Cơ hội thu hút vốn ngoại sẽ rộng mở hơn đối với các tổ chức trung gian thanh toán khi không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.

Cơ hội thu hút vốn ngoại sẽ rộng mở hơn đối với các tổ chức trung gian thanh toán khi không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.

Chưa siết room ngoại đối với các trung gian thanh toán

(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến không đưa tỷ lệ giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài là 49% vào Dự thảo Nghị định số 101/2012/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này có nghĩa, cơ quan quản lý chưa vội siết room ngoại trong lĩnh vực này. 

Không hạn chế room để tăng sức hút vốn ngoại

Trước đó, Dự thảo Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP (đã sửa đổi, bổ sung) đã nhận được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cũng như cộng đồng Fintech.

NHNN đánh giá, trước sự phát triển của công nghệ và xu hướng hội nhập toàn cầu của nền kinh tế, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động thanh toán, đòi hỏi các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt hiện hành cần tiếp tục được bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện.

Thực hiện theo trình tự, thủ tục ban hành văn bản pháp luật, sau khi các chính sách dự kiến được đề cập trong bộ Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 101 được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, NHNN đã chủ động xây dựng và gửi xin ý kiến rộng rãi đối với các nội dung của Dự thảo.

Theo đó, NHNN đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của hầu hết các bộ, ngành có liên quan, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức trung gian thanh toán, các hiệp hội và tổ chức khác.

Trên cơ sở đó, NHNN đang tiến hành tổng hợp, nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo để trình Chính phủ trong tháng 6/2020.

Một trong những nội dung được quan tâm tại Dự thảo là quy định tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 49% chỉ áp dụng cho các hoạt động trung gian thanh toán (không phải tất cả các công ty Fintech).

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng tình, cũng có ý kiến cho rằng, trung gian thanh toán là loại hình dịch vụ mới dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu của công nghệ nên vốn ngoại đóng vai trò quan trọng, nếu hạn chế tỷ lệ sở hữu sẽ khó hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này nói riêng, Fintech nói chung.

Hiện nay, một số tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán quy mô lớn đã được cấp phép và có tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vượt mức 49%, chẳng hạn 1Pay bán 90% cổ phần cho TrueMoney - một doanh nghiệp Thái Lan có cổ đông lớn là Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc); VNPT Epay bán 65% vốn cho 2 nhà đầu tư Hàn Quốc là Global Payment Service (64,99%) và UTC Investment Co., Ltd (0,83%); MOL Accessportal mua 50% vốn của Ngân Lượng; NTT Data mua 64% cổ phần Payoo...

Do đó, việc quy định giới hạn tỷ lệ vốn góp của khối ngoại có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp này.

Đánh giá tác động của việc giới hạn room ngoại trong hoạt động trung gian thanh toán, ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (VietUnion) cho rằng, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư khu vực Đông Nam Á.

Với lĩnh vực Fintech, Việt Nam lâu nay không áp dụng giới hạn, nên nếu hạn chế room ngoại ở mức 49% như Dự thảo sẽ khiến việc việc tiếp nhận nguồn vốn, công nghệ từ thế giới bị hạn chế, từ đó làm chậm quá trình phát triển của thị trường trung gian thanh toán...

Lãnh đạo nhiều tổ chức trung gian thanh toán chia sẻ, lĩnh vực thanh toán luôn đòi hỏi đầu tư và đổi mới về công nghệ.

Do đó, các công ty trung gian thanh toán rất khát vốn, nhất là nguồn vốn ngoại với lợi thế chi phí vốn rẻ và dồi dào.

Bởi chỉ khi có nhiều vốn, các công ty trung gian thanh toán mới có thể đáp ứng được xu hướng phát triển của thị trường và nhu cầu thanh toán tiện lợi của khách hàng.

Về phía NHNN, dựa trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, toàn diện các vấn đề, các ý kiến đóng góp, cũng như tình hình thực tiễn, đại diện cơ quan này cho biết, sẽ chưa đưa tỷ lệ giới hạn (49%) vào Dự thảo.

Tính đến 14/11/2019, cả nước có 32 tổ chức không phải là ngân hàng được NHNN cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Thực tế, hàng loạt ví điện tử đã bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực ngay khi được “ngỏ lời”.

Với nguồn lực tài chính dồi dào và sự hỗ trợ từ đối tác là các định chế tài chính lớn như Warburg Pincus, Goldman Sachs, Standard Chartered Private Equity (SCPE), đại diện MoMo cho biết, trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư công nghệ, mở rộng mạng lưới khách hàng và đối tác, tăng điểm chấp nhận thanh toán và đầu tư vào nguồn nhân lực để tạo hệ sinh thái thanh toán hiện đại, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dùng.

“MoMo hiện đang hợp tác với hơn 10.000 đối tác trong nhiều lĩnh lực như tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, thanh toán dịch vụ tiện ích, giải trí... Vì thế, chiến lược phát triển của MoMo nói riêng, các Fintech nói chung, là tiếp tục thu hút vốn đầu tư”, đại diện MoMo nói.

Cần khung pháp lý rõ ràng để hạn chế rủi ro

Theo thống kê của NHNN, số người có tài khoản ngân hàng hiện nay là 45,8 triệu người, chiếm 63% dân số.

Bên cạnh các công ty Fintech, các ngân hàng thương mại cũng tích cực đẩy mạnh hoạt động thanh toán trên nền tảng công nghệ mới khi đang có 24 ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán QR code với 50.000 điểm chấp nhận thanh toán.

Ngoài ra, có 76 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua di động.

“Xu hướng phát triển hợp tác và cạnh tranh trong lĩnh vực thanh toán của các ngân hàng ngày càng trở nên mạnh mẽ, gay gắt hơn, đòi hỏi ngân hàng phải có sự nhận thức sâu sắc về vấn đề này, nếu không muốn bị tụt hậu và mất thị phần, mất khách hàng trong tay đối thủ cũng là các đối tác như công ty Fintech, công ty cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán”, ông Nguyễn Văn Nguyện, đại diện NHNN Chi nhánh TP.HCM nhìn nhận.

Liên quan tới khung khổ pháp lý, ông Neil Van Heerden, Giám đốc Kinh doanh thương mại và quốc tế của TrueMoney cho biết, Fintech đã thành công ở nhiều thị trường trên thế giới, cũng như trong khu vực.

Nhưng tại Việt Nam, Fitech mới đang ở giai đoạn đầu phát triển nên rất cần thiết phải có khung pháp lý cụ thể, rõ ràng.

“Việt Nam đang hướng đến một xã hội phi tiền mặt thì không lý do gì không phát triển Fintech”, ông Neil Van Heerden nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho rằng, với Fintech, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực này, cũng như việc đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt.

TS. Trần Hùng Sơn - Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng (Đại học Quốc gia TP.HCM), giảng viên Khoa tài chính - Ngân hàng Trường Đại học Kinh tế - Luật nhận định, với sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng công nghệ tiến tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), dữ liệu lớn (Big Data) hay điện toán đám mây, Fintech đang thay đổi nhanh chóng hệ sinh thái của ngành tài chính và đổi mới tài chính hiện là xu hướng không thể đảo ngược.

Tuy nhiên, các mô hình ứng dụng kinh doanh của Fintech rất đa dạng và ngày càng phức tạp hơn. Cùng với nâng cao hiệu quả hoạt động, nhưng mô hình này cũng mang lại bất trắc và rủi ro.

Theo đó, các vấn đề như rủi ro tài chính hay những quy định không phù hợp đã dần xuất hiện. Việc sử dụng Fintech lúc này không những không giúp giảm thiểu rủi ro vốn có trong hệ thống tài chính, mà còn có thể khuyếch đại hoặc tạo ra các hình thức rủi ro tài chính mới.

Thực tế cho thấy, số lượng doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam đã tăng từ hơn 40 doanh nghiệp vào cuối năm 2016, lên khoảng 150 doanh nghiệp như hiện nay và hoạt động trong nhiều mảng khác nhau như thanh toán, gọi vốn cộng đồng, Blockchain, quản lý tài chính cá nhân, quản lý POS/mPOS, quản lý dữ liệu, cho vay, so sánh thông tin…

Mới đây, trước những hoạt động biến tướng và vi phạm pháp luật trong hoạt động cho vay của một số doanh nghiệp kinh doanh cho vay ngang hàng, NHNN đã khuyến cáo người dân và các tổ chức tín dụng nên thận trọng khi tham gia mô hình này.

“Trước thực tế này, đòi hỏi Việt Nam nhanh chóng xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp cho hoạt động của các Fintech nhằm bảo vệ nhà đầu tư, tính toàn vẹn của thị trường và đảm bảo ổn định tài chính”, TS. Sơn nói.

Tin bài liên quan