Được biết, FED chuẩn bị có cuộc họp vào ngày 15 - 16/12 để quyết định về việc tăng lãi suất cơ bản (hiện đang ở mức 0%/năm). Trước đó, FED đã nhiều lần rục rịch tăng lãi suất. Nếu lần này, FED quyết tâm tăng lãi suất thì sẽ tác động đến thị trường toàn cầu và thị trường Việt Nam như thế nào, theo ông?
Với những định hướng chính sách đã được FED đưa ra trong nhiều tháng qua, thông tin này đường như không còn là cú sốc đối với thị trường thế giới nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng. Trong khi đó, từ một góc độ khác, những tín hiệu rõ ràng hơn từ FED được đánh giá là sẽ giảm những yếu tố bất định trên thị trường tài chính và đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư.
"Việc nhóm cổ phiếu blue-chips liên tiếp giảm giá cho thấy thị trường đang trong quá trình tìm lại điểm cân bằng hợp lý hơn, sau một thời gian tương đối dài nhóm này tăng khá mạnh nhưng không kèm theo yếu tố cơ bản bền vững làm điểm tựa".
Tuy nhiên, theo tôi, nếu FED tăng lãi suất, chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tiền tệ thế giới cũng như thị trường Việt Nam, bởi động thái này khiến đồng USD mạnh lên. Theo đó, lãi suất tăng sẽ kích hoạt mạnh hơn lượng vốn rút ra khỏi các thị trường mới nổi và Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Ở một góc độ khác, đồng USD mạnh lên gây sức ép lên tỷ giá, khiến nỗ lực điều hành tỷ giá và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước gặp khó khăn. Có thể, việc FED quyết định nâng lãi suất không tạo ra một cuộc khủng hoảng, nhưng sẽ tạo ra những bất ổn nhất định mang tính toàn cầu. Thực tế, trong thời gian vừa qua, dòng vốn ngoại và các dòng tiền đầu tư trong nước bị ảnh hưởng bởi những biến cố trên thị trường tài chính của nhiều quốc gia lớn trên thế giới.
Ông Tống Minh Tuấn
Thời gian qua, nhiều tổ chức đưa ra dự báo FED sẽ tăng lãi suất lên 0,25%/năm. Dự báo của ông như thế nào?
FED đã nhiều lần trì hoãn quyết định tăng lãi suất. Việc không vội tăng lãi suất sau khi đưa ra tín hiệu về định hướng chính sách cho thấy động thái thận trọng của FED đối với bất kỳ chính sách thắt chặt tiền tệ nào tại thời điểm nền kinh tế thế giới tiềm ẩn sự bất ổn, đặc biệt từ Trung Quốc.
Thêm vào đó, trong bối cảnh các đối tác khác của FED như Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc… vẫn đang tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ, thậm chí mở rộng chính sách này và bơm thêm tiền vào thị trường, FED sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về các quyết định của mình.
Hơn thế nữa, số liệu lạm phát của Mỹ chưa có dấu hiệu chắc chắn đạt mức mục tiêu 2% trong trung hạn và mức hồi phục chưa thực sự bền vững của kinh tế Mỹ cũng là những rào cản khiến FED chưa thể tiến hành chính sách thắt chặt tiền tệ một cách mạnh tay.
Theo đó, tôi cho rằng, FED sẽ tiến hành tăng lãi suất ở mức tối thiểu ngay trong tháng 12 (khoảng 0,25%) và sau đó cân chắc điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất hàng quý nhằm thích nghi với những phản ứng của thị trường.
TTCK vừa có một đợt giảm khá sâu, VN-Index hôm đầu tuần còn 563,6 điểm (ngày 7/12). Ông đánh giá như thế nào về cơ hội đối với thị trường từ nay đến cuối năm?
Việc nhóm cổ phiếu blue-chips liên tiếp giảm giá cho thấy thị trường đang trong quá trình tìm lại điểm cân bằng hợp lý hơn, sau một thời gian tương đối dài nhóm này tăng khá mạnh nhưng không kèm theo yếu tố cơ bản bền vững làm điểm tựa. Trong bối cảnh các thông tin hỗ trợ giai đoạn này không có nhiều, thị trường cần thời gian để tích lũy.
Chúng tôi chưa thấy những yếu tố hỗ trợ cho đà tăng bền vững của thị trường, trong khi rủi ro đang lớn dần, đặc biệt là khi nhà đầu tư chấp nhận mở vị thế mới ở các vùng giá cao tại các cổ phiếu đã liên tục tăng nóng.
Tôi cho rằng, xu hướng chủ đạo của chỉ số trong giai đoạn từ nay đến cuối năm là điều chỉnh nhẹ và tích lũy đi ngang. Thị trường có thể tích cực trở lại sau khi FED tăng lãi suất (trong tháng 12) và Ngân hàng Nhà nước tiến hành điều chỉnh tỷ giá thêm 1% (dự kiến đầu năm 2016).