Thông tin quan trong nhất mà giới đầu tư chờ đợi trong ngày thứ Tư chính là thông tin từ cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Fed. Và đúng như dự đoán, sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Fed đã chính thức công bố tăng lãi suất điều hành 25 điểm cơ sở.
Việc Fed tăng lãi suất lần đầu tiên sau 1 thấp kỷ đã được chuẩn bị từ cả năm nay và với mức tăng 25 điểm cơ sở được xem động thái ôn hòa của Fed và việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ được diễn ra một cách từ từ.
Ngoài ra, Fed cho biết, nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục mạnh mẽ và việc tăng lãi suất từ từ của cơ quan này là thích hợp.
Sau hành động được giới phân tích đánh giá là “phát ngôn cứng rắn, nhưng hành động ôn hòa” này của Fed, giới đầu tư đã hồ hởi mua vào các tài sản, kể cả các tài sản có tính rủi ro cao như chứng khoán, qua đó giúp phố Wall tiếp tục có phiên tăng điểm mạnh thứ 2 liên tiếp.
Kết thúc phiên 16/12, chỉ số Dow Jones tăng 224,18 điểm (+1,28%), lên 17.749,09 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 29,66 điểm (+1,45%), lên 2.073,07 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 75,77 điểm (+1,52%), lên 5.071,13 điểm.
Khác với phố Wall, thời điểm Fed công bố thông tin chính thức là thời điểm chứng khoán châu Âu đã nghỉ giao dịch. Do đó, diễn biến trên thị trường chứng khoán “lục địa già” khá lình xình khi nhà đầu tư thận trọng chờ đợi thông báo của Fed.
Kết thúc phiên 16/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 43,40 điểm (+0,72%), lên 6.061,19 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 18,88 điểm (+0,18%), lên 10.469,26 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 10,27 điểm (+0,22%), lên 4.624,67 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau khi giảm xuống mức thấp nhất 7 tuần rưỡi, chứng khoán Nhật Bản đã có phiên tăng mạnh nhất 2 tháng rưỡi trong ngày thứ Tư nhờ tín hiệu tích cực của phố Wall trong phiên trước đó, trước khi Fed công bố chính thức quyết định về chính sách tiền tệ của mình.
Tương tự, chứng khoán Hồng Kông cũng có phiên tăng mạnh nhất 1 tháng trong phiên thứ Tư, chấm dứt chuỗi 9 phiên giảm liên tiếp trước đó nhờ ảnh hưởng tích cực từ chứng khoán Âu, Mỹ trong phiên trước đó. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục chỉ có được mức hồi phục nhẹ.
Kết thúc phiên 16/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 484,01 điểm (+2,61%), lên 19.049,91 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 426,84 điểm (+2,01%), lên 21.701,21 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,83 điểm (+0,17%), lên 3.516,19 điểm.
Như đã đề cập ở trên, ngay sau tuyên bố của Fed về việc tăng lãi suất 25 điểm cơ sở, đúng như dự báo của giới đầu tư và được xem là hành động ôn hòa của cơ quan này, giới đầu tư đã ồ ạt mua vào các tài sản trong đó có vàng. Hành động này giúp giá vàng cũng tăng mạnh trong phiên thứ Tư.
Trước đó, những phát biều của các quan chức của Fed về khả năng tăng lãi suất đã khiến giá vàng có chuỗi giảm liên tiếp và liên tục xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ được cho là chắc chắn. Tuy nhiên, ngay sau khi Fed có quyết định tăng lãi suất, giá vàng lại tăng mạnh trở lại. Hiện tượng này được giới đầu tư gọi là “bán tin đồn, mua tin chính thức”.
Kết thúc phiên 16/12, giá vàng giao ngay tăng 11,1 USD (+1,05%), lên 1.072,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 tăng 15,2 USD (+1,43%), lên 1.076,8 USD/ounce.
Trong khi chứng khoán và giá dầu tăng mạnh sau thông tin Fed tăng lãi suất, thì giá dầu thô lại lao dốc trở lại trong phiên thứ Tư sau 2 phiên hồi phục nhẹ.
Kết thúc phiên 16/12, giá dầu thô Mỹ giảm 1,83 USD/thùng (-5,15%), xuống 35,52 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,26 USD (-3,39%), xuống 37,19 USD/thùng.