CEO Revolut: “Sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong đầu tư như đã làm trong lĩnh vực ngân hàng”

CEO Revolut: “Sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong đầu tư như đã làm trong lĩnh vực ngân hàng”

(ĐTCK) Mới đây, Fintech Revolut được định giá lên tới 1,7 tỷ USD, tăng 5 lần chỉ trong vòng 6 tháng. Với mức định giá này, Revolut trở thành startup kỳ lân phát triển nhanh nhất châu Âu.   

Vào tháng 10/2017, CEO Nikolay Storonsky của Revolut đã kêu gọi được 71 triệu USD vốn đầu tư và Revolut của doanh nhân trẻ người Nga này được định giá ở mức 350 triệu USD. Sáu tháng sau, hồi tháng 4/2018, công ty đã thành công trong việc thu hút thêm 250 triệu USD vốn đầu tư từ quỹ đầu tư DST Global của Hong Kong và giá trị của công ty lúc này đã lên tới 1,7 tỷ USD.   

Mức định giá mới đã biến Revolut của vị CEO trẻ từng đầu quân cho các ngân hàng đầu tư hàng đầu trên thế giới là Lehman Brothers và Credit Suisse thành công ty có giá trị thị trường còn lớn hơn cả TransferWise - một nền tảng cung cấp dịch vụ chuyển tiền trực tuyến phổ biến tại Anh và hiện đang mở rộng thị trường sang Mỹ và Singapore.

Viva la Revolut

Ban đầu, sản phẩm chính của Revolut là thẻ thanh toán có mức phí siêu thấp khi sử dụng tại nước ngoài. Thế nhưng theo thời gian, công ty đã bổ sung thêm nhiều dịch vụ tài chính khác, từ bảo hiểm tới giao dịch tiền ảo (tiền kỹ thuật số) và tài khoản vãng lai.

Theo một nghĩa nào đó thì Revolut đã trở thành một ngân hàng và dường như chiến lược đó của Revolut đang phát huy hiệu quả.

CEO Nikolay Storonsky của Revolut. 

Tính tới thời điểm công ty nhận được khoản đầu tư 250 triệu USD của DST Global, Revolut đã thu hút được 2 triệu người sử dụng trên toàn châu Âu, một nửa trong số này là người tiêu dùng Anh -  nhanh hơn gấp 4-5 lần so với 2 đối thủ chính của họ là N26 và Monzo.

Trong khi Monzo và N26 vẫn chỉ hoạt động như một công ty bản địa thì Revolut đã trở thành một ‘ngân hàng’ quốc tế. Đại diện của Revolut cho biết hiện mỗi ngày công ty thu hút được thêm 6.000 - 8.000 khách hàng mới.

Với mô hình kinh doanh miễn phí đối với các dịch vụ cơ bản và thu phí đối với các dịch vụ cao cấp, Revolut đã đạt điểm hòa vốn vào hồi tháng 12 năm ngoái. Giá trị giao dịch thông qua Revolut hiện đã lên tới 1,5 tỷ USD/tháng, tăng 700% so với 1 năm trước đó.  

Trong năm nay Revolut có kế hoạch mở rộng hoạt động tới hàng loạt thị trường mới, trong đó có Mỹ, Canada, Singapore, Hong Kong, Australia, New Zealand, Ấn Độ và cả Brazil. Công ty đặt mục tiêu có 100 triệu người sử dụng trong năm 2023 và sẽ cho ra đời một số loại dịch vụ mới.

Để đạt mục tiêu này công ty sẽ phải nhân đôi số lượng nhân lực hiện nay, lên mức 800 người vào cuối năm nay.

Ứng dụng của Revolut cho phép khách hàng mở tài khoản trong vòng 60 giây và cung cấp dịch vụ thanh toán cũng như chuyển ngoại tệ với tỷ giá chuyển đổi bằng với tỷ giá liên ngân hàng và không thu phí giao dịch. Hiện công ty cung cấp giao dịch loại này cho 120 loại đồng tiền trên thế giới.  

Năm ngoái, trong bối cảnh thị trường giao dịch đồng tiền kỹ thuật số sôi động, ứng dụng Revolut đã bổ sung thêm tính năng giao dịch tiền ảo, bao gồm đồng bitcoin, ethereum và litecoin.

Hiện các qui định mới của EU đã cho phép bên thứ ba kiểu như Revolut truy cập dữ liệu khách hàng của các ngân hàng lớn nhằm tăng tính cạnh tranh của các startup Fintech và các công ty công nghệ lớn. Vì vậy tương lai của Revolut càng thêm sáng.

Revolut hiện đang trong quá trình xin cấp giấy phép hoạt động ngân hàng ở châu Âu và dự kiến sẽ cung cấp cho khách hàng dịch vụ tiền gửi và cho vay tiêu dùng trong khuôn khổ của giấy phép này.

Đáng chú ý là người sáng lập Revolut cho biết công ty sẽ cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán miễn phí cho người sử dụng, trước tiên là tại thị trường Anh và Mỹ. Hiện công ty đang xin phép các cơ quan quản lý thị trường được cung cấp dịch vụ môi giới chứng khoán cho khách hàng.

“Chúng tôi sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong đầu tư như chúng tôi đã làm trong lĩnh vực ngân hàng trong thời gian qua”, CEO của Revolut nói.

“Các công ty môi giới đang thu 5 bảng Anh cho mỗi giao dịch chứng khoán của khách hàng và giao diện người dùng cực kỳ bất tiện, chậm và rối trong con mắt của khách hàng”, Nikolay nói và cho biết thêm: “Đây chính là những điểm mà chúng tôi nhận thấy có thể cải thiện hơn rất nhiều”.

Tin bài liên quan