kiếm ít hơn 100.000RM mỗi năm để khuyến khích việc sử dụng các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.

Thông tin đồng thời cũng được công bố là Quỹ đầu tư hợp tác Malaysia (MyCIF) sẽ được tăng thêm 50 triệu Ringgit để giúp các nền tảng gọi vốn cổ phần từ cộng đồng và cho vay ngang hàng (P2P) tiếp cận vốn đầu tư.

Những sáng kiến này thể hiện cam kết của Chính phủ Malaysia trong hỗ trợ sự phát triển của các công ty Fintech và xây dựng niềm tin vào lĩnh vực Fintech Malaysia.

Dự kiến ra mắt khuôn khổ ngân hàng ảo của BNM trong nửa đầu năm 2020 là một bước phát triển được dự đoán sẽ tạo ra nhiều háo hức, cơ hội hơn cho các công ty Fintech. Khuôn khổ này sẽ mở ra các ứng dụng cấp phép cho các công ty Fintech quan tâm và tạo ra nhiều cơ hội hợp tác với các tổ chức tài chính muốn phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng ảo.

Philippines: Nền tảng nuôi dưỡng các công ty Fintech vừa “chớm nở”

Sự tăng trưởng của lĩnh vực Fintech ở Philippines dựa trên khả năng tiếp nhận của chính phủ nước này đối với việc sử dụng Fintech trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.

Ngân hàng Trung ương Bangko Sentral ng Pilipinas (BSP) đã giới thiệu Tiêu chuẩn mã phản hồi nhanh Quốc gia (QR) vào tháng 10 năm 2019, mở ra một hệ thống thanh toán tương tác và tiêu chuẩn hóa trong nước.

Việc ra mắt hệ thống này trên toàn quốc vào ngày 30/6/2020 sẽ cho phép nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp vừa và nhỏ chấp nhận thanh toán điện tử, cũng như thúc đẩy khả năng tương tác giữa các nhà cung cấp ví điện tử khác nhau.

Trong nỗ lực hỗ trợ đổi mới tài chính và cung cấp khả năng tiếp cận vốn đầu tư nhiều hơn cho các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Philippines (SEC) đã ban hành các quy định gọi vốn cộng đồng mới vào năm 2019.

Theo các quy tắc mới, việc gọi vốn cộng đồng thông qua hình thức cho vay hay cổ phần đều phải đăng ký với SEC và các giao dịch gọi vốn cộng đồng phải được thực hiện thông qua các trung gian đã đăng ký.

Một trung gian gọi vốn cộng đồng có thể là một đại lý môi giới đã đăng ký, một ngân hàng đầu tư, hoặc một cổng đầu tư (funding portal).

Ðây là quy định cần thiết và quan trọng bởi giúp đảm bảo bảo mật cho tất cả các bên liên quan bằng một danh sách chi tiết các yêu cầu minh bạch và cấm tiết lộ thông tin.

Với sự tin tưởng và tự tin hơn đối với các hoạt động gọi vốn cộng đồng, các công ty Fintech ở nước này dự kiến sẽ được hưởng lợi từ sự gia tăng vốn đã thu hút được.

Sự kết hợp giữa những sáng kiến từ cấp quản lý và nỗ lực từ nhân sự của các cơ quan quản lý ở Philippines nhằm hỗ trợ sự phát triển của ngành Fintech là một dấu hiệu tốt cho sự phát triển của Fintech tại nước này.

Singapore: Trung tâm Fintech toàn cầu

Singapore được công nhận là một trung tâm Fintech toàn cầu, với môi trường pháp lý phù hợp và cộng đồng các công ty Fintech.

Việc Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) cấp năm giấy phép ngân hàng kỹ thuật số mới là động thái bổ sung vào quá trình thúc đẩy phát triển lĩnh vực Fintech của quốc gia này

Trong khi các ngân hàng trong nước đã cung cấp các giải pháp ngân hàng số cho khách hàng, những ngân hàng kỹ thuật số được cấp phép thành công sẽ có thể cung cấp dịch vụ ngân hàng mà không cần mạng lưới chi nhánh.

Các ngân hàng kỹ thuật số dự kiến sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho hệ sinh thái Fintech hiện tại của Singapore thông qua sự hợp tác trên cơ sở các giải pháp khác nhau.

Một bước phát triển nữa là MAS đã ra mắt chương trình mang tên Sandbox Express vào tháng 8 năm nay.

Sandbox Express rút ngắn quy trình phê duyệt cho các ứng viên đủ điều kiện, cho phép các công ty này thử nghiệm các sản phẩm và dịch vụ của họ trong vòng 21 ngày kể từ khi đăng ký vào MAS.

Mặc dù Sandbox Express chỉ dành cho các nhà môi giới bảo hiểm, nhà điều hành thị trường và doanh nghiệp kiều hối được công nhận, nhưng MAS đang khám phá các cơ hội để mở rộng sang nhiều công ty Fintech hơn.

Thái Lan: Trải nghiệm “khung thử nghiệm” (Sandbox)

Các tổ chức tài chính, các nhà hoạch định chính sách và các nhà quản lý ở Thái Lan đã cam kết mạnh mẽ sẽ phát triển, hỗ trợ và điều hành lĩnh vực Fintech.

Một trong những cách mà Chính phủ Thái Lan đang khuyến khích đầu tư nước ngoài vào ngành Fintech là giảm hoặc miễn thuế doanh nghiệp cho các công ty Fintech.

Theo luật xúc tiến đầu tư, các công ty Fintech được Hội đồng Ðầu tư Thái Lan phê duyệt sẽ được miễn thuế doanh nghiệp tới 8 năm.

Các luật như dự luật của Hội đồng Kinh tế và xã hội cũng đã được thông qua để điều chỉnh và hỗ trợ sự phát triển của các công ty Fintech.

Một mục tiêu chính của dự luật là hỗ trợ xác minh danh tính điện tử, cho phép các công ty Fintech truy cập thông tin của chính phủ để cải thiện quy trình KYC và để phát triển các sản phẩm và dịch vụ tài chính mới.

Ngoài ra Thái Lan còn có vài khung điều chỉnh thử nghiệm (regulatory sandbox). Chúng bao gồm các khía cạnh khác nhau của dịch vụ tài chính và các nhà quản lý cố gắng tạo ra một khung thử nghiệm dành riêng cho ngành này để thử nghiệm các giải pháp Fintech.

Ví dụ, Ngân hàng Thái Lan (BOT) đã triển khai cơ chế thử nghiệm để hỗ trợ phát triển các giải pháp Fintech sáng tạo trong các lĩnh vực cho vay, thanh toán và chuyển tiền.

Ủy ban Chứng khoán Thái Lan (SEC) đưa ra các khung điều chỉnh thử nghiệm để kiểm tra các giải pháp Fintech hỗ trợ giao dịch cho các công cụ tài chính như chứng khoán và các sản phẩm phái sinh.

Một phát triển mới đây là sự ra mắt của Project Inthanon, sự hợp tác giữa tám ngân hàng ở Thái Lan và đối tác công nghệ R3 để thiết kế và phát triển một nguyên mẫu thử nghiệm để chuyển tiền bán buôn với việc sử dụng công nghệ sổ cái phân tán.

Văn phòng Ủy ban Bảo hiểm Thái Lan cũng đưa ra một khung điều chỉnh thử nghiệm để khuyến khích sự đổi mới trong lĩnh vực bảo hiểm, cho phép các công ty bảo hiểm, đại lý và các công ty InsurTech thử nghiệm các giải pháp Fintech cho ngành.

Việt Nam: Lạc quan một cách thận trọng đối với Fintech

Cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có một cách tiếp cận thận trọng đối với các quy định về Fintech, quan sát các sáng kiến được các nhà lập pháp tại các nước láng giềng đưa ra trước khi xác định các chiến lược thúc đẩy tăng trưởng Fintech.

Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước áp đặt giới hạn về số lượng giấy phép cho dịch vụ thanh toán có thể được cấp cho các tổ chức phi ngân hàng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Ngân hàng Nhà nước cũng rất chọn lọc trong việc cấp giấy phép cho dịch vụ thanh toán và cho đến nay, mới có 31 công ty Fintech đã nhận được giấy phép được phép cung cấp các dịch vụ như thanh toán điện tử, chuyển tiền và ví điện tử.

Ðể thúc đẩy phát triển Fintech nhiều hơn trong năm tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai Chương trình Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính Việt Nam (FCV) lần thứ hai.

Thử thách tập trung vào các giải pháp Fintech sử dụng dữ liệu lớn và công nghệ trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy tài chính toàn diện và cải thiện an ninh mạng.

Những bài học từ FCV sẽ được sử dụng để định hình sự phát triển của khung pháp lý cho hệ sinh thái Fintech và giúp hướng dẫn việc sử dụng dữ liệu an toàn, thông minh để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn.+

Lược dịch Báo cáo “FinTech tại khu vực ASEAN: Từ khởi nghiệp đến lớn mạnh” được thực hiện bởi Ngân hàng UOB cùng các đối tác
Tin bài liên quan