Các diễn giả tham dự Hội thảo công bố “Khảo sát toàn cảnh về Fintech khu vực ASEAN 2018 - FinTech Việt Nam đang ở đâu?”

Các diễn giả tham dự Hội thảo công bố “Khảo sát toàn cảnh về Fintech khu vực ASEAN 2018 - FinTech Việt Nam đang ở đâu?”

Chờ sự hợp tác thú vị giữa Fintech và ngân hàng

(ĐTCK) Trong khu vực, Viêt Nam là quốc gia có số lượng các chương trình Incubator (vườn ươm khởi nghiệp), Accelerator (xúc tiến khởi nghiệp) và các chương trình tương tự nhiều thứ 2, chỉ sau Singapore. Đây là một tín hiệu tích cực đáng ghi nhận cho sự phát triển của FinTech tại Việt Nam.

Cần sự hỗ trợ từ chính sách

Ông Varun Mittal, Lãnh đạo khối FinTech khu vực ASEAN cho biết, Việt Nam có nhiều lợi thế để Fintech phát triển. Hiện tại, Việt Nam đã có câu lạc bộ chuyên biệt về Fintech trực thuộc các hiệp hội cơ quan nhà nước để doanh nghiệp trong ngành có thể gặp gỡ, cập nhật, nâng cao kiến thức, hỗ trợ, chia sẻ các kinh nghiệm liên quan và quan trọng nhất là cùng nhau xây dựng khung pháp lý cho mảng dịch vụ này.

Mặc dù có những lợi thế nhất định, nhưng FinTech Việt Nam cũng đối mặt với không ít khó khăn. Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc, Lãnh đạo Bộ phận Dịch vụ tài chính và tư vấn công nghệ của EY Việt Nam, hiện cũng là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ VietFinTech chia sẻ, các thách thức lớn mà công ty FinTech phải đối mặt đó là, thứ nhất, hành lang pháp lý, Luật Các tổ chức tín dụng chưa có quy định cụ thể với loại hình này. Ngân hàng Nhà nước đang tích cực nghiên cứu, bàn thảo với các chuyên gia liệu có thể nới lỏng các quy định để phát triển ngân hàng số, tiến tới tài chính toàn diện theo đề án của Chính phủ đến năm 2020.

Thứ hai, tiềm lực, nguồn lực, nội lực các công ty Fintech nhỏ, yếu và thiếu. Thường “linh hồn” của công ty chỉ là 1 - 2 người nên nếu một trong số các sáng lập viên bỏ cuộc chơi, tương lai của doanh nghiệp sẽ bị đe dọa.

Thứ ba, việc bắt tay với các ngân hàng còn nhiều trở ngại, nhưng một khi đã kết hợp, vẫn có nhiều quy định cần giải quyết. Theo đó, khi nhà băng kết hợp với các công ty Finetch để ra một sản phẩm mới thường phải trải qua nhiều bộ phận, phòng ban phê duyệt.

Theo các chuyên gia của EY, trong thời gian tới, việc hỗ trợ về mặt chính sách từ các cơ quan chức năng sẽ là yếu tố hình thành nên một hệ sinh thái Fintech, khuyến khích sự sáng tạo và cạnh tranh lành mạnh hơn nữa.

Hướng đi cho các ngân hàng

Theo khảo sát Toàn cảnh ngành ngân hàng năm 2018 của EY, 85% các nhà băng hiện nay cho rằng, việc thực hiện chiến lược chuyển đổi ngân hàng số là mục tiêu quan trọng nhất của họ. Do vậy, đầu tư vào công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý rủi ro và từ đó có nhiều cơ hội hơn cho việc phát triển ngân hàng là rất cần thiết. Ngoài ra, việc ứng phó với các vấn đề về an ninh mạng cũng là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng lớn trên toàn cầu (89%) trong năm 2018.

Đây là một thay đổi lớn, bởi trong báo cáo năm 2017, các ngân hàng quan tâm nhiều hơn tới quản lý rủi ro về mặt danh tiếng và văn hóa. Trong năm tới, các ngân hàng cũng sẽ chú trọng tuyển dụng và đào tạo các chuyên gia công nghệ hơn.

Ông Jan Bellens, Phó Chủ tịch Toàn cầu dịch vụ ngân hàng và thị trường vốn EY chia sẻ: “Để có thể vượt qua những thách thức ở phía trước, các ngân hàng cần chuẩn bị cho một tương lai được dẫn đầu bởi công nghệ và sự đột phá. Các ngân hàng cần có một chiến lược đúng đắn để đảm bảo các công nghệ mới được thực hiện có hiệu quả”.

Về vấn đề này, bà Dương cho rằng, một trong những cách hữu hiệu để các ngân hàng bắt kịp làn sóng công nghệ là bắt tay với Fintech. Theo đó, sự kết hợp này sẽ mang tới nhiều lợi ích cho các nhà bằng. Cụ thể, đầu tiên, các công ty FinTech phát triển rất nhanh bởi là những người trẻ, sáng tạo.

Họ sở hữu cơ sở khách hàng và các sản phẩm dịch vụ tài chính dễ dàng tiếp cận với thế hệ trẻ, vốn đang là người dùng mục tiêu mà các ngân hàng nhắm tới. Bắt tay với Fintech, các nhà băng đã mở ra cánh cửa rộng hơn tới nhóm khách hàng này, thực hiện đúng chiến lược bán sản phẩm khách hàng cần, thay vì bán thứ ngân hàng có. Như vậy, về mặt đầu tư, các ngân hàng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

Bên cạnh đó, số lượng và sức mạnh của các công ty Fintech đang ngày càng gia tăng cả trong và ngoài nước, do vậy các ngân hàng thay vì đầu tư vào công nghệ từ các hãng truyền thống sẽ có sự lựa chọn khác. Đặc biệt, khi các Fintech hào hứng, rất muốn tham gia vào cuộc chơi của ngân hàng, cũng là cuộc chơi cởi mở cho cả hai bên, sẽ có nhiều sự hợp tác thú vị hơn trong tương lai.

Tin bài liên quan