Công nghệ tài chính giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới nhanh hơn

Công nghệ tài chính giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới nhanh hơn

(ĐTCK) Chia sẻ tại “Chuyển động của dịch vụ tài chính trong thời đại số” do Thời bán Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 5/12, hầu hết các diễn giả đều khẳng định, chuyển đổi số là xu hướng không thể bỏ qua của doanh nghiệp ngành dịch vụ tài chính và doanh nghiệp cần đầu tư nghiêm túc cho công nghệ nếu muốn có những lợi thế để phát triển trong tương lai.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Minh Tùng, Trưởng nhóm nghiên cứu, Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam mang đến bức tranh về thói quen tiêu dùng thời số hóa và dự báo sự thay đổi của hành vi tiêu dùng trong tương lai với những kết quả khảo sát giá trị. 

Theo ông Tùng, các xu hướng công nghệ đang thu hút sự chú ý trên thị trường như AI, IoT, Robotics hay 5G đang định hình lại thị trường và tạo ra một thế hệ người tiêu dùng mới với hành vi khác hoàn toàn so với 5-7 năm trước đây.

"Người tiêu dùng hiện tại cần sự tiện lợi, cá nhân hóa, và đặc biệt là không trung thành với bất kỳ thương hiệu nào. Vậy nên chính doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị để đáp ứng những nhu cầu này. Với doanh nghiệp dịch vụ tài chính, nếu có những sản phẩm được xây dựng dựa trên việc nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, đặc biệt là tiêu dùng online thì đó là một lợi thế", ông Tùng cho biết.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hoàng Ly, Chủ tịch HĐQT Công ty Finteck cũng cho rằng, công nghệ tài chính giúp doanh nghiệp tiếp cận những thị trường mới nhanh hơn và mạnh hơn.

Tuy vậy, ông Ly cũng cảnh báo việc này cũng đồng thời mở ra những cơ hội tương đương cho các đối thủ, vì vậy doanh nghiệp phải đổi mới sản phẩm và kỹ năng phục vụ liên tục để có thể cạnh tranh được.

Theo ông Ly, áp lực của doanh nghiệp Fintech trong nước sẽ ngày càng lớn vì các doanh nghiệp nước ngoài có tốc độ thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường rất nhanh.

Đồng thời, một số doanh nghiệp Fintech phát triển tương đối thì sẽ bị các tập đoàn lớn của nước ngoài mua lại. Vì vậy về lâu dài, không loại trừ khả năng doanh nghiệp nước ngoài sẽ làm chủ lĩnh vực fintech của Việt Nam.

Cũng tại Hội thảo, ông Kalidas Ghose, Phó chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng giám đốc FE CREDI cho hay, doanh nghiệp cần “làm chủ công nghệ” và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành dịch vụ tài chính ở Việt Nam.

Ở FE CREDIT, ban lãnh đạo Công ty cũng rất chú trọng điều này, để mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng như: ra mắt ứng dụng $NAP. Nếu như trước đây quy trình cho vay mất 4-5 ngày thì thông qua ứng dụng này, thời gian chỉ còn 15 phút và quy trình duyệt vay không có sự tham gia của con người.

Với hơn 50% thị phần, FE CREDIT hiện là công ty tài chính tiêu dùng áp dụng nhiều giải pháp "số" để nâng cao trải nghiệm người dùng.

Theo Tổng giám đốc FE CREDIT, sự chuyển đổi số hóa là một yêu cầu, song Công ty không dừng lại ở đó mà còn triển khai thêm các giải pháp tiện ích khác để đáp ứng được nhu cầu của từng tiệp khách hàng khác nhau trong tổng số khách hàng của đa dạng của mình.

"Nếu triển khai thành công các sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại sẽ tạo được kết quả tích cực cho các dịch vụ tài chính và doanh thu tăng", ông Kalidas Ghose nói. 

Nhưng làm thế nào để có thể hiện diện được các sản phẩm dịch vụ tài chính của mình trong nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng cũng là đòi hỏi luôn được nhà cung cấp dịch vụ tài chính quan tâm. 

Đáng chú ý, trong bối cảnh hiện nay khi sự phát triển của thị trường thanh toán không tiền mặt, đặc biệt là ví điện tử cũng đã có những bước chuyển mình nhanh chóng trong thời gian qua.

Vì vậy, ông Nguyễn Bá Diệp – Phó tổng giám đốc MoMo cho biết, ví điện tử là một công cụ tiện ích cho người dùng, khách hàng có thể thoán toán mọi lúc và mọi nơi.

Tuy nhiên, để cạnh tranh được trên thị trường hiện nay, các ví điện từ nói chung và bản thân MoMo nói riêng cũng luôn phải thay đổi cách thức và đưa ra nhiều giải pháp vượt trội để tối ưu hóa lợi ích cho khách hàng. 

Chia sẻ thêm tại Hội thảo, ông Marek Forysiak, Chủ tịch Hội đồng thành viên Smartnet cho hay, người tiêu dùng của Việt Nam vẫn quen sử dụng thanh toán bằng tiền mặt, thay vì dùng ví điện tử để thanh toán.

Vì thế, để cạnh tranh ví điện tử phải đem lại những tiện ích nào cho khách hàng để họ cảm thấy nếu dùng ví điện tử họ sẽ có những tiện ích và lợi ích nào trong quá trình thanh toán, thay vì tập trung vào việc làm thế nào để khách hàng thay đổi thoái quen sử dụng bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt bằng ví điện tử.

Nhưng theo ông Marek, việc thanh toán điện tử ngày càng phổ biến và rộng khắp Việt Nam. Vì thế, hiện với một số ví điện tử như MoMo hay Payoo..., tại Việt Nam vẫn chưa triển khai hết tiềm năng của thị trường. Do đó, theo tôi tiềm năng tăng trưởng đối với ví điện tử tại Việt Nam còn rất lớn.

Tin bài liên quan