FED là mô hình và là bài học tham khảo tốt cho NHTW Việt Nam

FED là mô hình và là bài học tham khảo tốt cho NHTW Việt Nam

FED và mô hình Ngân hàng Trung ương phù hợp với Việt Nam

(ĐTCK) Ngành ngân hàng luôn đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế của tất cả các nước. Tại mỗi quốc gia, đứng đằng sau và là chỗ dựa vững chắc của các ngân hàng là ngân hàng trung ương (NHTW). Dù tên gọi có thể khác nhau, nhưng hầu hết các nước trên thế giới đều có NHTW, giúp chính phủ điều hành nền kinh tế thông qua các định chế tài chính và các chính sách tiền tệ và lãi suất. FED là mô hình và là bài học tham khảo tốt cho NHTW Việt Nam.

Tại Hoa Kỳ, Hệ thống Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Federal Reserve System - FED) thường được dịch sang tiếng Việt và gọi bằng một cái tên không thật sự chính xác là “Cục Dự trữ Liên bang”.

FED là huyết mạch của nền kinh tế và là chỗ dựa của các ngân hàng thương mại, đầu tư và các tổ chức tài chính Hoa Kỳ. Để hiểu được tầm quan trọng và ảnh hưởng của FED đối với nền kinh tế Hoa Kỳ và toàn thế giới, cần phải biết lịch sử, cấu trúc cũng như vai trò của FED.

Lịch sử FED

FED cũng như các NHTW trên thế giới thường được coi là ngân hàng của các ngân hàng, ngân hàng của nhà nước hay chính phủ, cỗ máy “in tiền”… Đạo luật Dự trữ Liên bang đã giúp FED ra đời năm 1913 ngay trước Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) và sau nhiều biến động kinh tế - tài chính trong nhiều thập niên trước đó. Hoa Kỳ khi đó đã có Đạo luật về Ngân hàng, quy định chặt chẽ các hoạt động và mối tương quan giữa các ngân hàng thương mại. FED đi vào hoạt động năm 1915 ngay giữa Chiến tranh thế giới thứ nhất với chủ trương của Chính phủ Hoa Kỳ là giúp điều hành và tài trợ cho các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ và các đồng minh.

Hoa Kỳ là một nước còn non trẻ, với lịch sử lập quốc bắt đầu từ cuộc di dân từ Anh quốc và châu Âu nên FED đã học được rất nhiều bài học kinh nghiệm về cơ cấu và hoạt động của các ngân hàng Anh quốc và châu Âu.

Cơ cấu vào tổ chức của FED

FED được thành lập như là một hệ thống 12 ngân hàng dự trữ liên bang được trải khắp Hoa Kỳ.

12 ngân hàng này trên danh nghĩa là cổ đông và là chủ nhân của FED - một khái niệm và cấu trúc đi ngược lại với cơ cấu thông thường của các tổ chức liên bang khác, gồm có một tổ chức ở Trung ương và nhiều văn phòng hay tổ chức đại diện ở địa phương.

Cổ phần hay sở hữu của FED do 12 ngân hàng dự trữ liên bang nắm giữ không phải là các cổ phần thông thường vì không được mua bán hoặc trao đổi, nhưng được chia lợi nhuận cố định khoảng 6%/năm.

12 ngân hàng dự trữ trong hệ thống FED có mặt ở các thành phố lớn của Hoa Kỳ, được các tổ chức tài chính hay cổ đông tư nhân sở hữu qua việc mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và hoạt động theo luật của các bang, nơi các ngân hàng này hoạt động.

Hoa Kỳ là một nước tư bản gần như tuyệt đối, nên việc FED, một cách nào đó, do tư nhân làm chủ thông qua 12 ngân hàng dự trữ liên bang, là một khái niệm thuần Mỹ và không giống cơ cấu và hoạt động của các NHTW ở các nước khác.

Năm 1913, khi thông qua Đạo luật Dự trữ Liên bang, Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn và bổ nhiệm một Hội đồng Thống đốc gồm 7 thành viên do Tổng thống Hoa Kỳ đề cử.

Đến nay, Hội đồng này vẫn giữ nguyên con số thành viên và đặt trụ sở chính tại Thủ đô Washington, D.C. Các Thống đốc có một nhiệm kỳ duy nhất là 14 năm, ngoại trừ những Thống đốc được bầu bổ sung thay cho các thành viên về hưu sớm, qua đời, hay nghỉ việc vì bất cứ lý do gì.

Những thành viên này, ngoài những năm được bầu bổ sung còn có thể được tái bổ nhiệm thêm một nhiệm kỳ chính thức là 14 năm nữa.

Tổng thống đề cử và Quốc hội phê chuẩn một Chủ tịch và một Phó chủ tịch của FED nhiệm kỳ 4 năm. Trong lịch sử của FED, có một số Chủ tịch rất nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn trên toàn nền kinh tế Hoa Kỳ và thế giới như Paul Volcker và Alan Greenspan.

Hội đồng Thống đốc của FED, mặc dù được Tổng thống đề cử và Quốc hội phê chuẩn, nhưng lại là một tổ chức độc lập và không phải tuân theo hay chấp hành các yêu cầu và đòi hỏi của Tổng thống hay Quốc hội. Các thành viên của Hội đồng gặp gỡ và làm việc với nhau hàng tuần. Họ còn thường xuyên gặp gỡ đại diện Nhà Trắng, Hội đồng Cố vấn kinh tế của Tổng thống, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, cũng như lãnh đạo các NHTW trên khắp thế giới. Mục đích chính là để nắm rõ được tình hình kinh tế thế giới, các chính sách tài chính tiền tệ và sự thay đổi trong nguồn cung cầu tiền tệ của nền kinh tế.

Vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của FED

FED có một số vai trò chính, thứ nhất là việc hình thành các chính sách tiền tệ, thông qua Ủy ban về Thị trường mở Liên bang (Federal Open Market Committee - FOMC). Ủy ban này gồm 12 thành viên, 7 Thống đốc của Hội đồng Thống đốc FED và 5 thành viên là Thống đốc của các ngân hàng dự trữ liên bang vùng. Chủ tịch của Ủy ban là Chủ tịch của FED và Phó chủ tịch là Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York. Ủy ban này quyết định lãi suất vay tiền và nguồn cung tiền cho thị trường và nền kinh tế quốc gia.

Thứ hai, Hội đồng Thống đốc FED quyết định mức dự trữ tiền tệ (thường là lượng tiền mặt) bắt buộc tại các ngân hàng thương mại và đầu tư trong nước và mức chiết khấu - mức giảm trừ lãi suất cho vay để kích cầu nền kinh tế hay để giảm lạm phát và hạ nhiệt nền kinh tế đang quá nóng. Hai nhiệm vụ này là hai công cụ chính về chính sách tiền tệ của FED. Ngoài ra, FED còn có trách nhiệm quản lý và giám sát các ngân hàng thương mại và đầu tư toàn quốc, các công ty chủ nhân của các ngân hàng, các ngân hàng hay tổ chức tài chính quốc tế hoạt động tại Hoa Kỳ.

Thứ ba, FED có trách nhiệm bảo đảm hệ thống thanh toán liên ngân hàng, các chính sách liên hệ đến rủi ro của hệ thống thanh toán và các quy định liên quan đến các quỹ tín dụng cho vay mượn, mua nhà; bảo đảm hệ thống thanh toán các chi phiếu (séc, checks), các thanh toán liên ngân hàng qua hệ thống chi trả tiền và thanh toán tự động…

Hàng năm, hệ thống FED xử lý khoảng 20 tỷ tấm séc được người dân và các tổ chức dùng để chi trả cho các dịch vụ, mua bán và thanh toán, chuyển trả tiền cho các ngân hàng ở khắp Hoa Kỳ. Ngoài ra, có gần 8.000 tổ chức tài chính ngân hàng tham gia vào mạng lưới chi trả thanh toán qua mạng của FED. Hệ thống chi trả qua mạng thường được dùng rộng rãi cho việc trả lương nhân viên, trả lương hưu, tiền hoàn thuế, tiền vay hay trả tiền mua nhà hàng tháng. Hê thống trả qua mạng này có tính thanh khoản cao, tiền vào và lấy ra khỏi tài khoản ngay khi lệnh chi trả được hoàn tất trên mạng, đỡ mất thời giờ hơn các chi phiếu, séc hay các chứng từ khác.

Thứ tư, tuy không đảm trách việc in tiền giấy hay đúc tiền xu - một trách nhiệm thuộc Bộ Ngân khố, hay còn gọi là Bộ Tài chính Hoa Kỳ, nhưng FED đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa tiền mặt (tiền giấy và tiền xu) vào nền kinh tế và giúp kiểm soát dòng tiền và việc cung ứng tiền qua các chính sách về lãi suất. Việc kiểm soát và điều hành dòng tiền thường được thông qua việc mua bán trái phiếu, trao đổi các giấy tờ hay chứng từ có giá trị tài chính, mua bán hoặc cho vay ngắn hạn giữa FED và các tổ chức tài chính tiền tệ của thị trường, với lãi suất qua đêm, 1 ngày, đến vài tuần.

Khi thị trường cần tiền mặt hay thanh khoản, FED thường mua trái phiếu chính phủ, giúp bơm thêm tiền vào nền kinh tế, giúp giảm lãi suất cho vay và kích cầu tiêu dùng. Ngược lại, khi có nguy cơ lạm phát, FED bán ra trái phiếu chính phủ để thu tiền mặt về, tạo sự khan hiếm ngắn hạn, dẫn đến việc vay nợ khó khăn hơn, giảm chi tiêu hay tín dụng trong thị trường. Ngoài ra, FED có thể bắt buộc tăng tỷ lệ dự trữ tiền mặt để các ngân hàng hay tổ chức tín dụng thương mại ít có tiền cho khách hàng vay, giúp hạ nhiệt nền kinh tế đang quá nóng.

12 ngân hàng dự trữ vùng thuộc hệ thống FED đóng vai trò vừa là trung tâm dự trữ, vừa là nhà cung cấp tiền mặt cho thị trường. Những ngày lễ lớn như Tết Tây, Noel… nhu cầu sử dụng tiền mặt rất lớn, các ngân hàng tư cần rất nhiều tiền mặt nên hệ thống FED cung cấp lượng tiền cần thiết cho thị trường với lãi suất thấp. Ngược lại, khi nhu cầu tiền mặt xuống thấp, các ngân hàng tư nhân hay các tổ chức tài chính thường gửi tiền vào các ngân hàng dự trữ vùng hay FED để thu lợi nhuận với lãi suất ngắn hạn. FED và 12 ngân hàng dự trữ vùng còn là nơi nhận tiền giấy và tiền xu từ nhà in hay các xưởng đúc tiền liên bang; giúp lưu hành tiền và thu hồi tiền xấu, tiền bẩn hay bị hư hỏng để đổi lại.

FED - mô hình và bài học tham khảo cho Việt Nam

Tuy các NHTW trên thế giới đều có những điểm đặc thù, riêng biệt, không hoàn toàn giống nhau, nhưng FED thường được xem là một mô hình NHTW chuẩn, cần được tham khảo, học tập. FED là một điểm son trong nền kinh tế Hoa Kỳ, giúp tạo sự ổn định bền vững, phát triển quân bình, mang lại nhiều giải pháp xử lý tình huống phù hợp, đem lại kết quả tốt.

Có một số yếu tố quan trọng trong mô hình FED mà hệ thống NHTW Việt Nam có thể nghiên cứu và tìm cách ứng dụng. Thứ nhất là FED có tính độc lập, tự chủ cao, nhưng vẫn giữ được mối liên kết chặt chẽ với các định chế tài chính, ngân hàng trong toàn ngành và thị trường. Điều này giúp NHTW có những quyết định độc lập, không bị nhiều áp lực hay chỉ thị của hệ thống chính trị có thể làm suy giảm hiệu quả của các chính sách tiền tệ và ngân hàng. Thực tế, ở nhiều nước chậm phát triển, hệ thống NHTW thường là công cụ của giới lãnh đạo chính trị, hay bị ảnh hưởng của các tập đoàn tài chính muốn gây ảnh hưởng trực tiếp lên các chính sách tiền tệ và tín dụng để làm lợi cho một số nhóm lợi ích.

Thứ hai, việc tăng hay giảm lượng cung tiền cho thị trường trong giai đoạn nền kinh tế có lạm phát cao hay bị thiểu phát thường được xử lý qua việc mua bán trái phiếu trên thị trường chứng khoán hay thị trường tài chính (cả sơ cấp và thứ cấp), hoặc qua việc tăng giảm lãi suất cho các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính. Việc mở rộng hay thắt chặt tín dụng để kích cầu tiêu dùng, phát triển kinh tế hay làm giảm lạm phát bằng những mệnh lệnh hành chính hay ý đồ chính trị thường không đem đến hiệu quả mong đợi, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy như sự đổ vỡ của nhiều doanh nghiệp hay kìm hãm sự phát triển của khu vực tư nhân, thường là khu vực nhạy cảm dễ bị tổn thương và lâu phục hồi.

Thứ ba, việc in ấn tiền giấy và đúc tiền xu cần được tách rời khỏi việc đưa tiền vào hệ thống tài chính ngân hàng. Hai việc này thường được nhiều NHTW của các nước chậm phát triển quyết định chung hay cùng thời điểm. Việc đưa thêm tiền vào thị trường phải phản ánh nhu cầu cần tiền mặt của thị trường và các giao dịch liên ngân hàng, tránh gây ra lạm phát và sử dụng tín dụng dễ dãi.

Theo kinh nghiệm của các NHTW của các nước phát triển và yêu cầu, tiêu chuẩn Basel I, II, III của Hiệp định về Quản lý và giám sát ngân hàng trên thế giới, NHTW nào nắm chắc và tuân thủ được ba yếu tố nói trên sẽ có cơ hội xây dựng một NHTW thành công, bền vững, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế quốc gia và tạo ra hiệu ứng lan tỏa tốt đẹp trong và ngoài toàn hệ thống ngân hàng.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Tin bài liên quan