Đây là thế giới nơi mà các tổ chức có được nguồn nhân lực tốt nhất sẽ tiến xa nhất.

Đây là thế giới nơi mà các tổ chức có được nguồn nhân lực tốt nhất sẽ tiến xa nhất.

3 xu hướng thay đổi bộ mặt ngành tài chính

(ĐTCK) Có 3 xu hướng rất quan trọng đã diễn ra trong thời gian qua, mà tôi cho rằng đã có những tác động toàn diện tới bức tranh ngành tài chính.

Quy mô tăng trưởng siêu tốc

Xét về khía cạnh đầu tư, 5 năm qua, đã có 100 tỷ USD được đầu tư vào công cuộc chuyển đổi ngành tài chính. Số tiền khổng lồ này đã tạo ra ba xu hướng chính, xu hướng đầu tiên là tăng trưởng tài chính với quy mô siêu tốc.

 Ông Nguyễn Triệu Huy,CEO The Disruptive Group, đồng sáng lập Center for Finance, Technology and Entrepreneurship (CFTE), UK .

Tăng trưởng tài chính với quy mô siêu tốc là gì? Đó chính là cách mà ngành tài chính đang bắt đầu tăng trưởng theo một phương thức hoàn toàn khác biệt so với những gì chúng ta chứng kiến trong một khoảng thời gian rất dài.

Ví dụ, tại lĩnh vực ngân hàng, những tổ chức với quy mô rất lớn cần thời gian dài để phát triển như hiện tại. Chẳng hạn, Citibank đang có 200 triệu khách hàng, nhưng họ phải mất 200 năm để đạt được con số này.

Nhưng hiện nay, điều này hoàn toàn khác biệt trong thế giới internet, bởi các mức trần đã có sự thay đổi chóng mặt. Facebook là một ví dụ, chỉ sau hơn 10 năm hoạt động, mạng xã hội này có tới 2 tỷ khách hàng. Hay như LinkedIn, Amazon, Google, tất cả các công ty này đều ghi nhận số lượng khách hàng từ 500 triệu tới 1 tỷ chỉ sau 10 - 20 năm phát triển.

Thực tế, quy mô tăng trưởng diễn ra rất khác trong thế giới internet. Chúng ta có tài chính, có công nghệ số. Vậy bạn suy nghĩ thế nào về tài chính công nghệ số? Ai cho rằng, tài chính công nghệ số sẽ phát triển giống như tài chính truyền thống? Liệu tài chính công nghệ số có phát triển giống như công nghệ số, như internet? Không ai có được câu trả lời chắc chắn.

Hãy để tôi chia sẻ về tài chính công nghệ số ở châu Á. Khi nói tới vấn đề này, không thể không nói tới Zhong An - công ty bảo hiểm công nghệ số mới được thành lập cách đây 5 năm (2013) và hiện đã có tới 600 triệu khách hàng.

Alipay xuất thân từ đế chế tài chính Ant Financial với 500 triệu khách hàng. Paytm, công ty thanh toán của Ấn Độ với 300 triệu khách hàng sau 10 năm hoạt động.

Tất nhiên, không chỉ ở châu Á mà ở Mỹ cũng vậy. Nếu tôi hỏi bạn: “Bạn đã từng nghe nói về Credit Karma?”. Hầu hết câu trả lời sẽ là có. Credit Karma được thành lập chưa đầy 10 năm và số lượng khách hàng đã lên tới hơn 1/3 dân số Hoa Kỳ.

Tăng trưởng với quy mô siêu tốc đã và đang diễn ra trong ngành tài chính. Điều này hết sức quan trọng vì cách chúng ta tư duy về ngành tài chính sẽ hoàn toàn thay đổi.

Chúng ta không thể tiếp tục tư duy về ngành tài chính theo mô hình truyền thống, khi phải mất tới 20 đến 50 năm để xây dựng lên các công ty lớn. Hiện nay, trong ngành tài chính, bạn có thể xây dựng các công ty lớn, rất lớn trong vòng 5 đến 10 năm, bởi công cụ có được từ internet và công nghệ số đang được áp dụng rộng rãi trong ngành tài chính hiện nay.

Vậy kết quả là gì? Xét về mặt vốn hoá thị trường, hiện nay, Ant Finance chưa được niêm yết trên thị trường chứng khoán, nhưng nếu niêm yết, công ty tài chính của Alibaba này có thể trở thành 1 trong 10 tổ chức tài chính lớn nhất thế giới chỉ trong vòng 10 năm.

Đó là những gì mà mô hình tăng trưởng siêu tốc mang lại cho ngành tài chính. Mô hình này có khả năng biến một công ty khởi nghiệp nhỏ bé thành một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới, cạnh tranh với JP Morgan, CitiBank hay ICBC.

Vài năm trước, chúng ta đã nhận định công nghệ sẽ có tác động to lớn tới ngành tài chính. Câu hỏi đặt ra lúc đó là “khi nào”, không phải “có tác động hay không”.

Hiện nay, vấn đề đặt ra không phải là “khi nào” hoặc “có hay không” nữa, mà điều đó đã thực sự xảy ra. Đây là điều đầu tiên mà tôi muốn bạn ghi nhớ, đó là quy mô tăng trưởng siêu tốc. Khi bạn nghĩ về ngành tài chính ngày nay, đừng nghĩ tới tài chính truyền thống, bởi ngành tài chính đang phát triển theo một cách rất khác. 

Tách nhóm và tái lập

Xu hướng thứ hai mà tôi muốn chia sẻ với các bạn là “tách nhóm” (unbundling) và “tái lập nhóm” (rebundling). Đó là quá trình đổi mới mà bạn đã chứng kiến trong nhiều lĩnh vực, trong đó có tài chính.

Trên thị trường, có hàng trăm công ty cùng cạnh tranh trong một ngành dọc, với định vị giá trị hết sức đơn giản, đó là nhanh hơn, rẻ hơn, tốt hơn bằng cách ứng dụng công nghệ nhiều hơn. Xu thế tách nhóm đầu tiên diễn ra vài năm trước.

Chẳng hạn, lấy ví dụ về một doanh nghiệp trong lĩnh vực khác là Amazon. Ban đầu, Amazon bắt đầu hoạt động kinh doanh với sách, theo thời gian, khi Công ty phát triển thì quá trình “tái lập nhóm” diễn ra, khi Amazon tiến hành cung cấp các sản phẩm đa dạng trong nhiều lĩnh vực. Chúng tôi nhận định, điều tương tự cũng diễn ra trong ngành tài chính.

Tất nhiên, rất nhiều công ty khởi nghiệp khởi đầu bằng tách nhóm sẽ tái lập nhóm ở một thời điểm nào đó. Revolut là một ví dụ điển hình về việc tách nhóm và tái lập nhóm. Revolut là thẻ ghi nợ trả trước, về cơ bản cho phép người dùng trả ít phí hơn khi đi du lịch nước ngoài.

Một định vị giá trị hết sức đơn giản, cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng và tổ chức phát hành thẻ tín dụng. Họ đã bắt đầu một vài năm trước chỉ với định vị giá trị đơn giản như vậy: Cung cấp thẻ ghi nợ trả trước dùng cho du lịch. Theo đó, Revolut đã khởi nghiệp từ phía “tách nhóm”.

Điều gì diễn ra sau đó? Từ năm ngoái, Revolut bắt đầu tái lập nhóm, bởi doanh nghiệp ngày càng có nhiều kế hoạch và phát triển thêm sản phẩm bảo hiểm du lịch, tiền điện tử. Kết quả là gì? Hiện nay, Revolut là tổ chức tài chính phát triển nhanh nhất ở Anh, một công ty chưa đầy 4 năm tuổi được định giá 1,7 tỷ USD.

Ðiểm tới hạn

Và vấn đề thứ ba là một số ngân hàng đã nhận thức được thực trạng này, nhưng một số thì chưa. Xu thế này bắt đầu từ năm 2013, 2014, khi rất nhiều ngân hàng hàng bắt đầu công cuộc đổi mới của mình, bằng việc thành lập các bộ phận nghiên cứu đổi mới, tăng tốc trong công cuộc đổi mới, đầu tư vào các công ty khởi nghiệp. Trong đó, Goldman Sachs là một ví dụ thú vị về việc các ngân hàng tích cực đầu tư vào FinTech.

Cụ thể, nhà băng này đã đầu tư vào 37 công ty trong vài năm qua. Điều tương tự cũng diễn ra với Citibank và JP Morgan.

Dù vậy, đầu tư là chìa khóa cho sự đổi mới, nhưng không phải là chìa khóa duy nhất. Đó còn là tăng cường kiến thức nội bộ về công nghệ, về đổi mới.

Chẳng hạn, vào khoảng năm 2000, Goldman Sachs đã đầu tư vào Kensho khoảng 15 triệu USD, số tiền rất nhỏ. Đổi lại, họ thu về nhiều hơn thế. Bởi Kensho là cánh cửa để Goldman Sachs tiếp cận công nghệ dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, có được bí quyết của công ty khởi nghiệp rất thông minh này.

Mới đây, Kensho đã được bán với giá 550 triệu USD cho S&P. Nếu xét về đầu tư, đây là một một thương vụ hiệu quả của Goldman Sachs, nhưng không chỉ vậy, nó còn là một thỏa thuận tuyệt vời về sở hữu trí tuệ.

Goldman Sachs đã học được rất nhiều trong quá trình hợp tác với những công ty khởi nghiệp phát triển nhanh này và tất nhiên, lợi nhuận của khoản đầu tư cũng không hề nhỏ.

Vậy câu hỏi được đặt ra là: “Làm thế nào để các tổ chức lớn chuyển đổi theo hướng công nghệ số?”. Câu trả lời là để thực hiện chuyển đổi theo hướng công nghệ số, các nhà băng cần ba yếu tố: Công nghệ, quy trình và quan trọng nhất là con người, bởi chúng ta đang đề cập tới một ngành mà nguồn nhân lực đóng vai trò chủ đạo.

Hiện tại, một vài ngân hàng đã nhận thức được điều này. Hai trong số các đối tác của chúng tôi là DBS và OCBC đang đầu tư những khoản tiền khổng lồ vào công tác đào tạo toàn bộ nhân sự của họ. Bởi vì trong thế giới công nghệ số, bạn không thể giỏi về tài chính nếu không am hiểu công nghệ, cho dù bạn thuộc bộ phận trung gian, nghiệp vụ, hay bán hàng.

Theo đó, chúng ta đang chứng kiến tất cả các tổ chức tài chính chuyển đổi từ việc đầu tư vào startups, tạo ra các phòng thí nghiệm đổi mới sang đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực. Thực tế, đây là thế giới nơi mà các tổ chức có được nguồn nhân lực tốt nhất sẽ tiến xa nhất.

Khi chúng ta bàn về công nghệ số, rất nhiều người nói: “Công nghệ số giúp tôi cắt giảm chi phí”. Đây không phải là những gì chúng ta thấy tại DBS. Bởi tại đây, công nghệ số cho phép họ tăng doanh thu lên gấp đôi. Như vậy, với cùng một mức chi phí, lợi nhuận của họ đã tăng gấp ba lần nhờ có công nghệ số.

Và điều này chỉ diễn ra khi các tổ chức bắt tay vào làm. Đó là khi điểm “tới hạn” (the tipping point) trong ngành tài chính đã diễn ra. Theo đó, chúng ta đã và đang chứng kiến nhiều tổ chức bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới, đầu tư rất nhiều vào công nghệ trong những năm qua.

Nhờ vậy, họ bắt đầu gặt hái những thành công từ công cuộc đó, với lợi nhuận liên tục gia tăng. Đồng thời, chúng ta cũng chứng kiến nhiều tổ chức đã hoàn toàn từ bỏ, khi nhận thấy công cuộc đổi mới quá khó khăn và quyết định không làm gì cả.

Lược dịch bài phát biểu “Fintech: Beyond the Tipping Point” của ông Nguyễn Triệu Huy
Tin bài liên quan