Fed và ECB đang cắt đôi thị trường trái phiếu

Fed và ECB đang cắt đôi thị trường trái phiếu

(ĐTCK) Không phải là lần đầu tiên, các ngân hàng trung ương làm biến đổi các thị trường. Giờ đây, khi cuộc họp của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp diễn ra trong tuần tới, các nhà đầu tư lại đang bị xáo trộn trong việc thích nghi với triển vọng tăng lãi suất ở Mỹ.
 

Nhiều người đang ném tiền vào canh bạc khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và Khu vực đồng euro (Eurozone), khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có vẻ muốn tiến gần hơn đến liệu pháp nới lỏng định lượng toàn diện.

Trên thực tế, từ năm 2007 đến nay, lợi suất trái phiếu ngắn hạn của Đức, biến động ngược chiều với giá, đã thấp hơn lợi suất trái phiếu cùng loại của Mỹ. Điều này góp phần làm đồng USD tăng giá so với đồng EUR.

Hơn nữa, đồng USD tăng giá, cũng gây áp lực lên giá hàng hóa từ tháng 6, tạo nên một giai đoạn tăng giá ngoạn mục của đồng tiền dự trữ của thế giới, có thể sánh với các giai đoạn tăng giá trước đây, như đầu những năm 1980 và giữa thập kỷ 1990. Các nhà đầu tư cổ phiếu, những người đã tận hưởng một chu kỳ tăng giá kéo dài, có thể sẽ sớm cảm nhận được những ảnh hưởng từ việc đồng USD tăng giá với triển vọng lợi nhuận từ nước ngoài của các công ty đa quốc gia Mỹ.

Nằm ở trung tâm của các diễn biến thị trường này là triển vọng đối lập của các chính sách tiền tệ Mỹ và Eurozone. Fed đang xem xét tăng lãi suất trong năm tới, còn ECB đang vật lộn với nền kinh tế trì trệ và lạm phát giảm.

Một số chiến lược gia cho rằng, sự thay đổi trong lợi suất trái phiếu còn có thêm một động lực nữa - Fed dự kiến sẽ kết thúc chương trình mua trái phiếu vào tháng 10 - và có thể đẩy đồng USD lên cao hơn vào quý cuối năm nay.

“Sự phân hóa về chính sách giữa Mỹ và châu Âu chỉ mới bắt đầu; ECB thậm chí còn chưa bắt đầu nới lỏng định lượng, trong khi Fed chưa thực hiện tăng lãi suất”, Zach Pandl, nhà quản lý danh mục của Columbia Management, nhận xét. “Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm của Mỹ đã bắt đầu phản ứng tăng với nền kinh tế cải thiện và khả năng Fed tăng lãi suất”.

Trong khi lợi suất trái phiếu 2 năm của Đức giảm xuống mức 7 điểm cơ bản dưới 0, thì lãi suất cơ bản của Mỹ tăng lên 56 điểm cơ bản, mức cao nhất kể từ tháng 5/2011.

Giới giao dịch lãi suất Mỹ từ lâu đã xem nhẹ quy mô của các đợt tăng lãi suất tương lai, với kỳ vọng thị trường cuối các năm 2015 và 2016 tụt lại so với kỳ vọng của riêng Fed. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn ngắn đã tăng lên trong tháng qua, bất chấp số liệu việc làm thất vọng trong tháng 8.

“Bạn không thể đặt cược lớn vào một số liệu mà nó sẽ được điều chỉnh”, Marc Chandler, Chiến lược gia trưởng thị trường toàn cầu của Brown Brothers Harriman, nói.

Với việc Fed đang dần thu lại chương trình nới lỏng định lượng, diễn biến gần đây của lợi suất trái phiếu ngắn hạn và đồng USD cho thấy, các nhà đầu tư đang chậm rãi tính đến động thái chấm dứt giai đoạn lãi suất qua đêm gần bằng 0, áp dụng từ cuối năm 2008. Điều đó có nghĩa, Fed đang đối diện với bài toán truyền thông nan giải trong những tháng tới.

John Brady, một giám đốc quản lý của RJ O’Brien, nói rằng, trước khi báo cáo bảng lương tháng 8 yếu hơn kỳ vọng được công bố, các nhà đầu tư đã đoán trước về thông điệp tăng lãi suất của Fed trong tuyên bố chính sách vào tháng 9 này. Giờ đây, thông điệp đó có lẽ sẽ thay đổi.

Rủi ro cho các quỹ đầu cơ vĩ mô khi đánh cược vào thông điệp nâng lãi suất của Fed là Ngân hàng Trung ương sẽ không thay đổi ngôn ngữ truyền thông của mình, mà chọn cách quan sát thêm dữ liệu rồi mới thông tin tiếp. Điều đó có thể hút sự chú ý ra khỏi sự phân hóa về lợi suất, với việc các nhà đầu tư sẽ nán lại để chờ đến cuộc họp tháng 12 của Fed.

Tuy nhiên, theo Pandl, Fed sẽ muốn thông tin về một đợt tăng lãi suất trong năm 2015 ngay tại cuộc họp tháng này, thay vì đợi đến tháng 12. “Nếu họ muốn tăng lãi suất bắt đầu từ tháng 3 sang năm, họ cần dọn đường từ tháng 9 này bằng việc đưa ra cảnh báo vừa đủ cho các thị trường”, ông nói, “Khả năng thay đổi ngôn ngữ truyền thông trong tuần tới là rất cao”.              

Tin bài liên quan